APEC 2017:

Tăng cường hợp tác khoa học, công nghệ giữa các nền kinh tế thành viên APEC

(Dân trí) - Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất quan chức cấp cao APEC (SOM 1) và các cuộc họp liên quan, ngày 18/2, Cuộc họp lần thứ 9 của Nhóm Cơ chế Đối tác chính sách khoa học, công nghệ và Đổi mới APEC (PPSTI-9) đã chính thức khai mạc.

Các đại biểu dự PPSTI - 9 đang diễn ra tại Nha Trang, Khánh Hòa
Các đại biểu dự PPSTI - 9 đang diễn ra tại Nha Trang, Khánh Hòa

Phát biểu tại phiên khai mạc PPSTI-9, đại diện chủ nhà Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Trần Quốc Khánh khẳng định cam kết Việt Nam tiếp tục hợp tác chặt chẽ về việc tăng cường vai trò của Nhóm Cơ chế Đối tác chính sách khoa học, công nghệ và Đổi mới trong APEC với việc tiếp tục thúc đẩy các chính sách hỗ trợ về mặt giao tiếp, nguồn nhân lực, và những chính sách khuyến nghị phù hợp.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh bày tỏ tin tưởng rằng với sự hiện diện và hỗ trợ liên tục giữa các nền kinh tế thành viên, sự hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sẽ tiếp tục được tăng cường và đạt được các mục tiêu theo kế hoạch cho sự thịnh vượng chung của APEC.

Theo chương trình nghị sự của PPSTI-9 dự kiến diễn ra trong hai ngày 18 và 19/2, các đại biểu sẽ thảo luận, cập nhật thông tin các dự án đang triển khai và thông qua các dự án hợp tác mới trong khuôn khổ PPSTI. Đồng thời, đề xuất khuyến nghị chính sách của Nhóm PPSTI trong năm 2017; và thảo luận, đề xuất phương hướng tăng cường hoạt động của Nhóm PPSTI với các tiểu ban/nhóm công tác khác trong khuôn khổ cơ chế hợp tác APEC...

Trong năm APEC 2017, Việt Nam đóng vai trò là Phó Chủ tịch Nhóm PPSTI. Tại PPSTI - 9, Việt Nam sẽ trình bày đề xuất mới về “Phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong các nền kinh tế đang phát triển APEC”. Qua đó, nhằm hiểu rõ hơn về các thành phần và tính năng động, đưa ra sáng kiến nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, thúc đẩy phát triển một thế hệ doanh nhân mới trong APEC.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cập nhật về dự án đang triển khai “Xúc tiến thương mại hóa, hợp tác đầu tư đối với sản phẩm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tiềm năng ở thị trường ngoài nước trong một số lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam đến 2020”. Đồng thời, trình bày một số nội dung liên quan đến giải thưởng về “Đổi mới sáng tạo, Nghiên cứu và Giáo dục của APEC” (ASPIRE).

Khánh Hiền