1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tạm trữ lúa gạo: Chỉ là giải pháp can thiệp thị trường!

(Dân trí) - Ngày 1/3, Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã triển khai, phân bổ các chi tiêu mua lúa, gạo tạm trữ vụ đông xuân 2014-2015 đến các doanh nghiệp. Lần đầu tiên, khái niệm “giải pháp can thiệt thị trường” được đưa ra!

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Giá lúa nhích lên khi mua tạm trữ!

“Thu mua tạm trữ chỉ là giải pháp can thiệp thị trường, ngăn ngừa giá lương thực giảm khi vào thu hoạch rộ, đảm bảo lợi ích cho người trồng lúa” – Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Vũ Văn Tám nhận định tại hội nghị. Có lẽ đây là đầu tiên, khái niệm “giải pháp can thiệp thị trường” được đưa ra cho chủ trương mua tạm trữ lúa gạo. Vì trước đây, rất nhiều người xem đây là giải pháp tình thế, hay xem như “gói hỗ trợ cho nông dân hoặc doanh nghiệp”!?

 Thực tế, từ trước Tết Nguyên đán, giá lúa đông xuân ở ĐBSCL có xu hướng giảm. Sau đó, đã tăng nhẹ ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn.

Giá lúa đang nhích lên sau khi T
Giá lúa đang nhích lên sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn.

Hiện nay khu vực thu hoạch và thương lái mua lúa đông xuân nhộn nhịp. “Trước Tết thương lái chỉ đặt cọc giá khoảng 4.000 đồng – 4.050 đồng/kg nhưng hiện nay thương lái tới mua lúa tại ruộng giá khoảng 4.250 đồng/kg. Đây là giá lúa nông dân chấp nhận được” – ông Tư Tới ở Cờ Đỏ - Cần Thơ cho biết.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sẽ thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2014-2015. Thời hạn tạm trữ từ ngày 1/3 đến hết 15/4/2015,  ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua lúa gạo, thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 4 tháng kể từ ngày mua tạm trữ.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương An Giang, Tiền Giang, Long An, Cần Thơ đánh giá cao khi năm nay việc triển khai thu mua tạm trữ lúa gạo kịp thời – ngay thời điểm nông dân bước vào thu hoạch rộ. Đại diện VFA đã phân bố chỉ tiêu giao cho các tỉnh, doanh nghiệp mua tạm trữ cho 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Theo đó, cao nhất là An Giang hơn 250.000 tấn, Cần Thơ hơn 175.000 tấn; thấp nhất là Cà Mau với 2.400 tấn, Bạc Liêu 8.000 tấn…Đây là năm thứ 6, VFA triển khai quyết định triển khai thu mua tạm trữ lúa gạo đông xuân tại ĐBSCL. 

Mong có đề xuất giải pháp tốt hơn tạm trữ!

Có thể nói việc phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ năm nay diễn ra khá thuận lợi. Theo ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch VFA, đã có công văn đề nghị thương nhân đăng ký số lượng mua tạm trữ gửi về cho VFA ngày 24/2. VFA cũng đưa ra và thống nhất 4 tiêu chí để chọn thương nhân mua tạm trữ: có đăng ký, có thành tích mùa vụ đông xuân trước, có năng lực xuất khẩu và tạm trữ, có tham gia vào cánh đồng lớn. Tại hội nghị, nhiều ý kiến đồng tình cao khi VFA có phần “ưu ái” khi giao chỉ tiêu cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất của cánh đồng lớn. Vì đây là chuỗi liên kết khá hiệu quả và được nông dân nhiệt tình tham gia và đang trong quá trình phát triển mở rộng.

Tại hội nghị triển khai lần này, chỉ có một số địa phương như Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang xin điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu thu mua tạm trữ. Tuy nhiên, vấn đề không phải nằm ở việc xin “điều chỉnh chỉ tiêu”! Lãnh đạo Sở Công thương Trà Vinh đã phát biểu gay gắt: “Miếng bánh có bấy nhiêu đề xuất tăng lên thì nơi khác giảm xuống. Sáu lần mua tạm trữ vẫn đánh giá đây là giải pháp tình thế. Tôi nghĩ, các ngành hữu quan phải tìm ra giải pháp căn cơ cho người trồng lúa. Tính toán tổ chức lại sản xuất, việc xây dựng thương hiệu lúa gạo quá chậm”.

Hiện tại, sau khi ký được hợp đồng xuất khẩu 300.000 tấn gạo sang Philippines, cùng với việc triển khai sớm việc thu mua tạm trữ, thị trường có chiều hướng tốt lên. Nhưng theo ông Huỳnh Thế Năng việc này không thể kéo dài. Vì cân đối nguồn gạo tồn và nguồn lúa, gạo mới từ vụ đông xuân khả năng đến hết quí II/2015 khó giải quyết hết 5 triệu tấn gạo! Đây cũng là điều mà nhiều lãnh đạo địa phương vùng ĐBSCL lo lắng. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám nhìn nhận: “Hiện chưa có giải pháp nào căn cơ hơn mua tạm trữ. Đề nghị các địa phương đề xuất xem có giải pháp nào tốt hơn mua tạm trữ”!

Vĩnh Tường – Phạm Tâm
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”