Tập trung xử lý nợ xấu giúp đảm bảo nguồn tín dụng ổn định

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Bối cảnh kinh tế gặp nhiều thách thức ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ngân hàng, nhất là xử lý nợ xấu. Trước thực trạng này, các ngân hàng đã đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu nhằm đảm bảo hoạt động ổn định.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, GDP quý I/2023 ước tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, ngoại trừ quý I/2020 do nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đây là mức tăng trưởng thấp trong 13 năm qua.

Số liệu trên cho thấy tình hình kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng. Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023 cho thấy các ngân hàng tuy đã nỗ lực kiểm soát nợ xấu với tỷ lệ dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước nhưng giá trị các khoản nợ xấu vẫn cao.

Tập trung xử lý nợ xấu giúp đảm bảo nguồn tín dụng ổn định - 1
Các ngân hàng đang tập trung xử lý nợ xấu thông qua nhiều giải pháp đồng bộ (Ảnh: Nam A Bank).

Không những thế, các tổ chức tín dụng còn đồng hành cùng Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ khách hàng ổn định sản xuất kinh doanh bằng các chính sách tín dụng, giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ… Do đó, hiện tại, các ngân hàng đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, nhất là các khoản nợ không còn khả năng trả nợ nhiều năm, như một giải pháp thực chất, hiệu quả nhằm góp phần bảo đảm nguồn tín dụng ổn định, tăng trưởng cho nền kinh tế.

Trong hoạt động xử lý nợ xấu, nhiều ngân hàng đã áp dụng chủ động, công khai việc thu giữ, bán đấu giá tài sản bảo đảm để thu nợ theo quy định của pháp luật và hợp đồng bảo đảm đã ký kết.

Đại diện Nam A Bank cho hay ngân hàng này cũng còn những khoản nợ xấu kéo dài nhiều năm, có những khoản ngân hàng đã phải bán nợ cho VAMC. Nhưng để triệt để giải quyết các dư nợ xấu này, bên cạnh áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, Nam A Bank vẫn áp dụng thu giữ và bán đấu giá tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Đại diện ngân hàng này cho biết: "Vừa qua, Nam A Bank và Công ty AMC Nam A Bank tổ chức thu giữ và bán đấu giá tài sản bảo đảm thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Hoàn Cầu Nha Trang.

Đây là các tài sản bảo đảm khoản vay đã chuyển nợ xấu nhiều năm, khách hàng vay và bên bảo đảm (Công ty cổ phần Hoàn Cầu Nha Trang) không trả nợ hoặc không có các phương án trả nợ cho ngân hàng, buộc ngân hàng và Công ty AMC Nam A Bank áp dụng biện pháp thu giữ và bán đấu giá tài sản là các bất động sản tại dự án Diamond Bay Nha Trang (trước đây là dự án Khu du lịch và giải trí sông Lô). Các bất động sản được phân loại là đất thương mại dịch vụ.

Việc thu giữ và đấu giá tài sản bảo đảm công khai, quy trình thực hiện theo quy định pháp luật, theo hợp đồng bảo đảm, có sự tham gia của chính quyền địa phương (khi thu giữ tài sản bảo đảm), công ty đấu giá, tổ chức hành nghề công chứng".

Hiện Công ty AMC Nam A Bank tiếp tục thu giữ và tổ chức bán đấu giá công khai một số tài bảo đảm cũng thuộc sở hữu của bên bảo đảm là Công ty cổ phần Hoàn Cầu Nha Trang, gồm các bất động sản được UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định điều chỉnh là đất thương mại dịch vụ theo Quyết định số 591 nhằm xử lý thu hồi tiếp các khoản nợ xấu được bảo đảm bởi các tài sản này. Các tài sản bảo đảm tại dự án này không bị ngăn chặn giao dịch, không bị yêu cầu tạm hoãn giao dịch để thực hiện thanh tra.

Đại diện Nam A Bank nhấn mạnh hoạt động xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ xấu nói chung và việc thu giữ hoặc bán đấu giá tài sản bảo đảm xử lý nợ xấu nói riêng là hoạt động nghiệp vụ bình thường của ngân hàng.

Việc các tài sản đang là tài sản bảo đảm hợp pháp tại ngân hàng, bán đấu giá tài sản bảo đảm có người mua là hoạt động nghiệp vụ của các tổ chức tín dụng. "Việc chây ì trả nợ, kéo dài xử lý nợ thực tế gây tác hại tiêu cực không chỉ cho ngân hàng mà còn với toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, việc xử lý nợ, xử lý tài sản cũng cần nhất quán, bảo đảm đúng quy định pháp luật, công khai, minh bạch đạt hiệu quả giải pháp cũng như bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp các bên liên quan", đại diện Nam A Bank cho hay.