"Tăng lãi suất tiền gửi để kiểm soát lạm phát"
(Dân trí) - “Việt Nam như một vận động viên chạy đường dài, tuy chạy rất nhanh và khoẻ nhưng trên đường chạy không may bị cơn đau ruột thừa, cần chữa trị nhanh chóng. Với tình trạng như Việt Nam hiện nay, các nước thường tăng lãi suất tiền gửi”.
Ông David Frenandez, Kinh tế trưởng Tập đoàn JP Morgan Chase, đã ví von về nền kinh tế Việt Nam (VN) như vậy tại cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngày 5/6.
Ông Frenandez cho biết: “Trước khi tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chúng tôi đã chuẩn bị một báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Từ trước tới nay, nhóm nghiên cứu của JP Morgan luôn đưa ra những báo cáo phân tích kinh tế toàn diện và trung tính. Chúng tôi không tô hồng cũng không bôi đen”.
Theo ông Frenandez, những chỉ số xấu của nền kinh tế Việt Nam đã lên đến mức đỉnh điểm và có thể sẽ giảm dần từ nay đến cuối năm. Vậy nên, nửa cuối của năm 2008, thâm hụt thương mại của Việt Nam sẽ giảm rất nhiều. Chỉ số lạm phát cơ bản hiện cũng thấp hơn rất nhiều chỉ số lạm phát mà thị trường đang đặt ra.
Cơ sở nào khiến ông cho rằng lạm phát của Việt Nam sẽ được chặn đứng lạm phát từ nay đến hết năm 2008 và giảm được tình trạng thâm hụt cán cân thương mại?
Chúng tôi cho rằng, nguyên nhân chủ yếu gây nên lạm phát là vấn đề giá cả lương thực. Ở thời điểm này, Chính phủ muốn sử dụng quy luật cung - cầu của thị trường và không muốn ép giá của người nông dân.
Nhưng tất cả dấu hiệu trên thị trường cho thấy giá cả lương thực sẽ giảm. Giá lúa gạo thế giới trên những hợp đồng mua bán kỳ hạn đang giảm. Nguyên nhân chính gây lạm phát là giá lương thực - thực phẩm giảm, thì nghiễm nhiên lạm phát của Việt Nam cũng sẽ giảm.
Tuy nhiên, chỉ giá lương thực - thực phẩm sẽ không là tất cả nguyên nhân gây ra lạm phát cơ bản. Điều rất quan trọng kiểm soát lạm phát là cắt giảm chi tiêu ngân sách công phục vụ đầu tư một số dự án lớn của Nhà nước. Điều này không những giúp khống chế lạm phát còn làm cán cân thâm hụt thương mại giảm xuống.
Xuất khẩu hiện chiếm 70% GDP của Việt Nam nhưng doanh nghiệp xuất khẩu lại luôn đối mặt với tình trạng thiếu vốn để nhập nguyên liệu… Ông có gợi ý gì về kênh vốn để doanh nghiệp tăng trưởng và Việt Nam có thể tạo sự lạc quan như ông nói?
So với sức cầu chung trên thị trường thế giới hiện nay, các nhà xuất khẩu của Việt Nam không phải quá lo lắng. 5 tháng đầu năm chỉ số xuất khẩu của các bạn vẫn rất ấn tượng so với các nước láng giềng.
Tôi cho rằng, vấn đề ở đây là nhập khẩu, chứ không phải xuất khẩu. Một trong những mặt hàng ảnh hưởng đến chỉ số nhập khẩu là thép. Cắt giảm chi tiêu ngân sách công, đặc biệt các công trình lớn của Nhà nước sẽ giảm lượng thép Việt Nam phải nhập khẩu cho xây dựng và giải quyết được vấn đề.
Thâm hụt cán cân vãng lai của Việt Nam tính đến tháng 5 là khoảng 10 tỷ USD. Nửa cuối năm 2008, chúng tôi cho là sẽ chỉ ở mức 4 tỷ USD, nếu thực hiện tất cả các biện pháp trên, đặc biệt là trì hoãn, lùi thời hạn xây dựng các dự án lớn. Việc cắt giảm chi phí công trình xây dựng công cộng là yếu tố tích cực giúp kiểm soát nhập khẩu.
Ông có thể cho biết kinh nghiệm một số nước khi gặp khó khăn như Việt Nam hiện nay?
Với tình trạng như Việt Nam hiện nay, các nước thường tăng lãi suất tiền gửi. Điều đó không những giữ chân người gửi bằng nội tệ mà còn kiểm soát được lạm phát thông qua giảm bớt tốc độ tăng trưởng.
Ví dụ như ở Indonesia năm 2005, họ đã làm như thế. Bài học của Indonesia là chúng ta nên hành động trước khi đồng tiền bị suy yếu quá nhiều.
Xin cám ơn ông!
Nguyễn Hiền