Thái Lan giảm giá thu mua tạm trữ gạo: Việt Nam không ảnh hưởng

Hiện giá gạo của Việt Nam thấp hơn nhiều so với gạo Thái Lan nên việc Thái Lan giữ nguyên hay giảm giá gạo tạm trữ sẽ không tác động nhiều đến tình hình xuất khẩu gạo của ta.

Thông tin trên được Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho biết ngày 8/7.

 

Thái Lan đang quyết thực hiện chủ trương giảm giá thu mua tạm trữ gạo xuống 20% so với giá hiện hành, nhằm kéo giá gạo xuất khẩu của nước này xuống, từ đó nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

 

Doanh nghiệp Việt
Doanh nghiệp Việt Nam đang giữ giá gạo để tạo vị thế cho gạo Việt Nam.

 

Hiện tại, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn thấp hơn Thái Lan rất nhiều. Bởi thế, nếu Thái Lan có giảm giá xuất khẩu cũng không thể thấp ngang bằng giá gạo Việt Nam xuất đi. Một thời gian dài, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã luôn nằm ở mức thấp hơn nhiều so với các nước xuất khẩu gạo khác như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan... Điều này khiến gạo xuất khẩu Việt Nam phần nào đã bị đánh mất vị thế và sức cạnh tranh. Hiện các cơ quan chức năng đang áp dụng giải pháp từng bước chủ động nâng giá gạo xuất khẩu đi kèm với việc đảm bảo chất lượng. Các doanh nghiệp đang kiên quyết giữ giá để dần tạo dựng uy tín và vị thế cho gạo xuất khẩu của Việt Nam.

 

Xuất khẩu gạo thơm sôi động, giá tăng: Nhu cầu mua của khách hàng tăng, nguồn cung trong nước hạn chế, lợi thế cạnh tranh về giá so với các nước được xác định là những yếu tố giúp xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam sôi động trở lại thời gian gần đây. Bộ Công Thương cho biết, Hongkong, Singapore và một số nước châu Phi là những thị trường đang có nhu cầu mạnh về gạo thơm của Việt Nam. So với Ấn Độ và Thái Lan, gạo thơm Việt Nam có giá cạnh tranh hơn nên thu hút được nhiều khách hàng.

 

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện gạo thơm được các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chào bán với giá 525-535 USD/tấn, tăng 50-60 USD/tấn chỉ trong 20 ngày qua. Tuy nhiên, mức giá này của Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều so giá chào xuất khẩu gạo thơm Hom Mali của Thái Lan (1.065-1.075 USD/tấn) và Basmati của Ấn Độ (1.515-1.525 USD/tấn).

 

Theo Mai Nguyễn

Dân Việt