APEC 2017:
Tăng cường hiệu quả hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ của APEC
(Dân trí) - Sáng nay (18/2), hơn 100 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế APEC đã bắt đầu phiên họp nhóm chuyên gia APEC về Sở hữu trí tuệ (IPEG 44).
Phiên họp nằm trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cấp cao APEC(SOM 1) và các cuộc họp liên quan diễn ra tại Nha Trang, Khánh Hòa do Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ Việt Nam chủ trì.
Tại IPEG 44, các đại biểu tập trung bám sát chủ đề tăng cường đối thoại về chính sách sở hữu trí tuệ và thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường tính hiệu quả của hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ, thực hiện Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS của WTO); Nỗ lực triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động tập thể (CAP) về sở hữu trí tuệ nhằm đạt các mục tiêu của APEC về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020; Phát triển nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ cho các nền kinh tế đang phát triển và chậm phát triển. Đồng thời, qua đó, nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ; Khuyến khích sử dụng, khai thác và thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ.
Tại IPEG 44, đoàn Việt Nam sẽ có 2 bài trình bày, bao gồm: Quy trình xử lý đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Hệ thống Madrid tại Cục Sở hữu trí tuệ; và Hoạt động đổi mới, sáng tạo của Việt Nam.
Trao đổi với Dân trí trước phiên khai mạc IPEG 44, ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ làm Trưởng đoàn Việt Nam chia sẻ: Về chủ đề Hoạt động đổi mới, sáng tạo trong thực hiện chính sách về quyền sở hữu trí tuệ, có thể nói là một trong những vấn đề mà Chính phủ và các doanh nghiệp nước ta rất quan tâm. Đó là làm sao để đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo về mặt kỹ thuật để giúp cho hoạt động kinh doanh phát triển mạnh mẽ, tạo sức cạnh tranh đối với các sản phẩm ngoại nhập.
Chủ đề thứ hai mà đoàn Việt Nam chia sẻ với các thành viên APEC là quy trình xử lý đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Hệ thống Madrid tại Cục Sở hữu trí tuệ. Theo đó, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình vận hành hệ thống này tại Việt Nam để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký nhãn hiệu trong nước; cũng như các doanh nghiệp nước ta khi đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài.
Ông Lâm chia sẻ thêm, khó khăn lớn nhất của Việt Nam trong thực thi chính sách về quyền sở hữu trí tuệ là nâng cao nhận thức của xã hội, của công chúng, doanh nghiệp, người dân về quyền sở hữu trí tuệ, tôn trọng cũng như là hiểu biết về quyền sở hữu trí tuệ để khai thác tài sản sở hữu trí tuệ cho hoạt động của mình.
Một khó khăn nữa là điều kiện kinh tế xã hội, hạ tầng của chúng ta còn cách xa so với các nước lớn trong áp dụng các nguyên tắc về quyền sở hữu trí tuệ, nhất là trong bối cảnh các nguyên tắc này ngày càng được nâng cao. Điều này có gây khó khăn cho người dân khi phải tuân thủ đúng nguyên tắc. Song một mặt cũng tạo điều kiện về môi trường pháp lý cho các nhà sáng tạo về quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp không bị người khác lạm dụng và sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ của mình cho hoạt động của họ.
Khánh Hiền