Tại sao các cây xăng găm hàng?
Nguyên nhân của hiện tượng “găm” hàng của các đại lý xăng dầu là cơ hội siêu lợi nhuận trong lĩnh vực phân phối xăng dầu, còn sự tồn tại của các cơ hội siêu lợi nhuận này là do cách làm giá xăng dầu.
Chưa phải là thị trường đích thực
Trong một thị trường đích thực, người bán hàng luôn muốn bán được hàng, còn khách hàng thì luôn được người bán hàng đối xử như thượng đế. Việc quan trọng nhất của Nhà nước là giữ cho các nguyên lý, quy luật thị trường được vận hành thông suốt, phát huy hiệu quả tối đa, không để cho ai, nhóm lợi ích nào cản trở, bóp méo chúng vì sự thiếu hiểu biết hoặc vì động cơ vụ lợi. Cho đến khi nào nó trở thành thị trường đích thực, Nhà nước buộc phải kiểm soát và can thiệp hữu hiệu, không thể quản lý “theo thị trường”. Muốn vậy thì trước hết phải hình thành thị trường đích thực đã, không thể quản lý theo “cái chưa có” được. Nếu thị trường đang còn ở tình trạng độc quyền (monopoly) hoặc bán độc quyền (oligopoly) thì việc quản lý “theo thị trường” chắc chắn sẽ dẫn đến sự rối loạn, hoặc lạm dụng, hoặc cả hai.
Đó là quan điểm quản lý kinh tế đơn giản, nhưng rất quan trọng đối với việc phân tích các vấn đề đã và đang nổi cộm của thị trường xăng dầu ở nước ta.
Người làm đại lý xăng dầu mà lại “găm” hàng, không muốn bán cho dân, kể cả khi phải chịu rủi ro hành chính (bị thu hồi giấy phép), thậm chí rủi ro hình sự (bị truy tố), thì chắc chắn ở đây chưa có thị trường đích thực.
Người ta “chê” mấy trăm đồng chiết khấu đại lý cho mỗi lít xăng dầu, điều này chỉ giải thích được bằng lý do duy nhất là họ đang chờ cơ hội được hưởng mấy ngàn đồng cho mỗi lít. Họ hy sinh cơ hội lợi nhuận hợp lý để có được cơ hội siêu lợi nhuận, còn cơ hội siêu lợi nhuận có được là nhờ thay đổi chính sách. Trong một thị trường chưa hoàn hảo, hầu hết các khoản siêu lợi nhuận là nhờ chính sách.
Cách làm giá xăng dầu hiện hành đã và đang tạo ra các cơ hội siêu lợi nhuận trong phân phối xăng dầu, trong khi đó các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối vẫn có thể bị lỗ nặng.
Siêu lợi nhuận trong phân phối xăng dầu đến từ đâu?
Từ 6 giờ chiều ngày 14/1/02010, theo quyết định của Bộ Tài chính, giá xăng là 16.400 đồng/lít.
Từ 10 giờ sáng ngày 24/2/2011, theo quyết định của Bộ Tài chính, giá xăng là 19.300 đồng/lít.
Từ 10 giờ đêm ngày 29/3/2011, theo quyết định của Bộ Tài chính, giá xăng là 21.300 đồng/lít.
Các đại lý khi bán xăng cho người dân theo giá này được hưởng chiết khấu bán lẻ 100 – 200 đồng/lít của doanh nghiệp đầu mối.
Nếu đại lý xăng dầu biết “tương đối chắc chắn” là Bộ Tài chính sắp quyết định tăng giá xăng lên tiếp (ví dụ lên 24.300 đồng/lít), họ có thể tính toán mua xăng từ doanh nghiệp đầu mối nạp đầy bồn bể, không bán ra mà ngồi chờ giá xăng tăng. Khi đó, ngoài chiết khấu 100 – 200 đồng/lít, đại lý còn được hưởng khoản chênh lệch giá 3.000 đồng/lít. Mức chênh lệch giá này quá cao, vì vậy họ sẵn sàng “hy sinh” khoản chiết khấu bán lẻ trong một thời gian ngắn để đổi lấy khoản siêu lợi nhuận này.
