Tây Nguyên "gọi" vốn đầu tư

(Dân trí) - “Nhu cầu vốn ở Tây Nguyên rất lớn, nhưng ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng được một phần cơ bản, phần lớn phải huy động từ nguồn khác như ODA, FDI và vốn trong nước”, Đại tướng Trần Đại Quang, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho hay.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Hôm nay 17/5, UBND tỉnh Lâm Đồng, Ban chỉ đạo Tây Nguyên và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên Trần Đại Quang cho biết, với diện tích tự nhiên trên 5,4 triệu ha, trong đó có 1,36 triệu ha đất đỏ bazan, chiếm 66% diện tích đất bazan toàn quốc, dân số 4,8 triệu người, Tây Nguyên thực sự là vùng đất giàu tiềm năng phát triển, nhất là về nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu.

Tuy nhiên, ông Trần Đại Quang cũng thừa nhận, mặc dù giàu tiềm năng nhưng đến nay Tây Nguyên mới đóng góp khoảng 4,5% GGP của cả nước so với các vùng miền khác vẫn là vùng kém phát triển. “Nhu cầu vốn ở Tây Nguyên rất lớn, nhưng ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng được một phần cơ bản, phần lớn phải huy động từ nguồn khác như ODA, FDI và vốn trong nước”, ông Quang cho hay.

Xúc tiến đầu tư tại Tây Nguyên.
Xúc tiến đầu tư tại Tây Nguyên.

Đánh giá về tình hình thu hút vốn ODA tại địa bàn Tây Nguyên, ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng vốn ODA đã được ký kết trong 4 năm 2011-2014 của các tỉnh Tây Nguyên là 409,9 triệu USD. Nhìn chung, nguồn vốn ODA vùng Tây Nguyên tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA theo chính sách của Chính phủ như: nông nghiệp và phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, giao thông vận tải, lâm nghiệp và trồng rừng, giáo dục và đào tạo, y tế, cấp nước sạch sinh hoạt...

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, so với các khu vực khác trong cả nước, điều kiện kinh tế xã hội của Tây Nguyên có nhiều khó khăn thu hút FDI: Thiếu lao động lành nghề, cơ sở hạ tầng kém phát triển, mức sống còn thấp. Tuy nhiên, Tây Nguyên có thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên.

Tính lũy kế đến 31/12/2014 đã có tổng số 148 dự án FDI đầu tư vào các tỉnh khu vực Tây Nguyên với tổng số vốn đăng ký 819 triệu USD; Bình quân một dự án là 5,5 triệu USD (thấp hơn so với bình quân một dự án nước ngoài đầu tư tại Việt Nam là 14,2 triệu USD).

Trong giai đoạn từ 2011 - 20/4/2015, vùng Tây Nguyên có 38 dự án FDI được cấp phép với tổng số vốn đầu tư là 122 triệu USD. Trong đó Lâm Đồng đang đứng đầu vùng với 29 dự án và 74,9 triệu USD vốn đầu tư chiếm 61,5 tổng vốn đầu tư của cả vùng; tiếp đến là Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông.

Cùng với đó đã có 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào vùng Tây Nguyên, trong đó Hàn Quốc đứng đầu trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào vùng với 14 dự án là 38,6 triệu USD vốn đăng ký; tiếp đến là Hà Lan, Hồng Kông…

Điều đáng nói, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ cấu nguồn vốn đầu tư thu hút vào Tây Nguyên chưa hợp lý, chủ yếu là vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn BT, BOT nhưng thu hút ODA, FDI và đầu tư của doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với cả nước xét trên hai tiêu chí: số dự án và số vốn đầu tư.

Cà phê - cây trồng chủ lực của Tây Nguyên.
Cà phê - cây trồng chủ lực của Tây Nguyên.

Cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu và các nông lâm sản là thế mạnh của Tây Nguyên, nhưng việc thu hút đầu tư vào chế biến các sản phẩm này còn ít, chưa tạo ra được chuỗi giá trị cao, bền vững.

Việc thu hút, sử dụng và quản lý vốn ODA, FDI trong thời gian qua tại các tỉnh trong vùng Tây Nguyên đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đó là khả năng hấp thụ nguồn vốn còn khiêm tốn, trong khi Tây Nguyên đang có nhu cầu lớn về vốn, việc thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao còn hạn chế; chuyển giao công nghệ còn chậm, còn có doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; mối liên kết ngang và dọc giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chưa cao; tình trạng tranh chấp lao động còn diễn ra ở một số nơi, ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư…

Đề cập tới chính sách tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho hay: Số liệu thống kê cho thấy, trong 3 năm gần đây dù tăng trưởng huy động của khu vực Tây Nguyên lên đến 16%/năm, nhưng nguồn vốn huy động tại chỗ chỉ mới đáp ứng được khoảng 57% nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế trên địa bàn.

Dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng tại các tỉnh Tây Nguyên đến cuối quý I/2015 đã đạt trên 152.000 tỷ đồng, tăng khoảng 50% so với cuối năm 2012. 

Hội nghị Xúc tiến Đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên hôm nay đã trao Quyết định đầu tư của 5 tỉnh Tây Nguyên cho 13 doanh nghiệp thực hiện 13 dự án tiêu biểu tại các tỉnh với tổng mức đầu tư trên 16.000 tỷ đồng; trong đó Kon Tum có tổng mức đầu tư lớn nhất lên đến 7.700 tỷ đồng và Gia Lai có số lượng dự án nhiều nhất (4 dự án).

Tại hội nghị, 8 ngân hàng thương mại (Vietcombank, VietinBank, MB, Agribank, BIDV, LienVietPostBank, SHB, Sacombank) và 17 doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng đầu tư vốn và thoả thuận hợp tác. Đồng thời, các ngân hàng cam kết cho vay trung và dài hạn với số tiền khoảng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của khu vực như: thuỷ điện, giao thông, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi…

Cũng tại hội nghị, LienVietPostBank, Công ty Cổ phần Him Lam và UBND tỉnh Lâm Đồng ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong việc phát triển cây mắc ca thành cây chiến lược (lâm - nông - công nghiệp) mới tại tỉnh Lâm Đồng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh, từ đó nhân rộng mô hình ra toàn vùng Tây Nguyên.

 Nguyễn Hiền


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”