Tăng kịch trần thuế môi trường xăng dầu: Bộ ngành đồng ý, người dân thì sao?
(Dân trí) - Theo chuyên gia, thời điểm này chưa nên tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu mà cần phải xem xét lại, cân nhắc lại bởi khi tăng thuế sẽ khiến xăng dầu tăng giá, kéo theo đó là nhiều thứ khác, dịch vụ khác cũng tăng giá.
Bộ ngành đồng ý, dân thì sao?
Như Dân trí đưa tin, mới đây, tại Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân về dự án Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị tăng "kịch trần" thuế bảo vệ môi trường với nhiều mặt hàng mặt hàng xăng dầu.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít, tăng 1.000 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 1.100 đồng/lít; Mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg; Nhiên liệu bay, dầu hỏa giữ như hiện hành là 3.000 đồng/lít đối với nhiên liệu bay (mức trần) và 2.000 đồng/lít đối với dầu hỏa.
Theo Bộ Tài chính, đến nay, Bộ Tài chính đã nhận được 60 ý kiến tham gia, trong đó 14 ý kiến tham gia của các Bộ, ngành; 42 ý kiến tham gia của các địa phương; 4 ý kiến tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức khác. Trong đó, Bộ Tài chính cho biết, về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết và nội dung của dự thảo Nghị quyết (40/60 ý kiến nhất trí hoàn toàn).
Trao đổi về con số từ Bộ Tài chính, một chuyên gia kinh tế cho rằng: "Bộ Tài chính cần làm rõ những ý kiến đồng ý hay không đồng ý là đến từ những cơ quan nào? Dự thảo này có lấy ý kiến người dân không, các hiệp hội, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng không? Nếu có lấy ý kiến người dân thì tiếng nói của họ có đóng góp ra sao?"
Hầu hết những phản hồi của độc giả gửi về cho Dân trí tại thời điểm này đều phản đối đề xuất tăng thuế môi trường với mặt hàng xăng dầu lên “kịch trần” của Bộ Tài chính. Nhiều độc giả đặt câu hỏi về mục đích của việc tăng thuế, về vấn đề thu - chi thuế bảo vệ môi trường từ trước đến nay… Đồng thời lo ngại về việc tăng thuế khiến giá xăng tăng, kéo theo áp lực tăng giá lên những mặt hàng, dịch vụ khác. Đây sẽ không chỉ là gánh nặng cho người dân mà còn cho cộng đồng doanh nghiệp.
"Để bù thâm hụt là không chấp nhận được"
Trao đổi về vấn đề này, GS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho biết: "Thực ra mà nói thì thời điểm này chưa nên tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Theo tôi chúng ta cần phải xem xét lại, cân nhắc lại bởi khi tăng thuế sẽ khiến xăng dầu tăng giá, kéo theo đó là nhiều thứ khác, dịch vụ khác cũng tăng giá".
Bên cạnh đó, theo GS Đặng Đình Đào, hiện xăng sinh học E5 mới được đưa vào sử dụng, nhiều nơi thậm chí còn chưa quen với xăng E5, tỷ lệ sử dụng mới chỉ khoảng 30% trong khi 70% còn lại là sử dụng A95.
"Giờ tự nhiên lại đẩy giá lên vì thuế môi trường tăng thì lại có vẻ càng không đúng với định hướng từ đầu là tạo điều kiện để người dân chuyển sang sử dụng xăng sinh học E5 giá rẻ. Điều đó cho thấy có sự không nhất quán trong điều hành", ông nói.
Vị chuyên gia cũng nói thêm rằng: "Dĩ nhiên trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang thực hiện nhiều FTA với các nước nên thuế nhập khẩu giảm khiến nguồn thu ngân sách giảm. Theo lẽ đó, Bộ Tài chính phải tính các phương án khác để bù đắp, trong đó có việc tăng thuế môi trường. Nhưng thuế môi trường, hiện chúng ta mới chỉ sử dụng 1/3 cho việc bảo vệ môi trường, còn lại dùng cho mục đích khác".
