Tập đoàn CEO: Kiên định chiến lược đặc khu, tập trung mũi nhọn BĐS nghỉ dưỡng
Theo “Chiến lược phát triển CEO Group đến năm 2021” được Đại hội đồng cổ đông quyết nghị thông qua ngày 30/3 vừa qua, Công ty CP Tập đoàn C.E.O (CEO Group) đặt mục tiêu phấn đấu tổng tài sản tiệm cận 1 tỷ USD.
Để hướng đến mục tiêu tỷ đô này, trước mắt, năm 2018, Tập đoàn CEO đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 468 tỷ đồng và lãi sau thuế 370 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm 2017.
Đặc khu là điểm tựa, bất động sản nghỉ dưỡng là đòn bẩy
Trả lời câu hỏi của cổ đông về điểm nhấn chiến lược nhằm đạt được mục tiêu trong năm 2018, cũng như mục tiêu thách thức đến năm 2021, khi Tập đoàn CEO tròn 20 tuổi, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO nhấn mạnh: “Đặc khu, đặc khu và đặc khu!”
Trên thực tế, từ năm 2014, Tập đoàn CEO đã lấy Phú Quốc làm điểm tựa chiến lược và các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng là bàn đạp thúc đẩy sự phát triển của Tập đoàn, và đã thành công. Hiện nay, Tập đoàn CEO là 1 trong 3 nhà đầu tư lớn nhất tại Phú Quốc cả về tốc độ triển khai và chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Dự án Sonasea Villas & Resort tại Phú Quốc với các hợp phần đã đưa vào khai thác rất thành công, bao gồm: Novotel Phu Quoc Resort với 750 phòng khách sạn 5 sao luôn có mức lấp đầy rất cao; Novotel Villas có kết quả kinh doanh rất khả quan và khu phố đi bộ Sonasea Shopping Center giai đoạn 1 sau khi đưa vào khai thác cũng đã trở thành một trong những điểm “phải đến” với du khách khi ghé thăm Phú Quốc.
Phú Quốc chính là thị trường trọng yếu, đóng góp rất lớn trong sự thành công của Tập đoàn CEO năm 2017 với các chỉ số tích cực: tổng doanh thu hợp nhất là 1.874 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế là 406 tỷ đồng, đạt 118% kế hoạch; Lợi nhuận sau thuế là 321 tỷ đồng, đạt 117% kế hoạch, tăng trưởng 17% so với năm 2016. Theo đó, tỷ lệ chi trả cổ tức cho cổ đông năm 2017 đạt mục tiêu 10%.
Đoàn Chủ tịch trả lời cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018
Năm 2018, Tập đoàn CEO kiên định chiến lược đặc khu và bất động sản nghỉ dưỡng, với sự phát triển mở rộng địa bàn thứ 2 – Vân Đồn (Quảng Ninh). Sau khi M&A một dự án bất động sản nghỉ dưỡng dang dở, hiện tọa lạc tại vị trí được coi là đẹp nhất của đảo chính Cái Bầu, Tập đoàn CEO tiếp tục đề xuất mở rộng và đã được thông qua chủ trương đầu tư Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City với quy mô dự kiến 350ha. Khu tổ hợp này cũng sẽ được phát triển để trở thành dự án thành khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng và đô thị, tương tự như khuôn mẫu đã thành công tại Phú Quốc – Sonasea Villas & Resort. Dự kiến trong năm 2018, hợp phần đầu tiên – tổ hợp khách sạn 5* Pullman Vân Đồn Harbor City với quy mô 1.000 phòng sẽ sớm được triển khai.
"Tập đoàn CEO kỳ vọng vào sự thành công của dự án tại Vân Đồn tương tự như đã thành công tại Phú Quốc", ông Đoàn Văn Bình nhấn mạnh khi khẳng định sự tự tin vào tiềm năng phát triển của Vân Đồn nói chung và của thị trường bất động sản khu vực này nói riêng.
Chỉ làm đầu tàu
Về kế hoạch phát triển chiến lược đến năm 2021, cột mốc đánh dấu 20 năm phát triển, Tập đoàn CEO đặt mục tiêu nâng tổng tài sản tiệm cận mốc 1 tỷ USD. Tuy nhiên, để xử lý nhu cầu vốn cho mục tiêu thách thức này, lãnh đạo Tập đoàn cho biết sẽ không sử dụng nhiều vốn vay, mà chủ yếu là sử dụng nguồn vốn từ tiền bán hàng để huy động nguồn vốn xã hội hóa.
Để giải đáp thắc mắc cổ đông về vấn đề quy mô sử dụng vốn vay thấp liệu có mâu thuẫn với mục tiêu tăng trưởng cao, ở mức tỷ đô, lãnh đạo Tập đoàn chia sẻ: CEO chỉ làm đầu tàu, chỉ làm những gì mình có thế mạnh nhất, có hiệu quả nhất. Phần còn lại, sẽ kêu gọi các nhà đầu tư khác, cùng cộng hưởng để thành công lớn. “Làm được điều đó, tính xã hội hóa sẽ cao nhất, khả năng huy động nguồn lực xã hội để phát triển dự án cũng cao nhất mà vẫn đạt được mục tiêu của Tập đoàn, đạt được hiệu quả về lợi nhuận, doanh thu để khẳng định vị thế của Tập đoàn trong cộng đồng các doanh nghiệp”, ông Đoàn Văn Bình nhấn mạnh.
