Tăng thu một loạt thuế nội địa bù thuế xuất nhập khẩu bãi bỏ theo các FTAs?

An Linh

(Dân trí) - Ngân sách đang giảm thu do nhiều hàng hóa nhập khẩu được cắt giảm, bãi bỏ thuế, trong khi đó ở khu vực nội địa, thuế phí đang được tăng cường, tạo một sức ép khá lớn cho các doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách 10 tháng qua đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, bằng 75% dự toán Quốc hội giao. Trong đó, thu nội địa ước đạt 959.000 tỷ đồng, giảm 6,8%, thu xuất nhập khẩu đạt 147.000 tỷ đồng, giảm 21,2%.

Thu thuế xuất nhập khẩu giảm hơn 20%

Mức độ giảm thu từ xuất nhập khẩu đang tăng dần do các cơ chế bãi bỏ thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đang ngày một lớn do Việt Nam đã, đang tham gia nhiều hiệp định FTA lớn với ASEAN, EU, CPTPP.

Tăng thu một loạt thuế nội địa bù thuế xuất nhập khẩu bãi bỏ theo các FTAs? - 1

Thu thuế nội địa đang tăng trong bối cảnh thuế xuất nhập khẩu đang giảm mạnh

Đối với khu vực doanh nghiệp, việc thu và nộp thuế hiện nay cũng được phân ra hai hướng. Theo đó, khu vực doanh nghiệp FDI, công nghệ cao hoặc ngành nghề ưu tiên đầu tư sẽ được ưu đãi thuế, phí rất lớn.

Cụ thể, doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào khu chế xuất, khu kinh tế phi thuế quan bên cạnh được hưởng mức thuế suất ưu đãi đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Ngoài ra, khối doanh nghiệp này còn được ưu đãi thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp từ 5 đến 15 năm theo quy mô và tính chất đầu tư.

Trong khi đó, đối với doanh nghiệp nội địa, ưu đãi thấp hơn hoặc được áp dụng nhưng thời gian ngắn hơn. Thậm chí, khu vực doanh nghiệp nội địa mới thành lập sẽ phải chịu thuế thuê đất, thu nhập doanh nghiệp và phải vay vốn từ ngân hàng với lãi suất thỏa thuận khá cao.

Việc Việt Nam tham gia các FTAs thế hệ mới, doanh nghiệp nội địa chủ yếu được hưởng lợi từ bãi bỏ thuế hàng hóa, nguyên liệu, máy móc.. chi phí cố định hoặc lưu động tạo đầu vào cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải rất khéo "co" mới có thể "ấm" trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên sân nhà và tác động rất xấu từ điều kiện dịch bệnh hoành hành.

Hàng loạt chính sách tăng thu nội địa

Gần đây, giới chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm rất lớn đến các quy định của Nghị định 126/2020/NĐ-CP về quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 5/12. Theo đó, hàng loạt chính sách thuế đã và đang tác động rất mạnh mẽ đối với hàng loạt lĩnh vực.

Đơn cử quy định của Nghị định 126/2020 yêu cầu Ngân hàng thương mại phải cung cấp các thông tin tài khoản thanh toán của cá nhân cho Tổng cục Thuế. Quy định được cho là nhằm thu thuế các đối tượng kinh doanh online, có giao dịch liên kết hoặc được trả thưởng từ các tổ chức nước ngoài như Facebook, Google hay Youtube, hoặc các dịch vụ trả tiền của nước ngoài như Netflix.

Đây đều là những lĩnh vực kinh tế mới mà trước đó, ngành khó thu hoặc thu không đầy đủ các đối tượng này khiến ngân sách thất thu.

Chính sách thứ 2 là liên quan đến quy định thu thuế thu nhập cá nhân đối với người được trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng.

Theo quy định, cá nhân nhà đầu tư được trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc được nhận cổ phiếu thưởng sẽ phải nộp thuế thu nhập 5%, trong khi nhiều người là nhà đầu tư chứng khoán tự do, người về hưu, người không hoạt động tại doanh nghiệp, không được khấu trừ các loại thuế phí khác. Hiệp hội Các Nhà đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) cùng nhiều chuyên gia và các nhà đầu tư chứng khoán đã lên tiếng yêu cầu dừng áp dụng hoặc sửa đổi do bị chồng thuế.

Chính sách thứ 3 liên quan đến quản lý thu là Nghị định 126/NĐ-CP quy định doanh nghiệp nếu nộp thuế thu nhập quý 4 cao hơn nhiều so với 3 quý trước đó có nguy cơ bị phạt rất cao.

Tăng thu một loạt thuế nội địa bù thuế xuất nhập khẩu bãi bỏ theo các FTAs? - 2

Chính sách thu thuế thu nhập cá nhân khoản trả cổ tức bằng cổ phiếu đang được yêu cầu sửa đổi, dừng thực hiện

Theo đó, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm.

Như vậy, với quy định trên, nếu doanh nghiệp nộp thuế thu nhập trong 3 quý đầu năm thấp nhưng sang đến quý 4, nộp thuế cao, đột biến, khiến mức nộp thuế 3 quý đầu năm thấp hơn dưới 75% tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, sẽ bị coi là chậm nộp và bị xử phạt.

Chính sách thứ 4 liên quan đến tăng thuế doanh nghiệp liên kết là lùm xùm đánh thuế với Grab. Theo quy định của Nghị định 126, Grab phải có trách nhiệm khai, nộp thuế giá trị gia tăng và xuất hóa đơn trên doanh thu của tổ chức. Tuy nhiên, Grab lại chuyển thuế giá trị gia tăng cho các đối tác liên kết của mình là lái xe. Điều này gây phản ứng dữ dội từ cộng đồng chạy xe dịch vụ, đặc biệt là xe hai bánh.