Hà Tĩnh:

Tàu cá hiện đại phải nằm bờ vì càng ra khơi càng lỗ

(Dân trí) - Là tàu hiện đại, thuộc diện lớn nhất trong vùng nhưng 2 con tàu vỏ thép tại huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) ra khơi được vài chuyến lại phải nằm bờ. Bởi theo các chủ tàu thì càng ra khơi, càng lỗ.

Đó là những gì đang xảy ra với hai chủ tàu cá vỏ thép được hưởng những chính sách đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ vừa qua.

anh 8.jpg

Dù tuổi đời mới hơn 2 năm nhưng 2 con tàu vỏ thép giá hơn 10 tỷ đồng đã phải nằm bờ vì không hiệu quả

Đang vào mùa cao điểm đánh bắt, nhưng 2 chiếc tàu vỏ thép của ông Trần Xuân Sinh (xã Thạch Bằng) và Nguyễn Văn Lòng (xã Thạch Kim) của huyện Lộc Hà, đây được xem là những con tàu thuộc dạng lớn nhất, hiện đại nhất trong vùng đang nằm im lìm trong Cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà).

Những chiếc tàu này nằm bờ phơi sương, phơi nắng đã nhiều tháng nay. Theo những chủ tàu cá này, nguyên nhân họ không dám ra khơi bởi càng ra khơi càng lỗ.

Ông Nguyễn Văn Lòng (trú xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) chủ tàu cá vỏ thép Thành Đạt 08 có trị giá hơn 13 tỷ đồng được hoàn thành vào năm 2017.

Sau khi hạ thủy, con tàu chỉ ra khơi được vài chuyến rồi lại nằm bờ. Và sang 2018 đến nay, con tàu dường như không còn ra khơi nữa.

Chủ nhân của con tàu cho biết, chi phí mỗi chuyến ra khơi hết khoảng 70 triệu đồng nhưng cá đánh bắt được bán ra chỉ được từ 30-50 triệu đồng nên hầu như chuyến tàu nào cũng lỗ.

Theo tìm hiểu thì trước đây, khi đăng ký đóng tàu vỏ thép, ông Lòng đăng ký đi đánh bằng nghề câu, kéo nên tàu ông được thiết kế phù hợp với nghề đăng ký.

Thế nhưng, khi tàu về và ra khơi, ông Lòng mới nhận ra nghề mình đăng ký không phù hợp. Đây được xem là nguyên nhân chính khiến công việc đánh bắt của con tàu không hiệu quả.

Ngay sau đó, ông Lòng đã đổi phương thức đánh bắt khác nhưng cũng không ăn thua, bất đắc dĩ ông đành đưa tàu về neo đậu ở cảng suốt năm qua.

anh 3 - Copy.jpg
anh 5 - Copy.jpg

Chiếc tàu trị giá gần 16 tỷ đồng của anh Sinh nhiều vị trí đã bị hoen gỉ

Tương tự, con tàu vỏ thép Tàu Triệu Vy 09 của anh Trần Xuân Sinh (trú xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà) có trị giá gần 16 tỷ đồng. Con tàu của anh cũng được hạ thủy và đưa vào sử dụng vào năm 2017. Tuy nhiên, đến nay con tàu cũng đã phải nằm bờ.

Chứng kiến con tàu gần 16 tỷ đồng nằm im lìm trong cảng cá, thân tàu xuất hiện nhiều vết hoen gỉ, lớp sơn bóc tróc, loang lổ khiến không ít người xót xa.

Theo chủ nhân con tàu này thì vùng biển đánh bắt hẹp, cá ít, chi phí thuê lao động, tiền dầu cao nên lỗ đó là những nguyên nhân căn bản khiến cho việc đánh bắt bị thua lỗ.

anh 7.jpg
anh 1.jpg

Anh Sinh buồn bã bên con tàu vỏ thép hoen gỉ vì nhiều tháng nằm bờ

Anh Sinh cho biết: “Bây giờ người dân họ đi xuất khẩu lao động nhiều nên những lao động còn lại không đáp ứng được yêu cầu, còn những lao động lành nghề thì họ đòi công cao quá. Trả công rẻ thì họ không đi, trả cao thì mình lỗ. Năm 2018 vừa qua hầu như đi chuyến nào cũng lỗ. Nằm bờ thì cũng phải chịu lãi nhưng nếu ra khơi thì lại càng lỗ hơn”.

Khi đóng tàu Triệu Vy 09, anh Sinh được ngân hàng cho vay hơn 14,9 tỷ đồng, theo cam kết mỗi tháng anh trả lãi khoảng gần 150 triệu đồng, mỗi năm trả thêm 1 tỷ đồng tiền gốc. Tuy nhiên, do làm ăn thua lỗ nên hầu như tháng nào anh cũng trả lãi chậm.

Ông Hà Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết, khó khăn lớn nhất của các tàu vỏ thép hiện nay là nguồn vốn và người lao động. Chính vì không giải quyết được hai vấn đề trên nên tàu ông Lòng nằm bờ cả năm qua, từ khi nhận tàu đến nay hoạt động không hiệu quả.

“Tại nhiều cuộc làm việc, ông Lòng có đơn xin chuyển đổi nghề từ đi câu, kéo sang nghề lưới rê, chi phí chuyển đổi nghề cả tỷ đồng nhưng vốn không có nên tương lai con tàu này không biết bao giờ mới ra khơi trở lại”, ông Tân cho biết.

Xuân Sinh

bannerchan-bai.gif