"Rõ ràng như thế khiến nhiều người không chấp nhận chuyện tăng thuế đó. Đã thuế môi trường phải sử dụng cho mục đích môi trường, còn lấy thuế môi trường để chuyển sang bù đắp thâm hụt khác là không thể chấp nhận được", ông Đào nhấn mạnh.
GS Đặng Đình Đào trước đó cũng nhiều lần bày tỏ quan điểm cho rằng, khoản thuế môi trường tất yếu phải thu và có thể tăng nhưng cần có lộ trình và phải lựa chọn được thời điểm phù hợp. Tuy nhiên, thời điểm này chưa phù hợp bởi cộng đồng doanh nghiệp nghiệp hiện nay đang phải chịu quá nhiều vật cản, vòng xoáy thuế đang kìm hãm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Chưa kể, theo GS.TS. Đặng Đình Đào, Bộ Tài chính cho rằng giá xăng của Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước nhưng không đề cập đến mức thu nhập của lao động Việt Nam còn quá rẻ mạt so với các nước khác, không đề cập tới việc vì sao người dân nước khác mua một chiếc ô- tô lại "dễ như lông hồng" còn ở Việt Nam lại khó khăn đến vậy...
"Bộ Tài chính nói lý do như thế là không thuyết phục. Rõ ràng so sánh khập khiễng như vậy chỉ để bao biện cho lý do tăng thuế thôi" - ông Đào nhấn mạnh.
Tăng thuế do chi tiêu không hiệu quả?
Đồng quan điểm, một chuyên gia khác là ông Huỳnh Thế Du (Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright) cũng cho rằng, việc tăng thuế thời điểm này sẽ làm người dân hiểu rằng ngân sách khó khăn, do chi tiêu không hiệu quả nên tăng thuế chứ không phải vì bảo vệ môi trường.
"Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại thì đề xuất tăng thuế này vấp phải sự phản đối rất lớn của dư luận bởi tâm lý người dân vốn đã rất bức xúc về thuế phí nặng nề. Trong khi đó, việc chi ngân sách cao lại kém hiệu quả", ông Huỳnh Thế Du nói.
Ông Du cho rằng, khi đưa ra đề xuất tăng thuế, Bộ Tài chính phải làm rõ nguồn thu ra sao và chi tiêu như thế nào cho việc bảo vệ môi trường. Nếu làm rõ được vấn đề này thì mới có thể nhận đồng thuận từ người dân hơn.
"Không nên núp bóng thu ngân sách nhà nước để tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Muốn tăng thu, Bộ Tài chính ít nhất cũng cần phải có những giải thích rõ ràng. Số tiền thuế môi trường phải được báo cáo cho Quốc hội, sử dụng thuế vào những dự án, mục đích gì, hiệu quả nó như thế nào. Minh bạch quản lý tốt phần chi ngân sách giảm sự lãng phí là biện pháp cân đối tốt ngân sách, chứ không cần tăng thuế", ông Huỳnh Thế Du nhấn mạnh.
Trao đổi với báo chí, TS. Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế cũng thẳng thắn chỉ ra rằng đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu thực chất nhằm tìm cách tăng thu cho ngân sách. Sắc thuế này tác động trực tiếp tới người nghèo do nhu cầu đi lại cao hơn và không thể tìm được sản phẩm thay thế.
"Bản chất của thuế bảo vệ môi trường ở Việt Nam không phải là khoản thuế sau khi thu về, sẽ được dùng để chi tiêu trong một lĩnh vực, hay cho một mục đích cụ thể nào đó. Nó sẽ hòa chung vào NSNN để sử dụng chi cho các hoạt động khác. Chi cho bảo vệ môi trường chỉ là một đầu mục nhỏ trong đó. Trên danh nghĩa là thu thuế bảo vệ môi trường, nhưng thực ra nó có thể là thuế để bù đắp cho việc cắt giảm thuế xuất nhập khẩu", ông cho biết.
Phương Dung