Tăng trưởng GDP 6,81%: Đừng ngủ quên trên chiến thắng!
(Dân trí) - “Không phải vì tăng trưởng ngắn hạn đó mà lạc quan tếu, ngủ quên trên chiến thắng. Đây là giai đoạn có xu thế phục hồi chứ không phải giai đoạn tăng trưởng có tính lâu dài”.
Đây là nhận định của ông Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương tại hội thảo Cơ hội đầu tư – kinh doanh 2018 diễn ra trong sáng nay (5/1).
Theo đó, ông Thành cho biết, động lực tăng trưởng trong năm 2018 có 4 yếu tố.
Cụ thể, do nền kinh tế thế giới năm 2017 tích cực hơn nhiều và Việt Nam hưởng lợi từ đó. Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam cũng bước vào giai đoạn phục hồi tích cực hơn.
Thêm nữa, sự đột biến trong sản xuất và xuất khẩu trong năm qua mà nhiều nhất là Fomosa và Samsung. Cuối cùng là nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh từ Chính phủ cho doanh nghiệp (DN).
Trong đó, theo ông Thành, hai yếu tố đầu đều mang tính xu thế, yếu tố tích cực nhất chính là Chính phủ cải cách được môi trường kinh doanh.
“Chính phủ nào cũng muốn tăng trưởng tốt vì DN mạnh mới bắt kịp các nước trong khu vực. Chính phủ mới thì phải thể hiện mình, nói là làm, và làm bằng được”, ông Thành nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng không phải vì những tăng trưởng ngắn hạn đó mà lạc quan tếu, ngủ quên trên chiến thắng.
“Đây là giai đoạn có xu thế phục hồi chứ không phải giai đoạn tăng trưởng có tính lâu dài”, ông Thành nhấn mạnh.
Ông Thành nhận định rằng, năm 2017 nền kinh tế đã tâp được thế trận hay cho tăng trưởng 3 năm sắp tới.
Đồng tình với ông Thành, GS. TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: “Mặc dù chúng ta cố gắng rất nhiều nhưng với tăng trưởng 6,81% năm 2017 thì không có gì đáng phấn khởi quá”.
Theo ông Mại, với tình hình chính trị, khủng bố,... thì không ai dự báo được diễn biến của thị trường trong quý I chứ chưa nói đến cả 2018.
“Nếu những điều đó xảy ra thì nó sẽ có tác động tức thì đến nền kinh tế Việt Nam. Và chúng ta phải có biện pháp để chuẩn bị, đối phó với bất kì tình huống nào”, ông Mại cho hay.
Đáng nói, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định rằng, ở Việt Nam, mọi sự hứng khởi đều dẫn đến những cái khó kiểm soát.
“Tôi thấy truyền thông nói về con số 6,81% với từ “kỷ lục” nhiều quá. Một hay hai tờ báo nói thì được nhưng tờ nào cũng dùng, đến mức chúng ta dường như say sưa vào đó. Với xuất phát điểm thấp từ đầu năm rồi cuối năm vượt chỉ tiêu thì có lẽ cũng vui nhưng ai cũng lâng lâng thì sắp tới sẽ như thế nào đây”, ông Thiên nói.
Bên cạnh đó, ông Thiên cho rằng, về khía cạnh kinh tế, nên đánh giá một cách cực kì bình tĩnh.
Đặc biệt, khi ngành thương mại vẫn còn nhiều chuyện tồn đọng, tăng trưởng xuất nhập khẩu cũng còn nhiều vấn đề cần đánh giá bình tĩnh hơn, ông dẫn chứng.
“Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa phủ nhận thành tích của năm 2017. Tôi cũng tin những số liệu này về mặt số lượng là chúng ta có thành tích thật còn về chất lượng thì phải xem xét kỹ hơn”, ông Thiên cho hay.
Theo đó, ông cho rằng, có lẽ việc quan trọng hơn con số tăng trưởng 6,81% dường như là việc nền kinh tế xác lập được động thái tăng trưởng mới.
Thêm nữa, tại hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng, năm 2017 chỉ là năm tạo tiền đề cho sự tăng trưởng của 3 năm sau.
“Nếu năm 2018 tăng trưởng cao hơn thì càng tốt nhưng vẫn nên tập trung vào mục tiêu điều chỉnh trong dài hạn”, các chuyên gia nhận định.
Hồng Vân