Ngân hàng "tận thu" phí ATM: Không chấp nhận chỉ còn nước khoá thẻ!
(Dân trí) - Mặc dù nhiều khách hàng tỏ ra bức xúc, thậm chí bất mãn với biểu phí "tận thu" từ dịch vụ ATM của khách hàng nhưng cũng không còn lựa chọn nào khác, trừ khi khoá thẻ không dùng!
Thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng công bố tăng phí ATM. Theo thống kê sơ bộ, mỗi khách hàng phải chịu tới 20 - 25 loại phí dịch vụ cơ bản của ngân hàng. Trong đó có thể kể tới một số loại phí như: phí phát hành thẻ lần đầu, phí thường niên, phí rút tiền, phí chuyển khoản, phí truy vấn số dư… Có ngân hàng thậm chí còn thu cả phí báo mất thẻ hay thẻ bị đánh cắp.
Người dùng bức xúc vì "oằn lưng" gánh phí
Anh Trương Công Khánh, một công chức nhà nước cho hay: “Theo quy định, lương công chức hiện phải trả qua ATM. Tôi thấy mức thu dịch vụ thẻ ATM quá cao và rất nhiều phí. Từ lâu nay, mỗi khi có lương, tôi thường rút hết để tiêu dần, chứ nhiều lúc rất cần tiền chạy đi rút lại bị nuốt thẻ, mấy hết tiền rồi hàng loại các chi phí từ phí rút tiền đến phí in sao kê”.
Đồng tình ý kiến này, anh Đỗ Quốc Toàn (Hà Nội) cho rằng: “Không những phí cao, người dùng còn mất nhiều tiền bởi giới hạn rút của ngân hàng, nếu trong máy toàn tiền lẻ thì máy điều chỉnh giá trị tiền rút sẽ thấp đi. Thẻ của tôi rút được 5 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày thế nhưng nếu cây ATM chỉ toàn tờ 100.000 đồng thì chỉ còn rút được tối đa 3 triệu đồng, nếu đen đủi gặp ATM toàn 50.000 đồng thì tôi chỉ rút được 1 triệu đồng/lần. Như vậy nếu muốn rút 5 triệu, tôi phải rút tới 5 lần và ngân hàng thì cứ tính phí trên mỗi giao dịch thành công thôi”.
Đối với những người sử dụng dịch vụ nhiều, mức phí ATM cũng trở thành một phần gánh nặng tài chính. Một người tiêu dùng chia sẻ: “Mỗi ngày tôi thực hiện từ 4-5 lần chuyển khoản qua internet - banking, phí mỗi lần 3.300 đồng cho 1 lần chuyển khoản, vị chi mỗi tháng tôi mất tiền triệu vào cái phí này. Khổ mà không kêu được”.
Cũng có ý kiến người dùng đặt câu hỏi về việc thu phí ATM liệu có đang đi ngược lại chủ trương khuyến khích không dùng tiền mặt của Nhà nước? Trong khi đó, không ít ý kiến so sánh dịch vụ ATM trong nước với các nước khác trên thế giới khi dịch vụ ATM hầu hết không bị tính phí để khuyến khích người dùng sử dụng.
“ATM hiện nay chủ yếu là công cụ chính sách của Nhà nước nhằm hạn chế việc dùng tiền mặt, tạo thuận lợi trong quản lý, minh bạch dòng tiền. Với số tiền khách hàng để trong tài khoản chưa rút có thể coi như là nguồn huy động của ngân hàng với lãi suất thấp. Tuy nhiên, việc ngân hàng thu phí sử dụng như hiện tại đã khiến một số khách hàng phải rút hết 1 lần để giảm chi phí trên số tiền lương ít ỏi. Nên chăng Nhà nước cũng cần nghiên cứu lại cho phù hợp”, một người dùng nhấn mạnh.
Không chấp nhận chỉ còn nước khoá thẻ!
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu - một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tại các nước tiên tiến, ATM chỉ có một số các loại phí cơ bản như phí duy trì thẻ mỗi năm, mỗi lần đổi mật khẩu hay cần sao kê, truy cập thông tin “đương nhiên” được miễn phí. Và người dân tại các nước đó cũng ít khi than phiền về các loại phí này.
"Nhìn từ phía khách hàng, trong thời gian vừa rồi, việc ngân hàng tăng phí và có nhiều phí khiến dân chúng bức xúc, thậm chí nhiều khách hàng cảm thấy bất mãn vì phí tăng mà dịch vụ không cải thiện được nhiều”, ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có quy định về bảng phí tối đa trong đó có những loại phí, phụ phí mà ngân hàng được phép thu. Tuy nhiên, không hề có quy định ngân hàng phải thương lượng với khách hàng khi đưa ra các loại phí vì rất “nhiêu khê”.
“Họ đưa ra một biểu phí, khách hàng không chấp nhận thì tìm ngân hàng khác. Còn việc người dân sẽ quay trở lại với tiền mặt mà không sử dụng ATM nữa thì cũng chỉ là lo ngại bởi khi đã quen với dịch vụ tiên tiến rồi thì khó quay trở lại như trước lắm. Do đó, dù bức xúc với phí cao, có chỗ phản đối nhưng có lẽ không có sự lựa chọn nào khác”, ông Hiếu nói thêm.
Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc Tế Việt Nam (VIAC) cũng cho rằng, về bản chất việc ngân hàng thu các loại phí ATM là đúng quy định và đều thể hiện ở hợp đồng.
"Tuy nhiên cũng không hoàn toàn minh bạch và tự nguyện bởi khi kí hợp đồng, ngân hàng quy định khi thay đổi phí sẽ thông báo bằng văn bản, thông báo trên web. Nếu khách hàng không phản hồi gì thì nghĩa là đồng ý, còn không đồng ý thì chỉ còn nước khoá thẻ, chuyển ngân hàng”.
Ông Đức cũng cho rằng, để đòi quyền lợi, khách hàng có thể thông qua Hội bảo vệ người tiêu dùng hoặc khi có nhiều người cắt thẻ ATM sẽ buộc ngân hàng phải xem xét lại. Tuy nhiên, trường hợp này cũng ít khả quan bởi cả hệ thống đều tăng phí. Trong khi đó, người tiêu dùng cũng không thể không sử dụng thẻ bởi hiện quy định doanh nghiệp phải trả lương qua thẻ hoặc các tiện ích đang được hưởng từ việc sử dụng dịch vụ này.
Phương Dung