Tập đoàn Cao su Việt Nam trì hoãn thoái vốn để tránh lỗ

(Dân trí) - Tính đến ngày 30/6/2015, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam mới chỉ thoái được hơn 34% trong tổng số 3.500 tỷ đồng phải thoái. Đại diện Tập đoàn này cho hay, chủ trương của tập đoàn là “thoái vốn phải hòa hoặc có lãi, lỗ không làm".

Ông Trần Thoại, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, Tập đoàn phải thoái là trên 3.500 tỷ đồng, riêng công ty mẹ là 2.900 tỷ đồng, tại 7 công ty thành viên là 1.777 tỷ đồng.

Đến 30/6/2015, tổng số vốn đã thoái được là 1.195 tỷ đồng. Đến nay, tập đoàn không còn đầu tư ngoài ngành trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng.

Theo kế hoạch, 6 tháng cuối năm còn phải thoái 2.551 tỷ đồng, dự kiến sẽ thoái được 1.733 tỷ đồng, nhưng dự kiến thu được 1.864 tỷ đồng, còn 816 tỷ khó thoái vốn.

cao-su-vn-1841a

Các công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam khó thoái vốn khỏi lĩnh vực ngoài ngành vì giá cổ phiếu thấp (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

“Trong số 800 tỷ khó thoái vốn, một số đơn vị có giá bán thấp, vì thế chúng tôi phải chờ. Chủ trương của tập đoàn là thoái vốn phải hòa hoặc có lãi, lỗ không làm,” ông Thoại khẳng định.

Một số đơn vị đang đầu tư dở dang như CTCP EVN Quốc tế, CTCP điện Việt Lào,… vẫn chưa thoái được. Việc thoái vốn tại các công ty thủy điện thuận lợi vì nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhưng tập đoàn chủ trương bán nguyên lô và theo dự kiến là có lãi và sẽ cố gắng hoàn thành nhóm thủy điện trong 2015.

Ngoài ra, hiện nay trong thoái vốn theo quy định của Bộ tài chính tại thông tư 2660, tất cả hồ sơ thoái vốn phải thông qua Ủy bán Chứng khoán (UBCK) và tất cả các công ty thoái vốn đều phải nộp báo cáo tài chính (BCTC) theo Luật Kiểm toán. Tuy nhiên, các công ty thành viên của tập đoàn góp vốn vào các DN khác với số vốn không chi phối, mà các công ty này làm ăn kém hiệu quả nên BCTC chậm, ảnh hưởng đến quá trình thoái vốn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định rằng: Việc sắp xếp, đổi mới, CPH và thoái vốn ngoài ngành đối với các doanh nghiệp nông nghiệp là chủ trương đúng đắn của Bộ chính trị và cần phải thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả.

Theo Bộ trưởng, giá trị vốn của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp cần phải thoái trong 6 tháng cuối năm còn rất lớn, do đó, các doanh nghiệp cần quyết liệt thực hiện các phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Nguyên An

Tập đoàn Cao su Việt Nam trì hoãn thoái vốn để tránh lỗ - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm