Tăng trưởng GDP Việt Nam cao nhất thế giới, bất chấp đại dịch Covid-19

An Linh

(Dân trí) - Bất chấp đại dịch Covid-19 làm suy thoái, kiệt quệ nhiều nền kinh tế, năm 2020 tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn đạt 2,91% - thuộc nhóm các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới.

Tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2020 ở Hà Nội hôm nay (27/12), bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - đánh giá tuy GDP năm 2020 tăng cao nhất thế giới nhưng lại là mức tăng GDP thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020.

Theo bà Hương, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam. "Mức tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới", bà Hương nói.

Tăng trưởng GDP Việt Nam cao nhất thế giới, bất chấp đại dịch Covid-19 - 1

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT)

Vị này cho rằng, kết quả tăng trưởng dương cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế xã hội.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thông tin: Trong năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98%, còn khu vực dịch vụ tăng 2,34%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, mặc dù dịch bệnh kéo dài nhưng hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tăng khá với 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, năm 2020 Việt Nam xuất siêu con số lớn với 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm xuất siêu kể từ năm 2016.

Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), năm 2020, CPI tăng 3,23% so với năm 2019, dưới mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra. Cơ quan thống kê nhận định, tình hình kinh tế xã hội sắp tới còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do độ mở kinh tế cao, chịu tác động của đại dịch, của tình hình kinh tế thế giới phức tạp, khó lường.

Bà Hương cho biết, các giải pháp cần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và hiệu quả thời gian sắp tới là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tìm thị trường xuất nhập khẩu thay thế hoặc thị trường mới.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức đúng và thực thi phương châm: "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam". Chú trọng phát triển thị trường trong nước, chủ động kết nối, phát triển các kênh phân phối sản phẩm hàng hóa của Việt Nam. Vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.