1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tết Mậu Tuất 2018: Dịch vụ đổi tiền lẻ mệnh giá nhỏ "khó đất sống"?

(Dân trí) - Từ 2013-2017, thực hiện chủ trương không phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ trước và trong dịp Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiết kiệm được 280 tỷ đồng mỗi năm.

Hiện tượng dùng tiền lẻ để lễ bái vẫn còn nhưng đã giảm đi đáng kể nhờ chính sách không phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ của NHNN. (Ảnh: Hồng Vân)
Hiện tượng dùng tiền lẻ để lễ bái vẫn còn nhưng đã giảm đi đáng kể nhờ chính sách không phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ của NHNN. (Ảnh: Hồng Vân)

Bà Đào Thị Phượng, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Bắc Ninh cho biết, từ năm 2013-2017, theo chủ trương của NHNN về việc không phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ, về mặt kinh tế, mỗi năm đã tiết kiệm khoảng 280 tỷ đồng, nâng tổng mức chi phí tiết giảm từ khi thực hiện chủ trương này đến nay lên đến gần 2.200 tỷ đồng.

“Trên cơ sở đó, sẽ tiết kiệm được nguồn ngân sách cho Nhà nước và bổ sung thêm kinh phí phục vụ đảm bảo chất lượng cung tiền tốt hơn”, bà Phượng nói.

Từ đó, cho thấy rằng, việc không phát hành tiền mệnh giá nhỏ trong dịp Tết cũng nhận được sự đồng thuận cao từ người dân và ngân hàng.

Bên cạnh đó, theo bà Phượng, thực tế tại địa bàn tỉnh Bắc Giang, khi đi lễ đền chùa cũng không còn hiện tượng tiền lẻ rơi vãi khắp nơi. Điều này cho thấy văn hóa, ý thức người dân cũng thay đổi khi chủ trương của NHNN được họ ghi nhận.

“Trong thời gian tới, với sự đồng thuận của các cấp các ngành thì chủ trương này sẽ tiếp tục được người dân ủng hộ, góp phần tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước”, phó Giám đốc NHNN chi nhánh Bắc Giang nói.

Bà Phượng cho biết lượng tiền mới mệnh giá nhỏ vẫn còn trong kho nhưng kiên quyết không phát hành trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. (Ảnh: Hồng Vân)
Bà Phượng cho biết lượng tiền mới mệnh giá nhỏ vẫn còn trong kho nhưng kiên quyết không phát hành trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. (Ảnh: Hồng Vân)

Đáng nói, đại diện NHNN chi nhánh Bắc Giang cho biết, trong những năm gần đây, lượng tiền mệnh giá dưới 5.000 đồng gần như không được người dân nộp lại NHNN.

“Trước đây thì cứ sau Tết, lượng tiền lẻ này vào rất nhiều, nhưng những năm gần đây thì hầu như không có, hoặc có nhưng ít vì người dân còn để ở ngoài lưu thông”, bà Phượng cho hay.

Chia sẻ với báo giới, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Bắc Giang cho biết, tuy lượng tiền mới mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống vẫn còn trong kho nhưng theo chỉ đạo của NHNN trung ương xuống các chi nhánh, các ngân hàng trên địa bàn đã nghiêm túc không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ ra thị trường lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Đồng tình với bà Phượng, ông Nguyễn Trọng Chí, Phó Giám đốc Ngân hàng Agribank chi nhánh Bắc Ninh cho biết, trên địa bàn tỉnh có nhiều đền chùa, tuy nhiên, một số năm gần đây, lượng tiền mặt mệnh giá nhỏ cũng đã giảm nhiều so với những năm trước.

“Ngân hàng Agribank chi nhánh Bắc Ninh nhiều năm nay đã thực hiện giúp các đền, chùa trên địa bàn thu tiền nhỏ lẻ để trả về NHNN và thấy rằng lượng tiền lẻ thu được 2-3 năm gần đây đã giảm rất nhiều so với trước đây”, ông Chí nhận định.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thành Lập, Trưởng Ban quản lý di tích Đền Bà Chúa Kho, Bắc Ninh, việc đổi tiền lẻ tại đền là nghiêm cấm hoàn toàn nhằm đảm bảo việc lễ bái, hành hương của mọi người nói chung.

“Tuy nhiên, việc người dân dùng tiền lẻ để lễ bái vẫn còn xảy ra. Cho nên, toàn bộ tiền lẻ tại đền sẽ được ban quản lý thu gom và gửi về NHNN chứ không trao đổi tiền lẻ với bên ngoài”, ông Lập nói thêm.

Hồng Vân

Tết Mậu Tuất 2018: Dịch vụ đổi tiền lẻ mệnh giá nhỏ "khó đất sống"? - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm