"Chê" hệ thống tài chính Trung Quốc, tỷ phú Jack Ma trả giá bằng 35 tỷ USD
(Dân trí) - Trong bài phát biểu của mình, tỷ phú Jack Ma đã bày tỏ những ý kiến bất đồng về những rủi ro hệ thống tài chính Trung Quốc và bày tỏ nghi ngờ về mô hình giám sát tài chính hiện tại ở nước này.
Phát ngôn “thẳng thừng”
Những tháng vừa qua, vị tỷ phú giàu nhất Trung Quốc đang rất bận rộn với việc khởi động đợt IPO kép được dự đoán là thương vụ lớn nhất lịch sử của “con cưng” Ant Group cũng như chuẩn bị cho ngày hội mua sắm lớn nhất hành tinh vào ngày 11/11 sắp tới của Alibaba.
Vậy nhưng, vào tháng trước, ông chủ của tập đoàn Alibaba lại có thời gian “rảnh” để bình luận về hệ thống tài chính Trung Quốc. Cụ thể, tại một hội nghị tài chính cấp cao ở Thượng Hải, Jack Ma đã tự ném mình vào “tâm bão” khi chỉ trích các cơ quan quản lý địa phương kìm hãm sự đổi mới.
Theo Jack Ma, Trung Quốc vẫn chưa thiết lập được một hệ thống tài chính hoàn chỉnh, vì vậy cái gọi là rủi ro hệ thống căn bản không tồn tại. Ông phê phán lối tư duy lạc hậu về giám sát tài chính, chỉ biết quản lý rủi ro mà không chú ý đến việc khuyến khích đổi mới, khó có thể dẫn dắt tài chính mới trong tương lai.
Trong bài phát biểu, ông chủ Alibaba ví Hiệp định Ngân hàng toàn cầu Basel là “câu lạc bộ của những người già” còn các ngân hàng Trung Quốc như “tiệm cầm đồ”.
“Nếu bạn vay 100.000 nhân dân tệ từ ngân hàng, người lo lắng chính là bạn, nhưng nếu vay 1 triệu nhân dân tệ, cả bạn và ngân hàng đều lo lắng. Ngược lại, nếu bạn vay 1 tỷ nhân dân tệ thì bạn không có gì phải sợ, ngân hàng mới là bên phải lo”, Jack Ma phát biểu.
Sự cố IPO làm bay hơi 35 tỷ USD
Tưởng chừng như qua hai tuần, những tuyên bố của vị tỷ phú này sẽ không có ảnh hưởng gì cho đến hôm 2/11 vừa qua, tỷ phú Jack Ma cùng với 3 nhà lãnh đạo của Ant Group nhận được lệnh triệu tập từ các cơ quan quản lý Trung Quốc.
Tại cuộc gặp, nhóm lãnh đạo của Ant Group đã được thông báo rằng công ty này sẽ đối mặt với sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn và chịu ràng buộc về vốn cũng như đòn bẩy tương tự như các ngân hàng.
Khoảng 20h ngày 3/11, sàn giao dịch chứng khoán thành phố Thượng Hải thông báo với Ant về việc đợt IPO sẽ bị tạm dừng. Trong tuyên bố chính thức, cơ quan này cho biết có sự “thay đổi đáng kể” trong môi trường pháp lý và cung cấp một số chi tiết bổ sung về lý do các nhà chức trách hủy niêm yết.
Chỉ một ngày sau cuộc triệu tập, Ant Group tuyên bố hoãn IPO ở cả Thượng Hải và Hồng Kông.
Tin tức trên đã gây ra một đợt giảm giá sâu với cổ phiếu của Alibaba trên sàn New York. Về phần Jack Ma, tài sản của ông đã “bốc hơi” 3 tỷ USD. Với số cổ phần vị tỷ phú này nắm giữ tại Ant, khi công ty này IPO thành công, thu về số tiền như dự kiến là 34,5 tỷ USD thì tài sản của ông sẽ tăng thêm 27,4 tỷ USD.
Ant Group trong “tầm ngắm”, hối hận hay không?
Những điều Jack Ma phát biểu tại hội nghị ở Thượng Hải là khá nhạy cảm. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc đã gặp khó khăn trong việc vay tiền từ ngân hàng trong thập kỷ qua.
Giới quan sát bày tỏ quan điểm và cho rằng Ant Group rơi vào “tầm ngắm” do sự phát triển thần tốc của công ty trẻ này trong những năm gần đây. Thương vụ IPO của Ant đã thu hút ít nhất 3.000 tỷ USD tiền đặt trước mua cổ phiếu. Trong khi đó, các ngân hàng vẫn đang trong tình trạng chật vật, thậm chí phải tái cơ cấu vì thiếu vốn. Theo nguồn tin thân cận, một số ngân hàng thương mại Trung Quốc đã phàn nàn với chính phủ về vấn đề này.
Ant Financial có trụ sở tại Hàng Châu là công ty dẫn đầu trong ngành thanh toán điện tử của Trung Quốc. Hoạt động kinh doanh của công ty bao gồm cung cấp các khoản vay, bảo hiểm, quản lý tài sản và cung cấp công nghệ cho các tổ chức tài chính.
Cơ sở người tiêu dùng rộng lớn của Ant đánh giá cao các khoản vay nhỏ của nó. Nhưng trong tương lai, để xoa dịu các ngân hàng của mình, Bắc Kinh có thể sẽ muốn san bằng sân chơi pháp lý. Những quy định mới của Trung Quốc sẽ buộc công ty phải hoạt động giống như một doanh nghiệp cho vay truyền thống, thay vì nhà cung cấp dịch vụ công nghệ cho ngành tài chính.
Bên cạnh những quy tắc quản lý công ty Trung Quốc mới, chính phủ còn đưa ra dự thảo quy định nghiêm ngặt đối với các khoản vay tiêu dùng, yêu cầu Ant cung cấp ít nhất 30% tài trợ cho khoản vay, so với 2% của Ant hiện tại.
Sự ra đời của đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến vị thế thống trị của Ant trong lĩnh vực thanh toán và nhiều hoạt động kinh doanh khác của công ty.
Trong tuyên bố của mình, sàn giao dịch Thượng Hải đã trích dẫn bối cảnh quy định thay đổi là một lý do khiến Ant không còn đủ điều kiện để niêm yết. Nhưng trên thực tế, không có gì thay đổi. Kể từ năm 2017, các cơ quan giám sát của Bắc Kinh đã tranh luận về việc có nên cho phép các tổ chức cho vay vi mô trực tuyến áp dụng mô hình tạo điều kiện cho vay đơn giản hay yêu cầu họ bỏ các điều khoản cho vay. Quy tắc dự thảo mới này chỉ là sự tiếp tục của cuộc tranh luận.
Mở đầu bài phát biểu của mình, tỷ phú Ma thừa nhận rằng ông đã mâu thuẫn về việc có nên tham dự diễn đàn và lên tiếng hay không và có lẽ giờ đây ông đang cảm thấy hối hận.
Tờ Strait Times bình luận: Nếu Trung Quốc nghiêm túc về đổi mới tài chính hoặc phát triển đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, hãy để người đàn ông đi tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh và kiếm được hàng tỷ USD trên đường chia sẻ kinh nghiệm và suy nghĩ của mình. Nếu Ma nói rằng rủi ro hệ thống không phải là gót chân Achilles của Trung Quốc, hãy lắng nghe anh ta. Anh ấy biết vấn đề thực sự nằm ở đâu và có thể là một phần của giải pháp.