1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Tân Tạo vẫn còn cơ hội tại Nhiệt điện Kiên Lương

(Dân trí) - Mặc dù UBND tỉnh Kiên Giang muốn giải quyết dứt điểm, thu hồi dự án 6,7 tỷ USD do Tân Tạo làm chủ đầu tư, tuy nhiên, do đã đầu tư 240 triệu vào dự án này nên tập đoàn vẫn được Bộ Công thương cho thêm cơ hội.

Trao đổi tại phiên họp báo thường kỳ Bộ Công thương tháng 9/2013, Thứ trưởng Lê Dương Quang cho biết, trước đề nghị của tỉnh Kiên Giang hồi tháng 8 vừa rồi muốn Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xử lý dứt điểm dự án Nhiệt điện Kiên Lương, hiện nay Bộ Công Thương vẫn đang dành cơ hội cho nhà đầu tư là Tập đoàn Tân Tạo.

Tân Tạo vẫn còn cơ hội tại Nhiệt điện Kiên Lương
Tập đoàn của bà Đặng Thị Hoàng Yến đang gặp khó khăn về vốn, gây nên chậm trễ kéo dài tại dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương.

Lãnh đạo Bộ Công thương giải thích, do thực sự thấy rằng trong những năm vừa qua, Tân Tạo cũng đã đầu tư vào dự án này một khoản tiền lớn để làm công tác chuẩn bị. Trong một văn bản gửi tỉnh Kiên Giang gần đây, Tân Tạo cho biết, từ khi bắt đầu triển khai dự án Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương tới nay đã đầu tư tổng cộng 240 triệu USD vào dự án này.

Do vậy để bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư đồng thời để đảm bảo sự công bằng, Thứ trưởng Lê Dương Quang cho biết, Bộ Công thương vẫn tạo cơ hội để phia chủ đầu tư đưa ra ý kiến cuối cùng. Sau đó nếu thấy thật sự không thể triển khai được thì mới xem xét để cho nhà đầu tư khác.

"Việc này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và Quy hoạch điện VII, tuy nhiên, chúng ta có chủ trương đối xử công bẳng với các chủ đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế nên chúng tôi vẫn muốn dành cơ hội cho nhà đầu tư" - Thứ trưởng nói.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng cho biết, sau nhiều lần làm việc với Tập đoàn Tân Tạo thì có một vấn đề là cho đến giờ phút này, quan điểm của chủ đầu tư về phương thức đầu tư vẫn không hoàn toàn rõ ràng. 

Ban đầu, Tân Tạo đề nghị đầu tư theo phương thức BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành) nhưng đồng thời kiến nghị một loạt các cơ chế chính sách như phải có bảo lãnh của Chính phủ, đối với các khoản vốn vay phải có cam kết về cân đối ngoại tệ và phải áp dụng luật của nước ngoài - đây đều là những yêu cầu không có tiền lệ. 

Do đó, sau khi Bộ Công thương trao đổi lại thì Tân Tạo lại đề nghị chuyển hình thức đầu tư sang BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), thế những vẫn còn kèm theo một loạt những kiến nghị mang tính điều kiện đảm bảo.

Bộ Công thương đã trao đổi và yêu cầu nhà đầu tư trước hết phải xác định sẽ đầu tư theo phương thức gì, sau đó phải hoàn chỉnh hồ sơ đúng theo quy định của Nhà nước về hình thức đó. 

Tập đoàn Tân Tạo được Chính phủ phê duyệt đồng ý làm chủ đầu tư dự án Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương hồi tháng 8/2008. Tuy nhiên, theo phản ánh của UBND tỉnh Kiên Giang, sau khi được giao dự án, Tân Tạo đã tiến hành san lấp khoảng 88 ha diện tích mặt bằng, đóng 6,5/8km cừ vây tạo đê bao tuyến biển, đồng thời tiến hành chi trả bồi thường cho các hộ dân phải di dời thuộc khu vực dự án. Sau đó, thời gian từ tháng 8/2010 đến nay dự án đã tạm ngưng triển khai do công ty vẫn chưa thu xếp được nguồn vốn.

Giữa lúc đó, có ít nhất 4 nhà đầu tư đến từ Singapore, Hồng Kông, Anh, Pháp chính thức có văn bản thể hiện mong muốn được đầu tư vào dự án Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương. Trong đó mới nhất là Tập đoàn điện lực Pháp vừa sang thăm, làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang vào sáng 26/7.

Do vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đã ra thời hạn cuối đến ngày 30/6/2013 nếu công ty này vẫn không tiếp tục triển khai dự án, thì tỉnh sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết trình Chính phủ xem xét thu hồi chủ trương đầu tư đối với dự án này.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm