TPHCM:

Taxi Uber bị “tuýt còi” xử phạt hàng loạt trong sân bay

(Dân trí) - Liên tiếp những chiếc xe ô tô bóng loáng hoạt động dịch vụ “taxi Uber” đã bị lực lượng thanh tra giao thông “phục kích”” chặn lại trong sân bay để xử lý các lỗi không gắn logo, phù hiệu hãng xe, không có hợp đồng giữa hành khách và chủ xe…

TTGT xử lý taxi Uber vi phạm tại sân bay Tân Sơn Nhất
TTGT xử lý "taxi" Uber vi phạm tại sân bay Tân Sơn Nhất

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 

Sáng 7/1, tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất (Q. Tân Bình), lực lượng Thanh gia thông (TTGT) Đội số 1, Đội 8, thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM tiến hành ra quân xử phạt xe ô tô hoạt động, kinh doanh dịch vụ Uber theo nghị định số 171 ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định.

Trong sáng nay, khoảng 10 xe “taxi Uber” đã bị TTGT xử lý vi phạm các lỗi như không gắn logo, phù hiệu khi tham gia dịch vụ chuyên chở hành khách và không có hợp đồng giao kết giữa chủ xe với khách hàng. Trước việc bị TTGT xử phạt, nhiều tài xế “taxi Uber” tỏ ra không đồng tình.

Theo phản ánh của một số khách đi dịch vụ “taxi Uber” sáng 7/1, khi họ chọn lộ trình điểm đến cuối cùng là sân bay Tân Sơn Nhất thì hầu hết các tài xế “taxi Uber” đều e ngại vì sợ “đụng” phải TTGT. “Sáng tôi đăng ký dịch vụ Uber để đi từ Hồ Con Rùa (Q.3) ra sân bay Tân Sơn Nhất. Lộ trình này tôi phải trả là 90.000 đồng, rẻ hơn nhiều so với các hãng taxi truyền thống. Tuy nhiên khi đến sân bay tài xế đã hối thúc tôi mau xuống xe vì sợ bị TTGT kiểm tra” – Ông Đoàn Đức N. kể.

Nhiều xe ô tô hoạt động dịch vụ Uber bị TTGT tuýt còi xử phạt sáng 7/1
Nhiều xe ô tô hoạt động dịch vụ Uber bị TTGT "tuýt còi" xử phạt sáng 7/1

Kể từ khi dịch vụ “taxi Uber” đi vào hoạt động đã gây nhiều tranh cãi. Trong một lần trải nghiệm thực tế dịch vụ này, PV Dân trí đã ghi nhận chia sẻ của tài xế Kim L. Trong quá trình di chuyển, anh L. cho biết: “Tụi em chỉ chạy công ăn lương, còn mọi thứ như giấy phép kinh doanh, đóng thuế, bảo hiểm…phía công ty sẽ lo. Làm tài xế Taxi Uber cũng ít khi bị thổi phạt vì nhìn bên ngoài vào nó giống như xe riêng, xe của gia đình. Có chăng chỉ bị Thanh tra giao thông gài người thì mới bị gặp rắc rối, vì mấy ông truy hỏi đủ thứ, kiểu gì mình cũng có lỗi”.

Trong lần di chuyển bằng dịch vụ Uber, tài xế Quang T. kể: “Sau mỗi hành trình của khách, chúng tôi được hưởng 10%, công ty 70%, 20% còn lại thuộc về Uber. Tính cả tiền bồi dưỡng hàng tháng thu nhập của cánh tài xế Uber vào khoảng từ 7 – 8 triệu đồng/tháng. Số tiền này đến tháng phía công ty sẽ trực tiếp trả”.

Cũng theo tài xế T., các tài xế Uber chạy theo ca, ngày làm ngày nghỉ, trung bình mỗi tài chạy khoảng 20 tiếng/ngày.

Theo đánh giá của nhiều tài xế Taxi Uber, trong dịch vụ này chỉ Uber là người được hưởng lợi nhiều nhất. Họ chỉ cung cấp phần mềm trên mạng nhưng được 20% sau mỗi hành trình. Số còn lại khi trừ chi phí, trả lương, đóng thuế, xăng xe…thì chủ xe chẳng được bao nhiêu.

Các tài xế xe Uber ngán nhất lực lượng TTGT
Các tài xế xe Uber "ngán" nhất lực lượng TTGT

Liên quan đến hoạt động của dịch vụ “taxi Uber” tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa có công văn gửi Hiệp hội Vận tải Taxi TP.HCM và Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội về hoạt động của dịch vụ Uber tại Việt Nam. Theo đó, công ty Uber là một đơn vị kinh doanh về công nghệ theo giấy phép kinh doanh đã được UBND TP.HCM cấp và không kinh doanh vận tải. Vì vậy, công ty Uber không phải là đối tượng quản lý của Bộ Giao thông Vận tải.

Tuy nhiên, hoạt động của công ty Uber có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh vận tải. Do đó, để bảo đảm phần mềm Uber hoạt động tại Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu công ty Uber và các đối tác thực hiện một số nội dung.

Cụ thể, Bộ yêu cầu công ty Uber chỉ ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có đủ điều kiện kinh doanh về giấy phép, phương tiện, lao động… theo đúng quy định tại Luật Giao thông đường Bộ và Nghị định số 86/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã hoặc sẽ ký hợp đồng với công ty Uber phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật khi cung cấp phương tiện, lái xe có sử dụng phần mềm ứng dụng Uber; đặc biệt là thực hiện đầy đủ trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải…

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện thanh tra đột xuất và định kỳ đối với hoạt động các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải có sử dụng phần mềm Uber, nếu không đảm bảo sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Công ty Uber phải có trách nhiệm liên đới.

Trung Kiên
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”