Tâm sự của một ông chủ cây xăng chỉ bán 50.000 đồng cho xe máy
(Dân trí) - Giá mà mọi người hiểu tình thế và những áp lực tôi đang phải chịu, có lẽ họ đã không tố cây xăng nhà tôi "làm ăn chộp giật, khôn vặt".
Tôi là Phạm Văn Vượng (50 tuổi, *tên nhân vật đã được thay đổi), chủ một cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội. Cây xăng nhà tôi đã mở bán được 2 năm nhưng gặp nhiều khó khăn do dịch. Tôi và bạn chung vốn vẫn đang phải loay hoay tìm cách cân bằng các chi phí để có thể thu hồi vốn và kiếm lời trong tương lai.
Để xây dựng cây xăng này, gia đình tôi đã phải bán hết nhà cửa và đi vay nợ nên giờ tôi không có nhiều lựa chọn.
Thời gian qua, giá xăng tăng liên tục. Người ta nhìn vào và mặc định các cây xăng đang ăn nên làm ra. Nhưng nào đâu phải vậy. Kiếm lời từ bán xăng chủ yếu do mức chiết khấu mà nhà phân phối quy định, giá bán thì Nhà nước quy định, chứ không cứ giá xăng càng tăng là chúng tôi càng lãi. Nó khác với việc bạn nhập một chiếc ví giá 100.000 đồng và có thể bán ra với giá 300.000 đồng.
Thực tế ở giai đoạn này, người trong cuộc vẫn phải nhập nhiên liệu đầu vào với mức chiết khấu về gần 0 đồng. Chúng tôi chấp nhận nhập hàng dù cộng thêm chi phí, phải nói thật là càng bán càng lỗ.
Trước ngày điều chỉnh giá 11/3 vài hôm, bể chứa xăng dầu nhà tôi đã sắp cạn. Tôi với bố gọi liên tục cho nhiều bên phân phối nhưng họ nói không có hàng, phải chờ ít nhất đến cuối ngày 11/3. Tôi đã mong lượng còn lại đủ phục vụ cho bà con đến lúc hàng về.
Nhưng những dự báo giá xăng tăng "sốc", chuẩn bị lên 30.000 đồng/lít khiến người dân đổ xô đi mua xăng, nhiều người mang thêm chai, lọ, can đựng mang về. Trong đám đông hỗn loạn, tôi thấy còn có một bác chở theo cả thùng phi. Bể chứa xăng thì đang còn số lượng chỉ đủ để cầm cự.
Tối đó, tôi không ngủ được. Tôi và người bạn chung vốn bàn nhau cách bán thế nào đảm bảo ai cũng được đổ xăng, mà cây xăng thì không phải treo biển "Hết hàng không bán" (nếu đóng cửa mà cơ quan quản lý thị trường vào kiểm tra thấy vẫn còn hàng, cây xăng sẽ bị phạt - PV). Quyết định cuối cùng được đưa ra là bán cho xe máy tối đa 50.000 đồng, ô tô tối đa 500.000 đồng.
Sáng 11/3, kế hoạch được triển khai, tất nhiên có nhiều người thắc mắc thì được nhân viên giải thích và mong thông cảm. Mọi thứ khó khăn nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
Trưa hôm đó, đang ăn cơm, tôi tá hỏa khi thấy một trang tin tức tự lập của địa phương tố cây xăng nhà mình "làm ăn chộp giật, khôn vặt". Họ khẳng định luôn cách bán xăng tối đa cho xe máy 50.000 đồng, ô tô tối đa 500.000 đồng là trục lợi.
Nhưng đó rõ ràng đâu phải suy nghĩ và mục đích của chúng tôi. Họ không hiểu nguyên nhân phía sau. Giá mà họ biết lượng xăng còn trong bể, những áp lực chúng tôi đang phải đối diện, hay chính họ là chủ cây xăng thì có lẽ sẽ không có bài đăng ấy.
Tiếp diễn, những người trong làng trong xã vào bình luận, chỉ trích, lên án hành động của gia đình tôi, có người quen tag tên tôi, có người nhắn riêng hỏi, có người tôi không biết lại "thêm mắm thêm muối" vào câu chuyện... Đa số là những bình luận tiêu cực và cho rằng gia đình tôi đang "làm giàu không khó". Họ tin vào những điều họ muốn tin, chứ nhất quyết không đặt mình vào vị trí của người khác.
Tôi ban đầu khó chịu, sau đó bức xúc rồi nổi điên lên khi bị buộc tội. Họ không phải cơ quan chức năng nhưng lại đang đưa ra kết luận. Tôi cuống cuồng tìm cách phân trần, nhắn tin trực tiếp cho trang tin tức nhưng không được phản hồi, trả lời tin nhắn, bình luận của người quen, đi giải thích cho từng người...
Tôi dần thấy áp lực và bất bình khi những bình luận động chạm đến gia đình mình và uy tín của cây xăng. Giá xăng tăng không phải lỗi của bên tôi, hết hàng không nhập được cũng không phải lỗi của bên tôi. Tôi đã cố gắng hết sức để cân đối rồi.
Và ngay cả sau khi giá xăng đã tăng lên gần 30.000 đồng/lít, chúng tôi vẫn phải bán tối đa cho xe máy 50.000 đồng, ô tô tối đa 500.000 đồng. Trang tin tức tự lập kia lại đăng thêm một bài bày tỏ nghi ngờ về tính minh bạch của cây xăng. Tôi tự hỏi nếu trùng thời điểm đó nguồn hàng về, cây xăng bán trở lại bình thường, không biết câu chuyện sẽ còn đi xa đến đâu nữa, hay chính danh dự của gia đình tôi và uy tín cây xăng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề đến cỡ nào.
Dịch bệnh, tất cả đều gặp khó khăn. Chúng tôi cũng đã phải đánh đổi rất nhiều để kinh doanh xăng dầu và bị chịu nhiều tác động. Đến giờ, tôi chỉ mong muốn giá xăng dầu bình ổn trở lại để mọi người giảm bớt được gánh nặng, và có chăng với người kinh doanh mặt hàng nhạy cảm này, là chiết khấu từ bên phân phối lên mức cao hơn một chút.