1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Thái Lan phát hiện nho Trung Quốc có chất nguy hiểm, Việt Nam quản lý sao?

Minh Huyền

(Dân trí) - Thái Lan vừa phát hiện nhiều mẫu nho Shine Muscat nhập khẩu Trung Quốc có dư lượng thuốc trừ sâu vượt giới hạn cho phép. Tại Việt Nam, nho nhập khẩu được áp dụng phương thức kiểm tra hồ sơ.

Mới đây, mạng lưới Cảnh báo thuốc trừ sâu Thái Lan (Thai-PAN) đưa ra cảnh báo về tình trạng dư lượng hóa chất nguy hiểm vượt mức cho phép trong mặt hàng nho Shine Muscat (nho mẫu đơn) nhập khẩu, theo Bangkok Post.

Cảnh báo được cơ quan chức năng Thái Lan đưa ra sau khi Hội Người tiêu dùng Thái Lan (TCC) và Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) công bố kết quả xét nghiệm 24 mẫu nho mua từ nhiều địa điểm khác nhau. Trong đó, cơ quan chức năng xác định có 9 mẫu nhập khẩu từ Trung Quốc, 15 mẫu còn lại không có thông tin về xuất xứ.

Kết quả 23 trong 24 mẫu có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá giới hạn cho phép. Trong đó, có một mẫu được phát hiện có chứa chlorpyrifos - một loại thuốc trừ sâu bị cấm ở Thái Lan. Ngoài ra, 22 mẫu nho khác chứa 14 dư lượng hóa chất có hại vượt quá giới hạn an toàn là 0,01 mg/kg và 50 dư lượng thuốc trừ sâu khác. 

Theo báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023 của Bộ Công Thương, Trung Quốc là thị trường cung cấp mặt hàng rau quả lớn nhất cho Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu đạt 794,7 triệu USD, giảm 7,4% so với năm trước, chiếm 40,5% trong tổng kim ngạch.

Về chủng loại, táo là mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất trong năm vừa qua, đạt 237,1 triệu USD. Xếp vị trí thứ hai là nho, đạt 158,4 triệu USD, giảm 17,4% so với năm 2022, chiếm 14,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây.

Riêng trong 9 tháng qua, Việt Nam đã chi 697 triệu USD (tương đương 17.400 tỷ đồng) để nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc, chủ yếu là trái cây tươi. Hiện, Trung Quốc vẫn là quốc gia cung ứng lượng rau quả lớn cho Việt Nam, chiếm gần 42% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả.

Thái Lan phát hiện nho Trung Quốc có chất nguy hiểm, Việt Nam quản lý sao? - 1

Nho sữa Trung Quốc được rao bán với giá 55.000 đồng/kg tại thị trường Việt Nam (Ảnh: Kim Nhung).

Đặc biệt, nho sữa (nho mẫu đơn) Trung Quốc là mặt hàng đổ bộ thị trường Việt Nam vài năm trở lại đây với giá rất rẻ. Khảo sát trên thị trường, đặc biệt là các hội nhóm mạng xã hội, nho sữa xuất xứ Trung Quốc được rao bán với giá chỉ 20.000-85.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá mặt hàng này nhập khẩu Hàn Quốc, Nhật Bản dao động 400.000-900.000 đồng/kg.

Theo quy định, rau củ quả nhập khẩu vào Việt Nam phải được đăng ký kiểm dịch thực vật. Căn cứ kết quả kiểm tra hồ sơ, cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định địa điểm và bố trí công chức kiểm tra ngay lô vật thể theo trình tự.

Hiện các lô trái cây trong đó có nho nhập khẩu vào Việt Nam đều được áp dụng phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm thông thường (chỉ kiểm tra hồ sơ). Trình tự, thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm được thực hiện theo quy định tại Nghị định 15/2018.

Đối với nho nhập khẩu, năm nay, Cục Bảo vệ thực vật đã kiểm tra 10 mẫu nho nhập khẩu Trung Quốc, kết quả không phát hiện mẫu vi phạm an toàn thực phẩm (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) của Việt Nam. Trước đó, trong năm 2023, cơ quan này kiểm tra 77 mẫu phát hiện một mẫu (1,3%) vi phạm quy định của Việt Nam.

Trước thông tin kết quả kiểm tra nho sữa Trung Quốc của Thái Lan, cơ quan chức năng cho biết đã liên hệ và lấy thông tin chính thức từ Bộ Nông nghiệp và FDA Thái Lan. Trên cơ sở kết quả phân tích và cảnh báo chính thức từ Thái Lan, Cục Bảo vệ thực vật sẽ xem xét và áp dụng phương thức kiểm tra chặt đối với các lô hàng nho nhập khẩu từ Trung Quốc.

"Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục trao đổi thông tin ở các kênh cảnh báo về an toàn thực phẩm quốc tế để đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm đối với nho của Trung Quốc", cơ quan quản lý cho biết.

Nghị định 15/2018 quy định 3 phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm bao gồm: Kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm. Áp dụng phương thức nào là dựa trên các đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm với các lô hàng/mặt hàng nhập khẩu

- Phương thức kiểm tra giảm: Kiểm tra hồ sơ tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng một năm do cơ quan hải quan lựa chọn ngẫu nhiên.

- Phương thức kiểm tra thông thường, theo đó chỉ kiểm tra hồ sơ của lô hàng nhập khẩu.

- Phương thức kiểm tra chặt, theo đó kiểm tra hồ sơ kết hợp lấy mẫu kiểm nghiệm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm