TPHCM:
Giá xăng dầu tăng làm khó doanh nghiệp vận tải
(Dân trí) - Chỉ hơn 1 tháng mà giá xăng dầu đã tăng 2 lần, mỗi lần đều tăng rất cao (trên 10%) đã gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp vận tải vì xăng dầu là một trong những chi phí lớn của ngành này.
Điều gây đau đầu nhất cho giới vận tải là giá tăng quá cao và quá sát nhau. Mới tháng trước, khi giá xăng dầu tăng vào ngày 24/2, các hãng vận tải lục tục tăng giá vừa xong thì lại tăng giá tiếp.
Tính đến nay, các hãng taxi cũng chỉ vừa hoàn tất công tác điều chỉnh đồng hồ cước cho tất cả taxi của hãng, các hãng vận tải hàng hóa cũng chỉ vừa đàm phán hợp đồng xong với các đối tác, các hãng xe khách thì vừa làm xong thủ tục điều chỉnh giá vé và in vé mới… Vậy mà đến ngày 29/3, giá xăng dầu lại tăng lên mức kỷ lục: xăng A92 đạt mức 21.300 đồng/lít, dầu diesel lên đến 21.100 đồng/lít.
Theo đại diện các hãng taxi lớn của TPHCM thì giá cước taxi chỉ mới tăng hơn 10% cách đây vài tuần, nếu muốn tăng giá ngay rất khó. Nhưng không tăng cũng không được vì chi phí xăng chiếm khoảng 40% tổng chi phí hoạt động của ngành này, giá xăng dầu tăng hơn 10% ảnh hưởng rất lớn đến chi phí hoạt động của ngành.
Đến nay, các hãng vẫn chưa quyết định tăng giá chủ yếu vì đang “nhìn nhau”, cắn răng chịu lỗ để giữ thị phần, vì giá cước tăng quá cao so với hãng khác thì sợ mất khách, việc điều chỉnh đồng hồ cước cũng rất mất thời gian và chi phí. Tuy nhiên, theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP thì với tình hình này, sớm hay muộn gì giá cước taxi cũng sẽ tăng.
Còn ở lĩnh vực vận tải hàng hóa, ngay sau khi có quyết định tăng giá xăng dầu, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP đã có thông báo đến các doanh nghiệp thành viên khuyến cáo tăng giá cước thống nhất từ 8 – 10%.
Theo ông Đinh Nam Dinh, Phó chủ tịch Hiệp hội thì chi phí nhiên liệu chiếm khoảng từ 45% - 50% giá thành vận tải, sự biến động tăng giá xăng dầu đã tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp phải tăng giá cước để bù đắp chi phí.
Tuy nhiên, việc này cũng rất khó khăn. Một chủ doanh nghiệp than thở: “Sau đợt tăng giá xăng dầu tháng trước (ngày 24/2), chúng tôi cũng đã xúc tiến đàm phán lại hợp đồng với các đối tác theo hướng tăng 15% giá cước. Đến nay nhiều đối tác vẫn chưa đồng ý với đề nghị trên, nay làm sao đàm phán tăng giá tiếp được”.
Nhưng nếu không tăng giá, doanh nghiệp sẽ khó trụ nổi trong thời buổi lạm phát này. Vì không chỉ xăng dầu mà nhiều mặt hàng khác phục vụ ngành vận tải như thiết bị phụ tùng, nhân công… đều đang tăng chóng mặt. Doanh nghiệp lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Tại các bến xe, dù chưa có hãng xe nào đề nghị tăng giá cước nhưng xe dù chạy ngoài bến đã tăng giá. Anh Hùng đi tuyến TPHCM – Long Khánh ngày 31/3 kể: “Mới tuần trước tôi đứng đón xe ở Suối Tiên về Long Khánh mất có 30 ngàn đồng. Hôm nay chủ xe lấy đến 40 ngàn. Hỏi sao tăng cao vậy thì họ chỉ cười trừ bảo giá xăng tăng”. Nhiều tuyến xe về miền Tây cũng bị phản ánh là lấy giá cước cao hơn giá vé niêm yết trong bến.
Thanh Hóa: Chưa có nhiều biến động
Theo ghi nhận của PV Dân trí ngày 30/3, hiện tại nhiều mặt hàng, dịch vụ tại địa bàn Thanh Hóa vẫn chưa kịp phản ứng với sự tăng giá xăng đột ngột, nhưng theo dự báo hàng hóa sẽ tăng lên trong những ngày tới.
