Tại sao Trung Quốc muốn đỡ giá đồng nhân dân tệ?
(Dân trí) - Các nhà phân tích cho rằng ngân hàng trung ương Trung Quốc vừa gửi một tín hiệu mạnh mẽ rằng họ muốn giữ đồng nhân dân tệ không suy yếu quá nhanh so với đồng USD.
Lần thứ hai trong năm nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã công bố sẽ cắt giảm dự trữ ngoại tệ từ mức 8% xuống còn 6%, có hiệu lực từ ngày 15/9.
Những động thái như vậy, về mặt lý thuyết, sẽ làm giảm áp lực suy yếu hơn đối với đồng nhân dân tệ, vốn đã giảm hơn 8% trong năm nay, xuống mức thấp nhất trong 2 năm so với đồng USD.
Các nhà chức trách Trung Quốc thường nhấn mạnh giá trị đồng nhân dân tệ so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ. Vì vậy, trong 3 tháng qua, đồng tiền của Trung Quốc đã mạnh lên khoảng 1%.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tại Nomura, những hành động mới đây của Bắc Kinh cho thấy tỷ giá hối đoái giữa đồng nhân dân tệ và đồng bạc xanh vẫn quan trọng đến mức nào.
Theo đó, họ đưa ra hai lý do. Một là các nhà lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến tỷ giá hối đoái song phương giữa đồng nhân dân tệ (RMB) và đồng USD bởi vì họ tin rằng tỷ giá RMB/USD phần nào phản ánh sức mạnh kinh tế và chính trị của hai nước. Hai là sự giảm giá quá lớn của RMB/USD có thể làm giảm tâm lý trong nước và đẩy nhanh việc chuyển vốn ra khỏi Trung Quốc.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang trong những năm qua, dẫn đến việc các công ty công nghệ Trung Quốc bị áp các mức thuế và lệnh trừng phạt.
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã chậm lại trong 3 năm qua, đặc biệt là ảnh hưởng từ cú sốc của đại dịch năm 2020. Các biện pháp thắt chặt kiểm soát dịch Covid-19 trong năm qua của nước này, bao gồm phong tỏa Thượng Hải trong 2 tháng, khiến các nhà kinh tế cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của nước này về mức gần 3%.
Tăng trưởng kinh tế chậm lại đã góp phần làm suy yếu đồng nhân dân tệ. Điều này có thể giúp hàng xuất khẩu Trung Quốc rẻ hơn đối với người mua ở Mỹ và các nước khác.
Trong khi đó, năm nay, đồng USD đã mạnh lên đáng kể khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngoài ra đồng bạc xanh còn được hưởng lợi nhờ đồng euro xuống thấp nhất trong 20 năm và sự sụt giảm tương tự của đồng yên Nhật.
Do đó, trong báo cáo hôm đầu tuần, nhà phân tích Maggie Wei của Goldman Sachs cho rằng: "Chúng tôi nghĩ rằng, PBOC có thể sẽ phải chấp nhận đồng nhân dân tệ giảm giá hơn nữa so với đồng USD, đặc biệt khi đồng USD đang tiếp tục mạnh lên, dù họ có thể muốn tránh việc đồng nhân dân tệ giảm giá một chiều quá nhanh".
Giới phân tích dự đoán, đồng nhân dân tệ sẽ giảm giá xuống mức 7 nhân dân tệ đổi 1 USD trong 3 tháng tới. Thậm chí, các nhà phân tích ngoại hối của Nomura còn dự báo tỷ giá RMB/USD sẽ ở mức 7,2 trong cuối năm nay.
Theo dữ liệu của Wind Information, đồng nhân dân tệ từng giao dịch ở mức gần 7,2 nhân dân tệ đổi 1 USD vào tháng 5/2020 và tháng 9/2019.
"Tôi nghĩ nó sẽ vượt xa mức 7,2 mà chúng ta đã chứng kiến trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung", ông Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cao cấp về Trung Quốc tại Capital Economics nói.
Theo ông, đó là ngưỡng quan trọng và nếu vượt qua mức đó thì rủi ro tiền tệ sẽ trở nên khó kiểm soát.
Hôm qua (6/9), PBOC đã ấn định tỷ giá trung tâm RMB/USD ở mức 6,9096, mức yếu nhất kể từ ngày 25/8/2020.