Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hồi âm về thông tin liên quan đến “sai phạm tài chính"
Mấy ngày gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin về việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chậm khắc phục một số sai phạm về tài chính theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Thông tin trên thực sự đã không phản ánh đúng và đầy đủ như kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trong Biên bản Xác nhận số liệu và việc thực hiện kết quả kiểm toán năm 2010, Kiểm toán báo cáo tài chính năm 2009 của PVN, do ông Nguyễn Hồng Long, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước Chuyên ngành VI đã ký ngày 25/11/2011.
Thực tế, về khoản phải khắc phục hơn 94 tỷ đồng này là gồm hai khoản :
Thứ nhất khoản 12 tỷ 777 triệu (lấy tròn số). Đây là khoản tiền mà Kiểm toán Nhà nước kiến nghị PVPower phải nộp vì coi đây là thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp thay nhà thầu về tiền lãi vay của Ngân hàng Calyon (Pháp). Năm 2008, PVN ký kết hợp đồng vay tín dụng xuất khẩu với ngân hàng Calyon để phục vụ cho dự án Điện Cà Mau.
Sau khi nhà máy đi vào hoạt động, Tập đoàn ủy quyền cho PVPower thực hiện các nghĩa vụ của hợp đồng này. Tuy nhiên, giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp có Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, cho nên Tập đoàn đã gửi hồ sơ xin miễn thuế lên Cục thuế Hà Nội (CV số 9933 ngày 8/12/2009), tuy nhiên, Cục thuế Hà Nội cũng chỉ nhận mà chưa có ý kiến trả lời. Sau khi có kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Tập đoàn và PVPower đã làm việc cụ thể với Cục thuế Hà Nội. Cục thuế Hà Nội cơ bản đồng ý và yêu cầu bổ sung thêm các tài liệu từ Ngân hàng Calyon và yêu cầu Tập đoàn bổ sung thêm một số hồ sơ xin miễn thuế theo quy định. Tuy nhiên, chưa rõ vì lý do gì mà phía Ngân hàng Calyon chậm nộp hồ sơ theo yêu cầu của Tập đoàn. Chính vì vậy mà chưa giải quyết được việc miễn thuế cho khoản này.
Thứ hai là khoản thuế Giá trị gia tăng của doanh thu hồi tố Cà Mau 81,5 tỷ đồng (lấy tròn số) chưa nộp thì lý do rất đơn giản là đến 31 tháng 12 năm 2011, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) còn nợ PVPower số tiền lên tới gần 12 ngàn tỷ (lấy tròn số).
Chính phủ cũng đã chỉ đạo EVN thống nhất khoản phí hồi tố, xác nhận công nợ cũng như thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, cho tới nay, EVN vì quá khó khăn do việc phải bán điện thấp hơn giá thành sản xuất, nên chưa thể trả được khoản nợ này.
Từ trước đến nay (tạm tính trong khoảng 10 năm trở lại đây), chưa bao giờ PVN lại không hoàn thành các nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước và năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước. Các nghĩa vụ về thuế cũng chưa bao giờ thiếu, dù chỉ là một đồng. Và năm nào, Tập đoàn cùng các đơn vị thành viên cũng được ngành thuế các cấp khen thưởng về hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ. Việc thực hiện nghiêm túc các kế hoạch tài chính luôn được lãnh đạo Tập đoàn chỉ đạo sát sao và coi đó là danh dự của cán bộ công nhân viên ngành Dầu khí.
Năm 2009, PVN được trao Bằng khen về việc chấp hành tốt nghĩa vụ nộp thuế với ngân sách Nhà nước của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội (QĐ khen thưởng số 5043/QĐ-UBND ngày 13/10/2010). Số tiền nộp ngân sách Nhà nước hàng năm của toàn Tập đoàn (theo Báo cáo tài chính hợp nhất) là rất lớn (năm 2009: 53.657 tỷ đồng, năm 2010: 87.924 tỷ đồng). Số tiền nộp Ngân sách Nhà nước mà Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu theo kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2009 là 185,76 tỷ đồng (bằng 0,34% số phải nộp năm 2009).
Nói riêng về năm 2011, PVN đã nộp ngân sách Nhà nước 156 ngàn tỷ đồng, vượt 50% so với kế hoạch là 102 ngàn tỷ. Số tiền 94 tỷ đồng, thực ra chỉ chiếm có 0,06% so với số tiền đã nộp.
Kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ đề nghị Tập đoàn chỉ đạo việc thu hồi nợ của EVN để nộp khoản thuế giá trị gia tăng và làm việc với Ngân hàng Calyon về khoản thuế nhà thầu được miễn theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần.
Theo N.N.P
Petro Times