“Tôi chưa biết giá xăng dầu lại tăng thêm 2.000 đồng/lít, vì chưa nắm bắt được thông tin. Quầy hàng của tôi vẫn bán theo giá cũ. Nhưng, nếu xăng dầu tăng thì chắc chắn các mặt hàng sẽ tăng lên”, chị Thu, một người bán hàng tại chợ Vườn Hoa cho biết.
Khảo sát một vòng quanh các chợ như chợ Vườn Hoa, chợ Tây Thành, Trung tâm Thương mại thành phố Thanh Hóa thì nhiều mặt hàng tiêu dùng ở thời điểm này vẫn chưa kịp “phản ứng” với giá xăng dầu tăng. Các mặt hàng vẫn bán đúng giá niêm yết...
Chị Hà, nhân viên bán hàng tại Trung tâm thương mại thành phố Thanh Hóa nói: “Ở đây vẫn bán theo giá niêm yết trên sản phẩm, chúng tôi cũng chưa nhận được thông tin về sự tăng giá của các mặt hàng. Nhưng, cứ đà này thì các mặt hàng sẽ lên giá hết thôi”.
Trong khi đó, các hãng xe taxi đã đồng loạt tăng giá cước. Anh Hùng, một hành khách chuyên đi taxi phàn nàn: “Xăng mới tăng giá tối qua, sáng nay dịch vụ taxi đã tăng 1.000đ/km”.
Phản ứng nhanh nhất có lẽ là giá các loại thực phẩm tươi sống ở chợ. Lấy cớ xăng đã tăng, nhiều tiểu thương vội vàng nâng giá bán. Như thường lệ, các mặt hàng như vải sợi, giấy, thực phẩm, ga, vật liệu xây dựng… được dự báo sẽ tăng từ 10 - 15% sau những đợt tăng giá xăng dầu.
Chịu tác động mạnh với giá xăng dầu tăng cao phải kể đến những người hành nghề xe ôm. Anh Chiến, hành nghề xe ôm cạnh bến xe phía Tây chán nản: “Nếu trước kia, chúng tôi chạy mỗi ngày kiếm được khoảng 100.000 đồng thì nay tính ra chỉ còn 70.000 đồng thôi. Xăng đã lên nhưng chúng tôi không dám tăng giá vì sợ mất khách. Thôi thì lấy công làm lãi thôi.”
Trao đổi với Dân trí, ông Trần Văn Tâm, Phó giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng, Chi cục quản lý thị trường Thanh Hóa cho biết: "Trong đợt tăng giá xăng dầu trước, giá cả trên địa bàn Thanh Hóa tăng bình quân 10 - 15%. Dự báo đợt này cũng tăng bình quân ở mức đó, thậm chí có những mặt hàng tăng 20 - 25%, nhưng chủ yếu là những mặt hàng có giá trị thấp”.
Cần Thơ: Các bà nội trợ “ngán ngẩm”
Theo khảo sát của PV tại nhiều khu chợ vào khoảng 8 - 9h sáng 30/3 cho thấy câu chuyện tăng giá xăng là đề tài mà các bà nội trợ bàn tán nhiều nhất. Nhiều bà nội trợ đều đắn đo trong việc chọn thực phẩm để mua do giá thực phẩm đã vội vàng tăng theo.
Chị Liên (ngụ phường Tân An, Ninh Kiều) đi chợ Tân An cho biết, khi hay tin giá xăng tăng chị đã điều chỉnh thực đơn bữa ăn. “Hôm qua vẫn còn cân đối được cái này cái kia nhưng sáng nay phải tính toán lại cho kỹ từng bó rau, miếng thịt để không bị hụt tiền ăn trong ngày”- chị Liên chia sẻ.
Cùng tâm trạng giá xăng tăng bất ngờ khiến việc chi tiêu trong gia đình có chút thay đổi, bà Năm (ngụ phường An Hội, Ninh Kiều) vừa chọn mua thực phẩm vừa bộc bạch: “Ngủ một giấc sáng dậy thì thấy giá xăng như trên trời rơi xuống, tăng lên hơn 21.000 đồng/lít rồi, nhà có 3 chiếc xe máy vị chi trên 60.000 đồng/3xe. Trong khi thường ngày tôi đi chợ chừng hơn 60.000 đồng, kiểu này phải giảm tiền đi chợ lại để bù tiền xăng”.