Đó là lý do làm nhiều đại lý “găm” hàng gây bức xúc, lo lắng cho người dân mà báo chí đã phản ánh kịp thời. Hiện tượng này đã xuất hiện gần thời điểm tăng giá xăng ngày 29/3/2011 và 24/2/2011.
Hiện tượng “găm” hàng của các đại lý và nỗi khổ của người dân sẽ còn tiếp tục chừng nào còn tồn tại cơ hội siêu lợi nhuận từ chênh lệch giá theo cách làm giá xăng dầu hiện nay.
Các nỗ lực chỉ đạo của Bộ Tài chính, Bộ Công thương, hoạt động kiểm tra, xử lý sai phạm từ phía các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, cơ quan quản lý thị trường, công an không thể giải quyết được vấn đề một cách tận gốc.
Ngoài ra, khi thông tin tăng giá xăng dầu bị “rò rỉ” thì không phải chỉ các đại lý xăng dầu “găm” hàng, mà các cá nhân, doanh nghiệp “thạo tin” cũng có thể bỏ vốn ra mua một số lượng xăng dầu lớn ngay trước thời điểm tăng giá để đầu cơ. Người dân thì đổ đầy bình xăng xe máy, ôtô, thậm chí có người còn tích trữ trong nhà, gây nguy cơ cháy nổ.
Cần lưu ý là các quyết định tăng giá xăng dầu của Bộ Tài chính đều có “giờ G” (6 giờ chiều ngày 14/1/2010, 10 giờ sáng ngày 24/2/2011, 10 giờ đêm ngày 29/3/2011…). Về nguyên tắc thì “giờ G” và mọi thông tin khác liên quan đến quyết định điều chỉnh giá xăng dầu phải được giữ bí mật để ngăn ngừa các hành vi đầu cơ. Nhưng giữ bí mật thông tin luôn luôn là việc khó. Đến bí mật quân sự, ngoại giao của Mỹ mà còn bị “rò rỉ” để Wikileaks phát tán cho toàn thế giới biết, nói gì đến bí mật giá xăng dầu ở nước ta? Trừ khi có cơ chế bảo mật chuyên nghiệp, điều gì mà có từ ba người trở lên biết là khó giữ bí mật.
Nếu theo đúng tinh thần nghị định 84 thì không có “giờ G” chung nào và quyết định tăng (hoặc giảm) giá xăng dầu nào của bộ Tài chính cả. Điểm 1(a) điều 27, nghị định 84 ghi rõ: “Thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán buôn; việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu được thực hiện theo nguyên tắc, trình tự quy định tại điều này. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước được quy định tại điểm 1(d) điều 27 chỉ là “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khi nhận được làm giá và phương án giá của thương nhân đầu mối, có trách nhiệm giám sát để đảm bảo việc điều chỉnh giá của thương nhân đầu mối thực hiện đúng quy định của pháp luật”. Theo đó, quyền quyết định giá là của doanh nghiệp xăng dầu, còn trách nhiệm giám sát là của cơ quan nhà nước, không phải ngược lại. Đồng thời, có “giờ G” riêng của từng doanh nghiệp xăng dầu, nhưng không có “giờ G” chung nào cho tất cả các doanh nghiệp xăng dầu. Doanh nghiệp nào không giữ được bí mật “giờ G” của mình thì chính doanh nghiệp đó sẽ bị thiệt hại (đại lý “găm” hàng thì thị phần, doanh số, lợi nhuận của doanh nghiệp bị giảm).
Nói tóm lại, nguyên nhân của hiện tượng “găm” hàng của các đại lý xăng dầu là cơ hội siêu lợi nhuận trong lĩnh vực phân phối xăng dầu, còn sự tồn tại của các cơ hội siêu lợi nhuận này là do cách làm giá xăng dầu. Việc có nhiều doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu là một điều kiện rất thuận lợi để xoá bỏ độc quyền trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, cách làm giá xăng dầu lâu nay vô hình trung gộp tất cả các doanh nghiệp cạnh tranh thành một “ông độc quyền tập thể” với giá bán xăng dầu giống nhau tại mọi thời điểm và do cơ quan nhà nước quyết định. Thị trường xăng dầu đã và đang bị độc quyền không phải vì thiếu nhà cung cấp (đã có tới 12 doanh nghiệp đầu mối), mà vì cơ chế.
Theo TS Lương Hoài Nam
SGTT