Jack Ma từng đề nghị hiến một phần "con cưng" Ant Group cho Trung Quốc
(Dân trí) - Muốn cứu vãn vụ IPO được dự đoán lớn nhất thế giới và mối quan hệ đang dần xấu đi với chính quyền Trung Quốc, tỷ phú Jack Ma từng tuyên bố sẵn sàng hiến một phần "con cưng" Ant Group cho chính phủ.
Theo nguồn tin từ Wall Street Journal, nhà đồng sáng lập Tập đoàn Alibaba đã đề nghị trao một phần đế chế tài chính công nghệ Ant Group cho chính phủ Trung Quốc.
"Các vị có thể lấy bất cứ nền tảng nào mà Ant có, miễn là đất nước cần nó", vị tỷ phú giàu nhất Trung Quốc phát biểu trong cuộc họp với các lãnh đạo cấp ngân hàng trung ương và cơ quan giám sát chứng khoán, ngân hàng và bảo hiểm vào ngày 2/11 - vài ngày trước khi đợt IPO của Ant Group dự kiến diễn ra.
Lời đề nghị này của Jack Ma được cho là những nỗ lực nhằm cố gắng cứu vãn mối quan hệ với các nhà cầm quyền.
Trước đó, tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ Bắc Kinh cho rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không hài lòng với bài phát biểu của Jack Ma tại một hội nghị tài chính tại Thượng Hải vào ngày 24/10.
Tại đó, ông Jack Ma đã chỉ trích các quy định của chính quyền Bắc Kinh làm kìm hãm sự phát triển của công nghệ và gọi hệ thống ngân hàng truyền thống của Trung Quốc là "tiệm cầm đồ".
Theo nguồn tin thân cận, ngay sau phát ngôn trên, đích thân ông Tập đã chỉ đạo các cơ quan quản lý của Trung Quốc điều tra Ant Group. Ngay sau đó, chính quyền Bắc Kinh đưa ra một số quy định quản lý tài chính mới và triệu tập tỷ phú Jack Ma cùng 3 lãnh đạo của Ant Group.
Lời đề nghị "thiện chí" của tỷ phú Jack Ma không làm các quan chức nguôi giận và cải thiện mối quan hệ đang xấu đi. Do đó đã không thể cứu nổi thương vụ IPO thế kỷ của Ant Group. Cuối cùng, Ant Group thông báo ngừng đợt IPO kép tại sàn chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông hôm 3/11 - chỉ trước hai ngày ra mắt theo dự kiến.
Trước đó, đợt IPO kỷ lục của Ant đã thu hút ít nhất 3.000 tỷ USD lệnh đặt mua từ các nhà đầu tư cá nhân tại cả hai thị trường Hồng Kông và Thượng Hải. Trong cuộc tham vấn giá sơ bộ của đợt IPO tại Thượng Hải, các nhà đầu tư tổ chức đã đăng ký mua hơn 76 tỷ cổ phiếu, gấp 284 lần đợt chào bán cổ phiếu ban đầu.
"Ant Group không thể xác nhận các chi tiết trong cuộc họp với các cơ quan quản lý diễn ra hôm 2/11, vì nó là bí mật," đại diện của Ant Group cho biết.
Theo Wall Street Journal, các cơ quan quản lý liên quan đang xem xét kế hoạch về việc Ant Group sẽ phải tuân thủ những quy định về vốn và đòn bẩy tài chính chặt chẽ hơn. Theo kịch bản này, các ngân hàng hoặc nhà đầu tư nhà nước sẽ mua cổ phần của Ant Group nhằm giúp bù đắp khoản vốn bị thiếu hụt do thắt chặt quy định.
"Nhà nước Trung Quốc đã quốc hữu hóa hiệu quả một số cơ sở hạ tầng tài chính mà Ant Group xây dựng, chẳng hạn như hệ thống thanh toán liên ngân hàng giờ trở thành NetsUnion. Vì vậy, đã có tiền lệ về việc quốc hữu hóa các nền tảng được coi là phục vụ mục đích chính sách quan trọng", Martin Chorzempa - một nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, chuyên về lĩnh vực fintech của Trung Quốc - cho biết.
Chính phủ Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông Tập trong những năm gần đây đã thể hiện quyết tâm "kiểm soát" các tập đoàn tư nhân khổng lồ bị coi là vô kỷ luật - dù rằng những người sáng lập của họ có thể đã bất khả chiến bại về mặt chính trị.
Có thể kể đến như, Tập đoàn Dalian Wanda của ông trùm bất động sản Wang Jianlin đã buộc phải bán tài sản, thu nhỏ hoạt động kinh doanh và trả các khoản vay ngân hàng.
Hay Tập đoàn bảo hiểm Anbang - một tập đoàn bảo hiểm tư nhân khác - đã được nhà nước tiếp quản, trong khi người sáng lập Wu Xiaohui vào năm 2018 đã bị kết án 18 năm tù vì gian lận và biển thủ.
Ngoài ra, HNA Group - một tập đoàn hàng không và khách sạn - đã phải rút lại các thương vụ mua lại rầm rộ ở nước ngoài và bán tài sản.
Theo giới chuyên gia, một mặt các công ty công nghệ như Ant Group đại diện cho quá trình hiện đại hóa thành công của Trung Quốc và năng lực cạnh tranh toàn cầu ngày càng gia tăng. Một mặt khác, Bắc Kinh từ lâu đã chật vật với việc kiểm soát những công ty lớn này trong nền kinh tế.
Giới lãnh đạo Bắc Kinh không hài lòng về sự giàu có và sức ảnh hưởng mà các công ty này tạo dựng. Theo nguồn tin thân cận từ Bắc Kinh, giới chức lãnh đạo đặc biệt bày tỏ lo ngại rằng các doanh nhân có uy tín cao như ông Ma sẽ tiếp tục thu hút vốn khiến hệ thống tài chính gặp rủi ro lớn hơn.
Hiện nay, các cơ quan quản lý đang xem xét liệu Alipay hay bất kỳ lĩnh vực nào khác của Ant có đại diện cho sự cạnh tranh độc quyền hay không. Nếu có, họ cần hành động để chặn đứng những sai phạm của Ant Group.
"Tỷ lệ quốc hữu hóa ít nhất một vài bộ phận của công ty không phải là 0%", một cố vấn chính phủ ở Bắc Kinh nêu nhận định.