Hà Nội:

Tăng giá vé gần 100 tuyến xe khách liên tỉnh

(Dân trí) - 5 ngày sau khi giá xăng tăng, hàng loạt “ông lớn” khai thác vận chuyển hành khách tại Hà Nội đã điều chỉnh giá vé, mức tăng trung bình từ 10 - 20% trên gần 100 tuyến xe khách liên tỉnh có cự ly trung bình.

Tăng giá vé gần 100 tuyến xe khách liên tỉnh - 1
Các doanh nghiệp vận tải đang đồng loạt tăng giá vé.
 
Tại bến xe Mỹ Đình, có 9 doanh nghiệp vận tải khá “tầm cỡ” đã thực hiện tăng giá vé, bao gồm: Công ty TNHH Hiển Vinh, HTX Vận tải ô tô Ninh Bình, HTX Ka Long, Công ty CPXK Sơn La, Công ty Thủy bộ Yên Bái, Công ty TNHH Hoàng Long, Công ty LDVC Sơn La, Doanh nghiệp Ngọc Kông, HTX Hồng Hà.

Mức tăng phụ thuộc vào hoạt động khai thác của doanh nghiệp vận tải và được tính theo từng tuyến cố định, loại xe khách và hạng ghế, dịch vụ hành khách.

Như vậy, tính đến ngày 5/4, sau 2 đợt tăng giá xăng dầu (24/2 và 30/3), Ban quản lý bến xe khách Mỹ Đình đã cho 32 trong tổng số 223 doanh nghiệp vận tải khai thác tại bến thực hiện tăng giá trên 89 tuyến liên tỉnh có cự ly trung bình.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến - Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết: “Giá vé đề xuất của các doanh nghiệp cao hơn nhiều so với giá đã được cho phép thực thu. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ can thiệp trong quyền hạn của mình để yêu cầu các doanh nghiệp không tăng giá quá cao, không tăng giá tùy tiện gây mất trật tự tại bến và khiến hành khách lo ngại khi đi xe".
 
"Tuy nhiên, trên thực tế, chúng tôi không thể cấm các doanh nghiệp tăng giá vì họ đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đồng ý cho tăng. Ngay cả việc quản lý vé xe bến cũng không có quyền mà chỉ là bán vé thuê cho doanh nghiệp mà thôi”, ông Tiến thừa nhận.

Cũng theo ông Tiến: “Còn rất nhiều doanh nghiệp cũng đang hoàn tất thủ tục xin tăng phí vận tải. Nếu đề nghị của các doanh nghiệp được cơ quan quản Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận thì chúng tôi cũng không thể không đồng ý. Vì vậy thời gian tới giá vé xe liên tỉnh sẽ còn tăng ở nhiều chặng tuyến khác”.

Còn ở Bến xe Gia Lâm, ông Nguyễn Như Trúc - Giám đốc Bến xe Gia Lâm cho hay: “Đã có 2 doanh nghiệp bắt đầu tăng giá vé vận chuyển hành khách trên chặng Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Yên Bái, mức tăng dưới 10%”

Đáng chú ý là trong hơn 80 doanh nghiệp khai thác tại bến xe Gia Lâm thì doanh nghiệp "VIP” là buýt Hải Âu đến nay đã “chào thua” với giá nhiên liệu đầu vào tăng cao như hiện nay, để duy trì hoạt động, buýt Hải Âu tăng giá vé của hành khách để bù lỗ bằng.

“Một số doanh nghiệp khác bị trả lại hồ sơ do chưa hoàn tất thủ tục, chúng tôi chưa cho thực hiện tăng giá. Chúng tôi sẽ hạn chế việc tăng giá đến mức thấp nhất có thể và không để các doanh nghiệp tăng giá tùy tiện” - ông Trúc cho biết thêm.

Trong khi một số Ban quản lý các bến xe khách đang cho doanh nghiệp vận tải điều chỉnh giá vé thì bến xe được cho là thường xuyên xảy ra tình trạng “bát nháo” như Giáp Bát đến hôm nay (5/4) lại chưa có đơn vị nào đề nghị tăng.

Dẫu vậy, ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc Bến xe Giáp Bát khẳng định, thời gian tới sẽ có doanh nghiệp điều chỉnh giá vé, bến xe không thể cấm các doanh nghiệp tăng giá vì khi họ thua lỗ thì bến không thể trợ giá hay bù lỗ cho họ được…

Quỳnh Anh