Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2019 giảm vẫn thuộc hàng cao nhất khu vực

(Dân trí) - Trong báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2019 được công bố vào sáng nay (3/4), ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020.

Tăng trưởng giảm nhưng vẫn cao so với khu vực

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2019 giảm vẫn thuộc hàng cao nhất khu vực - 1

Buổi công bố báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2019 diễn ra trong sáng nay.

Tại buổi công bố báo cáo, theo ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế của ADB tại Việt Nam, nhìn chung trong toàn bộ khu vực thì tăng trưởng kinh tế sẽ giảm trong 2019-2020.

Cụ thể, Đông Á là khu vực có những nền kinh tế mạnh nhưng cũng giảm còn 5,7-5,5% trong năm 2019-2020. Nam Á thì duy trì được đà tăng trưởng tiếp tục tăng 6,9-6,7% trong năm 2020.

“ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm nhẹ còn 6,9% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020. Dù con số có giảm nhưng đây cũng là mức tăng trưởng cao trong khu vực”, ông Cường cho biết.

Theo đó, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick cũng nhận định: “Nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức cao trong năm 2018, và có nhiều khả năng được giữ vững trong thời gian tới với sự hỗ trợ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, và cầu nội địa được duy trì. Động lực tăng trưởng dự kiến sẽ được tiếp tục nhờ những cải cách đang diễn ra để cải thiện môi trường kinh doanh và khuyến khích đầu tư tư nhân”.

Bên cạnh đó, lạm phát trong năm nay tiếp tục được kiểm soát, có thể tăng nhẹ 3,5% và lên 3,8% vào năm 2020.

Về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung lên nền kinh tế Việt Nam trong năm nay, theo ông Cường, có thể có 3 trường hợp là cuộc chiến tranh này tiếp tục như hiện nay, hay Mỹ áp 200 tỷ USD thuế vào hàng Trung Quốc, hay nó sẽ lan sang cả khu vực khác tạo thành chiến tranh thương mại toàn cầu. Trong cả 3 trường hợp đó thì kinh tế Việt Nam dự báo vẫn tăng trưởng và Việt Nam vẫn được hưởng lợi tích cực.

“Cụ thể, nếu chiến tranh thương mại vẫn diễn ra như hiện nay thì xuất khẩu tăng 7,8%, nếu trường hợp 2 xảy ra thì xuất khẩu tăng trưởng 7,3%, còn nếu trường hợp 3 thì xuất khẩu tăng trưởng 7%. Đây chỉ là dự báo, có thể không xảy ra trước mắt và còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa”, ông Cường nói.

Chậm trễ cải cách DNNN làm giảm tiềm năng tăng trưởng

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2019 giảm vẫn thuộc hàng cao nhất khu vực - 2

Theo ông Cường, sự liên kết của DN tư nhân trong nước và DN FDI hầu như chưa có.

Tuy nhiên, vẫn còn rủi ro khi những nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ, EU, Nhật vốn là các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam đang suy giảm. Việt Nam là một trong những quốc gia phụ thuộc vào thương mại nhiều nhất trong khu vực, với tổng kim ngạch thương mại đạt gấp đôi quy mô GDP.

Bên cạnh đó, chậm trễ trong tiến trình cải cách các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có thể là lực cản đối với tiềm năng tăng trưởng.

Do đó, Việt Nam cần tiếp tục đẩy nhanh tiến trình này vì nếu DNNN hoạt động kém hiệu quả sẽ sử dụng lãng phí nguồn lực đất đai, nguồn vốn dẫn đến nguồn thuế sẽ ít đi.

“Chúng tôi hiểu rằng cải cách không phải quá trình dễ dàng và cần thận trọng. Nhưng đích đến thực sự không chỉ là cổ phần hóa DNNN mà phải biến đó là những DN thực sự và dành không gian cho DN tư nhân”, ông Eric nhận định.

Hơn nữa, theo ông Cường, sự liên kết của DN tư nhân trong nước và DN FDI hầu như chưa có.

“Điều này tạo ra hiệu ứng duy trì 2 khu vực tách biệt và khu vực DN tư nhân chưa tích cực. Theo đó, DN tư nhân Việt Nam cần tăng vốn và tăng cường năng lực của người lao động cũng như quản lý tốt hơn để tham gia hiệu quả vào DN FDI và chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Cường nhận định.

Theo đó, báo cáo cho rằng, cải thiện khả năng tiếp cận nguồn tài chính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), cũng như nâng cao năng lực của các DNNVV gồm cả kỹ năng của người lao động là những biện pháp quan trọng để cho phép các DN này áp dụng tốt hơn các công nghệ mới và đạt được giá trị gia tăng cao trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Hồng Vân