Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên 15%?
"Lạm phát sẽ tăng nữa trong nửa sau năm 2007 và có thể đạt mức tăng 8,5% vào quý 3 và 9,1% vào quý 4 năm 2007. Với việc tiền tệ được rút khỏi lưu thông, tăng yêu cầu dự trữ ngoại hối sẽ là biện pháp hiệu quả nhất và tôi nghĩ tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ có khả năng tăng lên 15%".
Bà Prakriti Sofat, chuyên viên kinh tế thuộc Ngân hàng HSBS Global Research đã dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương mại từ 10% lên 15%?
Ông Nguyễn Đại Lai, Phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: "Mọi khả năng đều có thể xảy ra trong việc khống chế chỉ số tăng giá tiêu dùng và chống lạm phát. Vì bất cứ quốc gia nào cũng vậy, ngân hàng trung ương có quyền lực điều tiết ổn định của giá cả thông qua chính sách tiền tệ mà một trong những công cụ rất mạnh là dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở và các quyền lực quản lý hệ thống thanh toán quốc gia".
Cũng theo ông Lai, khi lạm phát xảy ra thì dù ở đâu và thời điểm nào, đều có nguyên nhân từ tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan phát hành đồng tiền và họ phải chịu trách nhiệm đến cùng về giá trị sức mua của đồng tiền. Vì vậy, nếu tốc độ tăng trưởng tín dụng làm tổn thương hoặc tham gia vào việc tăng chỉ số CPI thì việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 10% lên 15% là hoàn toàn có thể xảy ra.
Với đợt tăng dự trữ bắt buộc lần trước, đối với nội tệ gửi dưới 12 tháng của hầu hết các ngân hàng thương mại đã tăng từ 5% lên 10%; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tăng từ 4% lên 8%, Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương tăng từ 2% lên 4%. Còn đối với dự trữ bắt buộc tiền gửi ngoại tệ: kỳ hạn dưới 12 tháng tăng từ 8% lên 10%; kỳ hạn 12 tháng đến 24 tháng tăng từ 2% lên 4%.
Theo một chuyên gia ngân hàng, trong đợt này, Ngân hàng Nhà nước rút khỏi lưu thông khoảng 30 nghìn tỷ đồng, điều này cũng được hiểu là một lượng tiền khoảng 60 nghìn tỷ đồng - là nguồn vốn kinh doanh của các ngân hàng thương mại bị "giam vào kho" của Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy, nếu trong thời gian tới, tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiếp tục tăng từ 10% lên 15%, thì một lượng tiền lớn hơn sẽ bị rút khỏi lưu thông và không tiếp tục được sinh lời.
Nhìn ở góc độ kiềm chế lạm phát, việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc cùng với các công cụ khác trong chính sách điều hành tiền tệ như lãi suất, nghiệp vụ thị trường mở sẽ điều hòa dòng tiền trong lưu thông, góp phần cân đối quan hệ tiền - hàng, giảm áp lực lạm phát.
Nhưng việc lạm dụng công cụ tăng dự trữ bắt buộc, hậu quả của nền kinh tế nói chung và đối với các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp vay vốn nói riêng, sẽ rất khó lường.
Bà Prakriti Sofat phân tích về tác động xấu của dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng thương mại: "Việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc về cơ bản sẽ giảm khối luợng tín dụng trong nền kinh tế thông qua việc giảm trực tiếp khối luợng tiền tại các ngân hàng thương mại.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh (Viện Khoa học tài chính - Bộ Tài chính) nói: "Việc tăng dự trữ bắt buộc cũng giống như một hình thức tăng lãi suất. Nhà nước được lợi trước mắt về ổn định vĩ mô nhưng ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bị thiệt hại".
Theo phân tích của ông Ánh, khi tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, các ngân hàng phải thắt chặt tín dụng thông qua giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng và điều chỉnh tăng lãi suất cho vay. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng.
Cũng từ đó, ngân hàng sẽ không tăng huy động tiết kiệm nữa vì càng huy động tiết kiệm, càng phải gửi nhiều tiền vào Ngân hàng Nhà nước nhưng chỉ nhận được một tỷ lệ trả lãi rất nhỏ từ Ngân hàng Nhà nước so với mức lãi đem kinh doanh ngoài thị trường (9% - 10%/năm).
Ông Đỗ Tất Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Agribank nói: "Khi tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, chi phí vốn của ngân hàng sẽ cao lên, chúng tôi buộc phải hạn chế, thu hẹp đầu tư đối với cho vay khác trong khi không được giảm cho vay đối với khu vực nông thôn và doanh nghiệp nhỏ".
Ông Ngọc cho biết thêm, khi đồng vốn cho vay với lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp không vay và dẫn tới dư tiền trong ngân hàng. Để khắc phục vấn đề này, ngân hàng phải mang tiền đầu tư kinh doanh tiền gửi hoặc kinh doanh trên thị trường ngoại tệ nhưng cũng hết sức khó khăn.
Hậu quả theo là sự tác động xấu đến các doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi lẽ, khi thắt chặt tín dụng, lập tức các ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay, doanh nghiệp sẽ khó khăn khi tiếp cận với nguồn vốn có lãi suất cao, làm cho chi phí đầu tư bị đẩy cao.
Và tất nhiên, sự tăng trưởng chung của nền kinh tế sẽ bị kìm hãm theo. Như vậy, phải chăng ở đây, cần tìm câu trả lời "Vì sao phải chống lạm phát?" chứ không đơn thuần là "Vì sao phải tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc?"
Theo Nguyễn Hoài
VnEconomy