Chuyên gia kiến nghị nghiên cứu cụ thể tác động của từng sản phẩm thuốc lá mới
(Dân trí) - Sau gần 10 năm được cơ quan quản lý Nhà nước chỉ đạo, đến nay phương án quản lý thuốc lá nung nóng (TLNN), thuốc lá điện tử (TLĐT) vẫn chưa được thống nhất.
Trên thế giới, việc quản lý thuốc lá mới gồm thuốc lá nung nóng (TLNN), thuốc lá điện tử (TLĐT) được quy định dựa trên nhiều đánh giá, trong đó có những nghiên cứu, công bố từ các tổ chức uy tín, độc lập như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE), Bộ Y tế Nhật, Viện Đánh giá Rủi ro Liên bang Đức (BfR)…
Trong nước, Bộ Khoa học - Công nghệ (VSQI), Trường Đại học Y Hà Nội... cũng có những nghiên cứu về vấn đề trên.
Kinh nghiệm toàn cầu cho thấy, các tổ chức chống thuốc lá trực thuộc Quỹ Bloomberg như HealthBridge Canada, Campaign for Tobacco-Free Kids (CTFK), Vital Strategies, The Union… thường thông qua các hoạt động tài trợ để can thiệp vào chính sách kiểm soát thuốc lá của nhiều nước trên thế giới.
Do vậy, một số ý kiến cho rằng báo cáo đánh giá khoa học có tính chất tham khảo cho chính sách của quốc gia cần được công bố từ chính phủ của những nước đi trước như nêu trên.
Đồng thời, quy trình xây dựng báo cáo nên đầy đủ, toàn diện với sự tham vấn minh bạch với ngành, hiệp hội thuốc lá, người dùng nhằm cân bằng lợi ích của mọi chủ thể liên quan, theo tinh thần chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước.
Cần thẩm định những gì mà khoa học đã công bố
Theo chỉ đạo từ Công điện 47 của Thủ tướng Chính phủ, tại không ít cuộc họp, các cơ quan ban ngành cũng nhắc lại vai trò của Bộ Y tế trong việc đánh giá khoa học về tác hại của TLNN, TLĐT.
Ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - nêu, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với thuốc lá mới để có cơ sở quản lý hiệu quả. Cần làm rõ mức độ độc hại, nguy hiểm cụ thể thế nào, nhất là so với thuốc lá truyền thống; làm rõ đối tượng sử dụng TLĐT trong thanh thiếu niên, đặc biệt là việc biến tướng của TLĐT pha trộn ma túy…
Mới đây, tại phiên họp Quốc hội ngày 11/11, ông Hạ cũng nêu rõ quan điểm tại nghị trường: "Hiện nay tôi có thông tin TLNN có độ tác hại không bằng thuốc lá truyền thống. Thế thì cơ quan chức năng phải xem đủ luận chứng khoa học để chúng ta có cơ sở ra quyết định. Việc phòng chống thuốc lá ở đây cũng phải tính đến 12 triệu người đang hút thuốc lá hiện nay, họ có quyền được tiếp cận nếu như sản phẩm đó thực sự là tốt hơn, giảm thiểu tác hại hơn. Nói đến quyền con người thì phải dùng luật, chứ không thể dùng nghị quyết để cấm được".
Tại tọa đàm Phòng chống buôn lậu các sản phẩm thuốc lá: Giải pháp chính sách phù hợp" diễn ra ngày 16/10, ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội, cho rằng, trong tương lai gần, cần có quy định thực hiện mục tiêu giảm thiểu tác hại của thuốc lá với sức khỏe con người, dựa trên kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước.
Trong nước đã có một số cơ sở khoa học đánh giá về tác hại của TLNN nhưng thông tin dường như ít được cơ quan quản lý tiếp cận đến. Bên cạnh các tiêu chuẩn quốc gia về TLNN do Bộ Khoa học - Công nghệ nghiên cứu, xây dựng và công bố từ năm 2020, mới đây, một nhóm tác giả thuộc Trường Đại học Y Hà Nội đã công bố một số kết quả nghiên cứu về TLNN.
Xác định nguyên nhân gây hại của thuốc lá: Quá trình đốt cháy và hít khói
Hút thuốc lá đã được xác định gây nguy cơ cho các bệnh lý như hô hấp, tim mạch, ung thư, thậm chí tử vong. Nhưng nguyên nhân sinh bệnh không đến từ nicotine, mà do phơi nhiễm với các hợp chất tạo ra khi đốt cháy điếu thuốc và hít khói. Trong các chất độc hại đó, nhựa thuốc lá (tar) gây các tổn thương phổi, khiến cho người hút thuốc luôn trong tình trạng bị đờm, khô cổ, thở khò khè. Nicotine chỉ chiếm 5% mức độ độc hại của việc hút thuốc. Theo các chuyên gia y tế, chỉ khi hút cùng lúc 400 điếu thuốc, người hút mới bị ngộ độc nicotine, điều này trong thực tế là không thể.
Nghiên cứu của FDA Hoa Kỳ, Tổ chức ISO quốc tế hoặc các tiêu chuẩn quốc gia về TLNN của Bộ Khoa học - Công nghệ đều xác định khí hơi của TLNN không có tar, do TLNN không có quá trình đốt cháy như thuốc lá điếu.
Các chuyên gia y tế cho rằng, khi đánh giá tác hại của TLNN, thuốc lá mới, cần lấy thuốc lá điếu làm tham chiếu. Theo đó, cần đánh giá hàm lượng chất gây hại do khói thuốc gây ra (bao gồm tar và các chất gây hại khác), thay vì dựa trên tính gây nghiện của nicotine. Nicotine về bản chất là gây nghiện, nhưng đồng thời vẫn được ứng dụng trong y khoa, điển hình là các dược phẩm cai thuốc lá, được WHO đưa vào danh mục thuốc thiết yếu. Như vậy, chưa thể đánh đồng nicotine với ma túy hay các chất hướng thần khác.
WHO cũng đưa ra khuyến nghị cụ thể trong báo cáo Tóm tắt nghiên cứu và bằng chứng về tác động sức khỏe của TLNN (năm 2023): "Trước khi chứng minh được người đã chuyển đổi hoàn toàn từ thuốc lá điếu sang TLNN sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá, thì các sản phẩm này nên chịu mức thuế tương tự như thuốc lá điếu. Các quốc gia nên tiếp tục giám sát tất cả mọi sản phẩm thuốc lá và triển khai các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng."