1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

"Tận thu" phí ATM: Bài toán lợi nhuận hay làm chính sách?

(Dân trí) - Theo một vị chuyên gia trong ngành, ngân hàng nên phân định rõ việc thu phí ngân hàng để đảm bảo hiệu quả kinh doanh hay phục vụ mục tiêu hạn chế thói quen sử dụng tiền mặt của người dân.

Tận thu phí ATM: Bài toán lợi nhuận hay làm chính sách?
Một thẻ ATM sẽ phải chịu các loại phí như: phí phát hành thẻ lần đầu, phí thường niên, phí rút tiền, phí chuyển khoản, phí truy vấn số dư hoặc in sao kê…

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ khẩn trương rà soát lại các loại phí, mức phí đang áp dụng đối với thẻ ghi nợ tại đơn vị, bảo đảm việc thu phí tuân thủ theo đúng quy định tại Thông tư số 35. 

Trên thực tế, trong thời gian gần đây, nhiều khách hàng tiếp tục lên tiếng phàn nàn về mức phí ngân hàng “rủ nhau” tăng, đặc biệt là với phí dịch vụ ATM. 

Theo anh Nguyễn Ngọc Tuấn (Đống Đa, Hà Nội): “Phí tăng trong chừng mực nào đó vẫn chấp nhận được nhưng điều đáng nói là nhiều ngân hàng vẫn không có cải thiện đáng kể về chất lượng dịch vụ. Đây là nguyên nhân chính khiến những khách hàng như tôi cảm thấy không hài lòng khi phải trả thêm một khoản tiền cho một dịch vụ có chất lượng y như cũ".

Ngân hàng thu về 1.500 đồng/lần rút tiền liên ngân hàng

Nhìn chung, một thẻ ATM sẽ phải chịu các loại phí như: phí phát hành thẻ lần đầu, phí thường niên, phí rút tiền, phí chuyển khoản, phí truy vấn số dư hoặc in sao kê… Trong số các khoản chi phí dịch vụ ATM này, những loại phí khiến khách hàng thắc mắc khá nhiều bao gồm như phí rút tiền liên ngân hàng, chuyển khoản liên ngân hàng, các dịch vụ truy vấn số dư…  

Theo đại diện từ Banknetvn, đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển mạch thẻ nội địa cho các ngân hàng, với mỗi giao dịch rút tiền liên ngân hàng các ngân hàng phải trả cho Banknetvn 1.500 đồng. Như vậy, so với mức thu hiện tại khoảng 3.000 đồng (chưa tính VAT) đang tính cho khách hàng, các ngân hàng đang có “lời” khoảng 1.500 đồng/lần giao dịch. 

Trong khi đó, với các giao dịch trong hệ thống của ngân hàng nào thì do ngân hàng đó tự quyết định và thu hoàn toàn. Như vậy, với các giao dịch rút tiền nội mạng, ngân hàng thu 500 đồng hay 1.000 đồng/giao dịch đều thuộc về ngân hàng đó mà không phải chi trả phí cho bên thứ 3 cung ứng dịch vụ nào. 

Một điểm cũng đáng lưu ý là, mức phí dịch vụ liên ngân hàng do Banknetvn tính cho các ngân hàng duy trì ổn định từ năm 2007 cho tới nay và tính ở mức cào bằng, không có sự phân biệt giữa các ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế trong mức phí dịch vụ được các ngân hàng điều chỉnh tăng lên theo thời gian và không bằng nhau ở các ngân hàng.

Kể riêng với mức phí chuyển khoản qua ATM liên ngân hàng, có ngân hàng áp mức phí 5.000 đồng/giao dịch trong khi có ngân hàng là 10.000 đồng/giao dịch, thậm chí 15.000 đồng/giao dịch, có ngân hàng tính theo % số dư giao dịch. Mức phí chuyển tiền trong nội bộ các ngân hàng, trên thực tế cũng tồn tại điểm bất hợp lý như phân biệt giữa chi nhánh nội thành hay ngoại tỉnh. 

Bài toán lợi nhuận hay chính sách 

Chia sẻ tại Hội thảo diễn ra sáng 21/7, ông Alain Raes, Giám đốc điều hành phụ trách khu vực châu Âu, Trung Đông, châu Á bao gồm cả châu Á Thái Bình Dương của Swift - một tổ chức chung cung cấp các nền tảng thông tin, sản phẩm dịch vụ thanh toán cho hay, mức phí chuyển tiền qua hệ thống Swift thấp nhất có thể thực hiện được là 0,02 xu (1 Euro = 100 xu), mức phí được tính cho cả các giao dịch chuyển tiền quốc tế. 

Đánh giá về việc tại sao các giao dịch chuyển tiền tại Việt Nam lại đắt, ông Alain Raes cho rằng, khác với Singapore có thể sử dụng hệ thống Swift cho các giao dịch quốc tế và cả giao dịch nội địa, nhiều nước như Việt Nam muốn sử dụng hệ thống độc quyền cho các giao dịch nội địa của mình. Mức phí tính cho khách hàng sẽ phụ thuộc vào ứng dụng công nghệ, dung lượng thông tin và cả các khoản chi phí thanh toán cho bên thứ ba. 

“Có một nguyên tắc nữa là càng giao dịch càng nhiều thì chi phí càng lớn. Việt Nam có dân số lớn nhưng chưa đảm bảo dung lượng thị trường như mong muốn. Cần phải làm gì đó để người Việt Nam vui vẻ khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền qua mạng và văn hoá chuyển tiền qua mạng sẽ trở thành văn hoá của Việt Nam”, ông nói thêm.

Theo một vị chuyên gia trong ngành tài chính - ngân hàng, để đầu tư cho mỗi cây ATM, ngân hàng phải mất khoảng 200-400 triệu đồng, cộng thêm 400 triệu đồng đầu tư cho chi phí công nghệ, phần mềm. Tính ra mỗi năm ngân hàng sẽ phải bỏ ra vài chục tỷ để duy trì hệ thống này. 

“Các ngân hàng thường áp dụng chính sách miễn phí 1, 2 năm đầu, sau đó sẽ tiến hành thu phí khách hàng. Đây có thể là thời điểm qua lúc khuyến mại đó rồi. Thêm vào đó, với nhiều khoản đầu tư ban đầu, việc thu phí cũng chỉ đủ bù đắp chi phí bỏ ra chứ chưa chắc đã có lãi”, vị này nói. 

Tuy nhiên, theo vị này, ngân hàng nên phân định rõ việc thu phí ngân hàng để đảm bảo hiệu quả kinh doanh hay phục vụ mục tiêu hạn chế thói quen sử dụng tiền mặt của người dân.  

Theo thống kê, trong năm 2014, tổng khối lượng giao dịch qua ATM đạt khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, trong đó có khoảng 8% là giao dịch liên ngân hàng. Lượng giao dịch cũng đạt con số tăng trưởng lên tới 20% mỗi năm. Khối lượng giao dịch “khổng lồ” nhưng theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, với thói quen sử dụng tiền mặt còn phổ biến nên các giao dịch chủ yếu vẫn là rút tiền và chiếm gần 80% tổng số giao dịch qua ATM, con số này thay đổi không đáng kể trong vài năm trở lại đây. 

Lãnh đạo một đơn vị khác trong ngành cũng thừa nhận, việc các ngân hàng thu phí dịch vụ ATM cao chắc chắn sẽ khiến thói quen sử dụng tiền mặt của người dân “trầm trọng” hơn. "Bởi để tiết kiệm chi phí, người ta sẽ rút nhiều hơn cho mỗi lần giao dịch, vô hình chung đã khuyến khích cho việc người dân nắm giữ nhiều tiền mặt hơn”, vị này nói.

 Phương Dung