Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Nhiều ý kiến đề xuất

Minh Huyền

(Dân trí) - Một số ý kiến đề xuất cần có lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt hợp lý, giãn cách giữa các lần điều chỉnh để đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu tăng thu ngân sách, bảo vệ sức khỏe cộng đồng…

Tại đợt 2 kỳ họp thứ 8 bắt đầu từ ngày 20/11, Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ trình dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trong đó có đề xuất tăng thuế với thuốc lá. Mục tiêu của luật là tăng thuế để đảm bảo chiến lược giảm hút thuốc lá đến năm 2030, đặc biệt với thanh thiếu niên từ 15 tuổi trở lên.

Trong buổi họp tổ mới đây về dự án Luật này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) cho rằng mức tăng như dự thảo hiện nay sẽ tác động lớn đến thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khiến tình trạng buôn lậu thuốc lá tăng lên, trong khi việc ngăn chặn tình trạng này còn nhiều khó khăn.

Giá thuốc lá trong nước tăng cao không những không làm giảm mức tiêu thụ mà còn có nguy cơ làm cho tình trạng buôn lậu tăng hơn vì nhu cầu mua thuốc giá rẻ chuyển từ thuốc lá trong nước sang thuốc lá lậu, đại biểu nêu quan điểm. Nếu trường hợp thuốc lá lậu tăng lên thì rất nhiều khoản không thu được, ví dụ như thuế nhập khẩu, VAT, phí môi trường… Tiêu thụ giảm đi vì giá bán tăng lên thì ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu trong một tọa đàm gần đây, rằng một bộ phận người dân vẫn hút thuốc lá ngay cả khi biết sản phẩm này có hại cho sức khỏe, thậm chí các hình ảnh về cảnh báo sức khỏe đã được nêu ngoài bao thuốc. 

Ông nêu, hút thuốc lá có hại cho sức khỏe nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là điều dĩ nhiên. Dù thế, điều đó sẽ khiến giá thuốc tăng, người tiêu dùng chịu thiệt, dừng sử dụng vì giá cao. Từ đó, các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong nước có nguy cơ phá sản. 

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Nhiều ý kiến đề xuất - 1

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá có thể khiến các doanh nghiệp sản xuất ảnh hưởng nặng nề (Ảnh: Phạm Thắng).

Ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết tăng thuế nhằm điều tiết hành vi người tiêu dùng và tăng thu ngân sách. 

Tuy vậy, khi áp thuế sản phẩm thuốc lá hợp pháp tăng đột ngột, giá bán của sản phẩm thuốc lá hợp pháp cũng tăng cao, từ đó đẩy người tiêu dùng đến thuốc lá lậu. Người bán thuốc lá lậu tại chỗ và trên mạng sẽ hoạt động càng mạnh mẽ hơn do lợi nhuận thu được từ trốn thuế trở nên vô cùng hấp dẫn, gấp nhiều lần so với trước khi tăng thuế, dẫn đến mặt trận chống thuốc lá lậu vốn đã phức tạp trở nên nhiều thử thách hơn và ngân sách Nhà nước sẽ tiếp tục thất thoát.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2016, Việt Nam tăng thuế từ 65% lên 70% dẫn đến số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ 6,8 triệu bao vào năm 2016 lên gần 7,5 triệu bao trong năm 2017. 

Năm 2019, khi tăng thuế từ 70% lên 75%, số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ gần 1,4 triệu bao trong năm 2019 lên hơn 5,1 triệu bao vào năm 2020 và lên gần 6,6 triệu bao ở năm 2021. Riêng giai đoạn 2019-2021, thuế tăng mỗi lần thêm 5% nhưng thuốc lá lậu đã tăng ít nhất 10% sau mỗi đợt tăng thuế.

Giai đoạn 2019-2023, các lực lượng chức năng đã bắt giữ được hơn 59.600 vụ buôn lậu thuốc lá, đưa ra truy tố, xét xử nhiều tổ chức, cá nhân, tịch thu nhiều phương tiện vận chuyển. Tổng số thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ là 37,5 triệu bao, số lượng bị tiêu hủy là 22,1 triệu bao.

Về vấn đề này, Thượng tá Lê Thiện Thành, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn Điều tra, Cục Phòng, chống Ma túy và Tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho hay hoạt động buôn lậu, nhập lậu thuốc lá điếu ngoại, nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ vào nước ta đang là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội.

"Điều này làm ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp, gây thất thu ngân sách Nhà nước. Trong khi hoạt động buôn lậu, nhập lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá điện tử vẫn diễn ra phức tạp ở một số tuyến biên giới, cửa khẩu, địa bàn trọng điểm", ông nói.

Theo ông Thành, trong bối cảnh tình hình buôn lậu thuốc lá còn phức tạp, các cơ quan chức năng cần có lộ trình, chính sách tăng thuế hợp lý, phù hợp thực tiễn, trong đó chủ động thực hiện hài hòa mục tiêu của Chính phủ đặt ra về hạn chế tiêu dùng. Lộ trình tăng thuế nên được giãn ra để lực lượng Bộ đội Biên phòng và các cơ quan quản lý thị trường có thêm thời gian để chuẩn bị kế hoạch và lực lượng nhằm ứng phó hiệu quả với việc buôn thuốc lá lậu tăng cao do thuế tăng.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Nhiều ý kiến đề xuất - 2

Thượng tá Lê Thiện Thành cho rằng cần có lộ trình, chính sách tăng thuế hợp lý (Ảnh: BPL).

Tại tọa đàm "Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và chống buôn lậu thuốc lá - Những vấn đề đặt ra" mới đây, bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng Xây dựng Pháp luật, Ban Pháp chế (VCCI), cho biết 5 đầu mối chính đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thuốc lá điếu đều là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

"Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có thể có tác động đến việc sử dụng hiệu quả vốn, tài sản của Nhà nước đã đầu tư, ngân sách có thể thất thu nhiều hơn từ thuốc lá nhập lậu", bà nói.

Ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, cho rằng việc tăng thuế đột ngột có thể gây bất ổn trong ngành, đặc biệt khi giá thuốc lá hợp pháp tăng mạnh sẽ thúc đẩy buôn lậu thuốc lá - vốn không chịu thuế và không được kiểm soát chất lượng. 

Theo ông, phương án tăng thuế phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay là áp dụng phương pháp hỗn hợp với lộ trình tăng dần. Hiệp hội đề xuất tăng 2.000 đồng vào năm 2026, 2.000 đồng vào năm 2028 và thêm 2.000 đồng vào năm 2030, nhằm tạo ra một lộ trình phù hợp giúp giảm thiểu tác động tiêu cực tới ngành và thị trường.