Nhiều bà nội trợ khác cũng cùng bày tỏ “nỗi khổ” của mình khi phải tính toán chi tiêu trong gia đình qua việc xăng tăng giá. Đa số các bà đều cho biết phương án của mình là phải cắt giảm cái này, bớt mua cái kia, kể cả hạn chế đi lại để không “âm” tiền tiêu hàng tháng.
Trong khi đó, tại khu vực biên giới và cửa khẩu Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên, An Giang), theo ghi nhận của PV Dân trí, hoạt động buôn lậu xăng qua biên giới khá im ắng.
Hà Tĩnh: Ngư dân “méo mặt”
Chiều ngày 31/3, khác với không khí tấp nập thường ngày, tại “vựa cá” Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) hôm nay dường như vắng lặng. Nhiều chủ tàu thuyền đã thông báo tạm ngừng ra khơi ngay khi hay tin giá xăng dầu tăng giá.
Anh Trần Văn Bình, chủ tàu cá mang số hiệu HT 2220TS buông tiếng thở dài: “Xăng dầu mà lên kiểu ni thì chịu sao nổi. Tui đang thu dọn đồ đạc để về nhà chứ ra khơi gì đâu. Chắc phải bán thuyền kiếm việc gì mà làm chứ tình hình ni bám theo nghề biển có ngày chết đói.”
Anh Bình cho hay: “Trước tết một chuyến ra khơi chừng dăm bảy ngày cũng hết khoảng gần 7 triệu tiền dầu. Trừ các khoản chi phí cũng đang lãi được vài triệu đồng. Nhưng từ ngày xăng dầu tăng giá mỗi chuyến hết gần chục triệu tiền dầu. Trong khi, giá các loại cá tăng không đáng kể. Chuyến nào “hên” may ra còn “huề” vốn. Gặp phải vận đen coi như tháng đó cả nhà đói”.
Ông Lê Thanh Hải, cán bộ phụ trách hành chính – Ban quản lý cảng cá Thạch Kim (Hà Tĩnh) cho biết: “Từ khi xăng dầu tăng giá đột biến, số lượng tàu thuyền cập cảng cá Thạch Kim giảm xuống dưới một nửa so với cùng kỳ năm ngoái”.
Trước tình hình xăng dầu tăng giá “chóng mặt” như hiện nay, nhiều ngư dân đã tính đến chuyện bán “cần câu cơm” của mình để chuyển sang nghề khác.
Anh Nguyễn Văn Đạt, một chủ thuyền đánh bắt cá có thâm niên hàng chục năm nay buồn bã cho hay, chi phí để làm một chiếc thuyền đánh cá loại bình thường cũng hết khoảng 250 – 300 triệu đồng, nhưng giờ mà bán thì may lắm cũng được chừng 70 – 80 triệu đồng. “Nhưng khổ nỗi vào thời điểm này muốn bán thuyền cũng chẳng có ai mua”, anh Đạt thở dài.
“Ở xóm Giang Hà, xã Thạch Kim hiện nay có vài ba chục hộ ngư dân rao bán tàu thuyền đánh cá cả tháng trời nay mà có ma nào dòm ngó đâu”, ông Hải cho biết.
Ông Lưu Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà cho biết, người dân xã Thạch Kim chủ yếu sống dựa vào nghề khai thác, đánh bắt và các dịch vụ thủy hải sản. Vì thế, giá xăng dầu tăng "chóng mặt" đã tác động rất lớn đến đời sống của người dân nơi đây.
“Đa số các hộ dân xã Thạch Kim đều vay tiền ngân hàng để đóng tàu thuyền, trang thiết bị đi biển, đầu tư sản xuất các dịch vụ kinh doanh thủy hải sản. Hiện nay dân trong xã nợ các ngân hàng chính sách gần 90 tỷ đồng, tính ra bình quân mỗi hộ vay khoảng 80 triệu đồng”, ông Thành cho biết thêm.
Trao đổi với Dân trí ông Trần Văn Nghĩa – Phó Phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà cho hay: “Việc giá xăng dầu tăng giá “chóng mặt” đã ảnh hưởng rất lớn đến ngư dân. Bởi mỗi chuyến đi biển, tiền mua nhiên liệu đã chiếm hơn 80% chi phí. Do vậy, rất cần Nhà nước có những chính sách hỗ trợ ngư dân để họ còn có cơ hội bám trụ với nghề biển”.
Nhóm PV