Tẩy chay hàng Tàu, ngàn tấn hoa quả Trung Quốc ai ăn hết?
Mấy năm gần đây, người dân dần e ngại, từ chối mua các loại hoa quả có xuất xứ từ Trung Quốc vì sợ độc hại. Song, trên thực tế, mỗi ngày, số hoa quả Trung Quốc nhập về qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) vẫn lên đến 200 tấn. Vậy, số hoa quả này tiêu thụ ở đâu?
Sợ độc, dân chê không ăn hoa quả Tàu
Trên đường đi làm về, tạt vào hàng bán hoa quả gần nhà, chị Bùi Thị Thu Hương ở Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) liền hỏi: "Chị ơi, mận cơm này là mận Lạng Sơn hay mận Tàu vậy". Thấy chủ hàng khẳng định mùa này chỉ có mận Việt Nam, cuối mùa mới có mận Tàu, chị Hương mới yên tâm chọn mua.
Chị chia sẻ, khoảng 3 năm về trước, đi chợ cứ thấy quả gì rẻ thì chị mua, thích loại nào mua loại đó, bất kể là của Trung Quốc hay Việt Nam. Tuy nhiên, từ khi báo chí ra rả viết về hoa quả Tàu tẩm ướp hoá chất độc hại để cả tháng không hỏng, chị bỏ thói quen đó. Đi chợ, giờ chị tuyệt đối tránh hoa quả Tàu mặc dù nhìn chúng rất bắt mắt.
Tương tự, chị Phạm Thị Trà Dương ở khu đô thị Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) cũng cho biết, nghe tin lựu, nho, táo, quýt, cam Tàu,... bị phát hiện có dư lượng hóa chất không phép vượt ngưỡng khiến chị kinh hãi. “Chả phân biệt được loại nào độc hại, loại nào không nên tôi dừng mua hoa quả Tàu gần 4 năm nay rồi”, chị Dương cho hay.
Theo khảo sát của PV tại các chợ dân sinh ở Hà Nội, hoa quả Trung Quốc đã dần vắng bóng. Thậm chí, nhiều hàng bày bán cả 20-30 loại nhưng tuyệt đối không có một loại quả Trung Quốc nào.
Bà Nguyễn Thị Lệ, chuyên bán hoa quả tại chợ Bưởi (Ba Đình, Hà Nội) thừa nhận, hiện bà bán chủ yếu hoa quả nội, chỉ có duy nhất táo của Trung Quốc nhưng số lượng chưa đến 10kg/ngày.
Theo bà Lệ, khoảng 5 năm về trước, hoa quả Trung Quốc thường chiếm 50% tổng số các loại hoa quả bà bày bán. Tuy nhiên, giờ người dân chê nên bà cũng hạn chế nhập dần.
Thế nhưng, tại chợ đầu mối, các xe tải lớn vẫn chở hàng trăm tấn hoa quả nhập từ Trung Quốc về chợ để đổ buôn
Hoa quả Tàu được tuồn vào nhà hàng, khách sạn?
Như vậy, hoa quả Trung Quốc có thực sự bị “đánh bật” khỏi thị trường Việt Nam, nhường chỗ cho các loại hoa quả nội?
Thực tế, theo ghi nhận của PV tại chợ Long Biên - chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Hà Nội, xe ô tô tải chở đủ các loại hoa quả như: táo, lê, cam, nho, dưa,... từ cửa khẩu Lạng Sơn về vẫn đỗ chật lối đi để đổ hàng cho các mối lấy buôn.
Tại chợ đầu mối này, các loại hoa quả Trung Quốc có số lượng nhập về chẳng kém gì hoa quả nội địa. Thậm chí, các loại quả như táo, lê còn “độc quyền”, phủ sóng khắp chợ. Dân buôn thì tranh nhau đặt mua.
Trong khi đó, trao đổi với PV VietNamNet, bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục kiểm dịch thực vật vùng II (Lạng Sơn), cho biết, mấy năm nay lượng hoa quả Trung Quốc nhập về qua cửa khẩu Lạng Sơn đã giảm đi đáng kể.
Cụ thể, năm 2015, số lượng hoa quả Trung Quốc nhập về là 165.337 tấn gồm các loại: táo, lê, cam, quýt, nho, dưa vàng. Sang đến đầu năm 2016, con số nhập về đã giảm hơn bởi số liệu nhập về tháng 4 chỉ có 5.300 tấn, trong khi đó, tháng 4/2014 số lượng hoa quả Trung Quốc nhập về lên đến 12.300 tấn.
“Thời điểm hiện tại chúng ta nhập chủ yếu là cá loại táo, lê, cam với số lượng trung bình mỗi ngày gần 200 tấn”, bà Hà cho hay.
Theo tiết lộ của dân buôn chợ đầu mối, từ chợ, hoa quả Trung Quốc được phân phối vào các nhà hàng, khách sạn để làm đồ uống và đồ tráng miệng cho thực khách
Vậy, số hoa quả Trung Quốc nhập qua cửa khẩu Lạng Sơn được chuyển về chợ đầu mối rồi phân phối tiêu thụ ở đâu?
Theo tiết lộ của một đầu mối tên Trương, người có thâm niên buôn hoa quả Trung Quốc 15 năm nay tại chợ Long Biên, lượng hoa quả mà ông xuất buôn chỉ giảm chút ít so với trước.
Chẳng hạn, trước ông xuất buôn khoảng 8-9 tấn mỗi đêm thì giờ còn 6-7 tấn. Tuy nhiên, theo ông Trương., đối tượng nhập hoa quả Trung Quốc giờ đã thay đổi.
“Trước kia, các mối tại chợ dân sinh nhập về bán lẻ cho dân là chủ yếu. Nay, dân chê không ăn thì các mối chuyển qua phân phối cho các nhà hàng, khách sạn”, ông Tr. nói. Tại chợ đầu mối Long Biên, hoa quả Trung Quốc thường không bao giờ ế, từ loại thượng hạng (hoa quả ngon) đến hàng hết đát (hoa quả thối hỏng), dân buôn nhập hết để đổ vào các nhà hàng.
Quả ngon thì chuyển vào khách sạn làm các món tráng miệng, chè hoa quả, nước ép, sinh tố. Còn loại thối hỏng một phần thì chuyển qua nhà hàng, quán hoa quả vỉa hè,...- ông Tr. nói.
“Nhiều mối lấy buôn tại chỗ còn chia luôn ra các túi 5 kg, 10 kg. Hỏi thì họ bảo chia theo đơn đã đặt để chở đến cho các nhà hàng, khách sạn”, ông Trương. chia sẻ.
Thừa nhận chuyện này, chị Đinh Thị Lan, chuyên nhập hoa quả Trung Quốc để phân phối cho các nhà hàng, nói thêm, các loại nước ép, sinh tố hoa quả ở nhà hàng giá 50.000-70.000 đồng/ly, trong khi đó, cam sành Việt Nam giá 60.000-70.000 đồng/kg, táo Mỹ, Úc thì trên 100.000 đồng/kg. Nếu nhập các mặt hàng này thì không có lãi nên hầu hết các nhà hàng, khách sạn đều chọn hoa quả Tàu để chế biến.
Theo Bảo Phương
VietnamNet