Trên thực tế, cách làm này đã phát huy hiệu quả với Khu tổ hợp Sonasea Villas & Resort tại Phú Quốc, Tập đoàn CEO tập trung phát triển Novotel Phu Quoc Resort, sau đó là Novotel Villas, phố đi bộ Sonasea Shopping Center và sắp tới là Best Western Premier Sonasea Phu Quoc, đó là những đầu tàu và các toa quan trọng mà Tập đoàn CEO tập trung phát triển. Còn một số sản phẩm dịch vụ khác, Tập đoàn CEO tạo ra sân chơi xã hội hóa, cùng phát triển với các nhà đầu tư có lợi thế hơn ở các mảng sản phẩm – dịch vụ không phải là thế mạnh của CEO, ví dụ như với Mường Thanh phát triển khách sạn 4*,… Đó là cách Tập đoàn CEO khẳng định thương hiệu của mình tại Phú Quốc, và mô hình hoạt động này sẽ tiếp tục được nhân rộng tại các dự án khác.
Dự án Sonasea Villas & Resort với các hợp phần triển khai thành công: Novotel Phu Quoc Resort, Novotel Villas, Sonasea Shopping Center,…
Trả lời trước lo ngại của cổ đông về khả năng huy động vốn, cân đối dòng tiền trước hàng loạt dự án lớn đang triển khai cùng lúc, lãnh đạo Tập đoàn CEO thừa nhận nhu cầu vốn đầu tư các dự án của Tập đoàn hiện rất lớn, mỗi dự án đều có quy mô vài nghìn tỷ đồng, nên Tập đoàn phải huy động vốn bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, đây là vấn đề hết sức bình thường trong kinh doanh, và báo cáo tài chính đã chỉ ra, tỷ lệ an toàn vốn của Tập đoàn CEO hiện tại vẫn tương đối tốt so với các tập đoàn hàng đầu cùng ngành.
Đầu tư cho nhân lực ngành du lịch
Năm 2018, Tập đoàn CEO đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 468 tỷ đồng và lãi sau thuế 370 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm 2017. Tỷ lệ cổ tức dự kiến là 10%. Đến hết quý I/2018, Tập đoàn CEO đã đạt được 20% lợi nhuận của năm và ban lãnh đạo tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch cả năm.
Để đạt được các mục tiêu chiến lược đến năm 2021, Tập đoàn CEO thực hiện tái cơ cấu các ngành nghề mũi nhọn, từ 2 ngành nghề chính là Bất động sản và Giáo dục – Đào tạo gắn liền với xuất khẩu lao động chuyển sang tập trung phát triển 5 ngành nghề bao gồm: Bất động sản; Bất động sản nghỉ dưỡng; Xây dựng; Du lịch & Quản lý khách sạn và Phát triển nguồn nhân lực.
Trong 5 mục tiêu chiến lược này, Tập đoàn CEO xác định: Phát triển nguồn nhân lực chính là mục tiêu đáp ứng sự phát triển bền vững, đặc biệt là của mảng bất động sản nghỉ dưỡng và Du lịch & Quản lý khách sạn. Theo đó, cùng với mục tiêu đưa thương hiệu Sonasea trở thành Top 10 thương hiệu Quản lý khách sạn hàng đầu Việt Nam, Tập đoàn đặt mục tiêu đưa Trường Cao đẳng Đại Việt vươn lên Top trường thu hút sinh viên tốt nhất Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo điều dưỡng và du lịch; Xây dựng 1 hệ thống trường liên cấp trong các dự án của Tập đoàn; Đạt Top 10 xuất khẩu lao động và Top 5 xuất khẩu lao động vào thị trường Nhật Bản. Hiện nay, mảng kinh doanh này này chưa đóng góp nhiều trong cán cân doanh thu chung, tuy nhiên, Tập đoàn CEO vẫn kiên định đầu tư ngành nghề mũi nhọn này.
Novotel Phu Quoc Resort – một trong những dự án đánh dấu sự thành công của Tập đoàn CEO trong mảng bất động sản nghỉ dưỡng
Theo lý giải của Ban lãnh đạo Tập đoàn CEO: Việt Nam hiện xác định Du lịch chính là một ngành kinh tế trọng điểm mang lại sự phát triển đột phá cho đất nước trong thời gian tới. Năm 2017, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là 13 triệu lượt, và con số sẽ nhanh chóng tăng lên 20, 30 triệu lượt. Lượng du khách nội địa cũng phát triển đột biến trong thời gian qua. Bởi vậy, ngoài việc cần rất nhiều phòng phục vụ nhu cầu lưu trú, chúng ta sẽ nhanh chóng cần một lượng nhân lực chuyên nghiệp lớn cho ngành du lịch, đặc biệt là ở mảng điều dưỡng gắn liền với du lịch nghỉ dưỡng. Tập trung phát triển nhân lực ngành này không chỉ đáp ứng nhu cầu nội tại của Tập đoàn CEO, mà còn đóng góp cho sự phát triển chung của ngành du lịch và hỗ trợ giải quyết rất nhiều bài toán xã hội cho đất nước.
Theo “Chiến lược phát triển CEO Group đến năm 2021, Tập đoàn CEO là tập đoàn phát triển BĐS nghỉ dưỡng hàng đầu trên thị trường Việt Nam với các chuẩn quốc tế; lọt Top 250 trong bảng xếp hạng các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam VNR500 và Top 10 các doanh nghiệp kinh doanh BĐS tư nhân Việt Nam. Riêng mảng Bất động sản nghỉ dưỡng, Tập đoàn CEO đặt mục tiêu 3.000 phòng nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 5 sao trở lên.
H. Nhung