Tập trung quyết liệt việc tái cơ cấu nền kinh tế

(Dân trí) - Việt Nam sẽ đồng thời tập trung triển khai quyết liệt hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên: tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG 2011) được tổ chức sáng nay (6/12) tại Hà Nội. Đây cũng là một trong hai nội dung chính được các đại biểu tập trung thảo luận.
 
Tập trung quyết liệt việc tái cơ cấu nền kinh tế - 1
Toàn cảnh Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ CG 2011 (ảnh: Trường Sơn)

 

Cụ thể, việc tái cơ cấu nền kinh tế sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực: tái cơ cấu đầu tư trong đó trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, đổi mới phân cấp quản lý đầu tư; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong đó đẩy mạnh ngay việc cổ phần hóa hầu hết các DNNN và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính.
 
Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng cho rằng.“Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng vẫn đang ngày càng tăng, đặc biệt là những thàng gần đây. Rủi ro thanh khoản trong hệ thống ngân hàng cũng là yếu tố rủi ro trong nền kinh tế, như: cho vay bất động sản... Vì thế, Việt Nam cần phải thay đổi và phải tái cơ cấu ngân hàng như một lĩnh vực ưu tiên cần tập trung xử lý”.
 

Về vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, mục tiêu trong 5 năm tới là sẽ có 2 ngân hàng đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực và có từ 10-15 ngân hàng đủ lớn để làm trụ cột cho cả hệ thống ngân hàng Việt Nam.

 

Khẳng định đây là một nội dung rất lớn và phức tạp song Thống đốc Nguyễn Văn Bình cam kết sẽ không để xảy ra đổ vỡ ngân hàng, rối loạn tài chính và mất an toàn hoạt động ngân hàng, nằm ngoài tầm kiểm soát. Đồng thời, Thống đốc cũng cam kết sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất, chi phí xử lý những vấn đề của hệ thống các tổ chức tín dụng.

 

Cũng theo ông Bình, trước mắt từ nay đến năm 2013, sẽ thực hiện phân nhóm các tổ chức tín dụng, hỗ trợ thanh khoản đối với các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, xây dựng phương án tái cấu trúc và thực hiện tái cấu trúc toàn diện các ngân hàng hoạt động chưa tốt.

 

Trước đó ít giờ, trong buổi họp báo giao ban, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã thông báo hợp nhất 3 ngân hàng thương mại đầu tiên bao gồm: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và chỉ định Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) làm đại diện chủ sở hữu. Trả lời báo chí bên lề Hội nghị, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, đây là hành động đầu tiên trong kế hoạch thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.

 

Hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng kế hoạch cho từng ngân hàng để đối phó với các yếu kém và củng cố hệ thống ngân hàng tài chính, ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) còn cho rằng, điều quan trọng là các kế hoạch này phải được thực hiện nhanh chóng. Ông cũng cho rằng, việc hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng hoặc bằng những kiểm soát hành chính là tốt nhưng chỉ là những biện pháp tạm thời, không giải quyết căn bản các vấn đề về quản trị và hiệu suất.

 

Đề cập rộng hơn trong vấn đề tái cơ cấu thị trường tài chính, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ông Cao Viết Sinh cũng cho rằng, việc tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính là một nội dung trọng tâm trong tái cơ cấu thị trường tài chính.

 

Theo ông Sinh, ngoài việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, còn thực hiện các giải pháp đồng bộ khác để tái cơ cấu các tổ chức tài chính như: quỹ tín dụng nhân dân, công ty bảo hiểm, công ty tài chính, các quỹ tài chính và chứng khoán…để mở rộng kênh huy động vốn qua thị trường chứng khoán và các định chế tài chính khác, ngoài kênh ngân hàng như hiện nay.

 

Kinh nghiệm từ Malaysia

 
Một trong những nội dung được chờ đợi nhất là những chia sẻ kinh nghiệm về việc cải tổ ngân hàng của bà Latifah Merican Cheong, cố vấn văn phòng Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán  tư vấn của Ngân hàng Thế giới.

 

Từ bài học trong việc tái cơ cấu khu vực tài chính của Malaysia, bà Latifah Merican Cheong cho rằng, quan trọng là định hướng được hướng đi. Tài chính là nền tảng quan trọng cho tăng trưởng chứ không phải là động lực. Trong giai đoạn khủng hoảng, cần có biện pháp ngắn hạn để cân bằng tài chính.

 

Ngoài việc tập trung vào xây dựng khung và thể chế về quy định và luật vững chắc thì cần mở rộng vai trò giám sát của ngân hàng nhà nước, nâng cao năng lực của các tổ chức tín dụng. Bà nhấn mạnh, ngân hàng nhà nước cần có quyền lực lớn hơn trong việc chủ động đối phó với khủng hoảng.

 

Điều quan trọng nữa trong vấn đề tái cơ cấu khu vực tài chính là cần phải ổn định thị trường, kiểm soát nợ xấu và có công cụ giám sát thông tin tài chính tốt, có thể thành lập ban cung cấp thông tin về tín dụng.

 

Bên cạnh đó là phải củng cố các thể chế, các hoạt động ngân hàng thông qua các hình thức mua bán và sáp nhập (M&A).

 

Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh, các biện pháp cải tổ cần phải phù hợp với nền kinh tế. Trong quá trình cải tổ ngân hàng, các khoản nợ xấu cần được quản lý triệt để. Bà cho rằng, vấn đề quản trị ngân hàng rất quan trọng để đảm bảo cho sự thành công của công cuộc cải tổ.

 

Từ đó, bà đưa ra 5 nguyên tắc cho việc tái cơ cấu ngân hàng. Một là, tái cơ cấu mục đích, tức là tái cơ cấu ngân hàng là để khôi phục khu vực tài chính bền vứng, góp phần tăng trưởng kinh tế.

 

Hai là, tái cơ cấu các ngân hàng không thực hiện tách biệt mà là một quá trình trong chuyển đổi kinh tế.

 

Bà là, cần xây dựng các mục tiêu rõ ràng, khung thời gian và kết quả cuối cùng.
 

Bốn là, tái cơ cấu ngân hàng thực hiện song song với phát triển thị trường vốn và trái phiếu để cân bằng rủi ro.

 

Năm là, tái cơ cấu kết hợp cùng với các biện pháp đảm bảo bền vững tài chính và tiền tệ trong thời gian tái cơ cấu.

 

Ngoài ra, tái cơ cấu phải thay đổi quan hệ giữa các ngân hàng, bên vay và các nhà lập pháp do đó phải có cam kết về chính trị; triển khai phải dựa trên các cân nhắc về kỹ thuật và kinh tế; cách thức tái cơ cấu bao gồm cả cổ phần hóa để giảm gánh nặng tài chính và cuối cùng là cần có sự chuẩn bị kỹ cho cán bộ có khả năng bị tác động bởi tái cơ cấu.

 

Lạm phát năm 2012 sẽ ở khoảng 9%

 

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mặc dù trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức nhưng đến nay kinh tế vĩ mô Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, lạm phát được kiểm soát, giá cả giảm liên tục trong 6 tháng qua. Dự báo cả năm 2011, CPI tăng khoảng 18% so với năm ngoái. Với kết quả này, năm 2012, Việt Nam có khả năng kiểm soát lạm phát ở khoảng 9%.

 

Nhật Linh