Tái cơ cấu ngân hàng: Chờ ngưỡng cửa 2015!
Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện Đề án đượcThủ tướng Chính phủ phê duyệt: Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015. Và những ngân hàng nằm trong diện tái cơ cấu đều phải thực hiện theo lộ trình.
Quyết liệt tái cơ cấu
Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 đã khẳng định: Sẽ rốt ráo xử lý căn bản tình trạng nợ xấu để đưa nợ xấu về mức độ an toàn và nâng cao chất lượng tín dụng; Tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính; phấn đấu hình thành một số ngân hàng thương mại có quy mô và trình độ tương đương khu vực. Và những ngân hàng nằm trong diện tái cơ cấu đều phải thực hiện theo lộ trình.
Lộ trình ấy không thể thực hiện một sớm một chiều mà phải được vạch rất rõ ràng và thực hiện từng bước, đơn cử như tại Ngân hàng NCB (Tiền thân là Navibank). Theo bà Trần Hải Anh, Tổng Giám đốc của NCB, Navibank trước đó có rất nhiều yếu kém. Do đó, ngân hàng phải tái cơ cấu lại hoạt động, nhân sự, thay đổi hạ tầng công nghệ, chuẩn hoá các nghiệp vụ, lành mạnh hóa tài chính để hướng tới hoạt động bền vững hơn, từng bước có hiệu quả. Đó là cả một quá trình khó khăn nội tại. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vừa trải qua những năm khủng hoảng, kế hoạch tái cơ cấu của Ngân hàng càng gặp nhiều khó khăn và thử thách hơn.
Từng bước đi của NCB cho thấy sự quyết liệt trong tái cơ cấu. Đó là đổi tên Navibank thành NCB, chuyển trụ sở ra Hà Nội, cả ngân hàng nỗ lực tăng tốc kinh doanh, xử lý nợ quá hạn và ổn định cơ cấu tổ chức. NCB đã triển khai hàng loạt hành động cụ thể để thực thi chiến lược mới như mở rộng và đẩy mạnh hệ thống bán lẻ với các các sản phẩm chiến lược là cho vay nhà ở, ô tô và hộ tiểu thương; triển khai ngân hàng điện tử đồng bộ và hiện đại; chuyển đổi mạng lưới, tăng cường các kênh phân phối; đổi mới phong cách và chất lượng dịch vụ; tăng cường xử lý nợ xấu; tiếp tục xây dựng hệ thống quản trị chuyên nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế; cải tiến quy trình kinh doanh, tăng cường quản trị rủi ro; thay đổi tổ chức, bổ sung nhân sự có chất lượng cao và tập trung công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ; thay đổi tên gọi và nhận diện thương hiệu mới.
Tất cả các nỗ lực đó đã mang lại những chuyển biến tích cực đến kết quả hoạt động của NCB. Năm 2014, ba mục tiêu lớn nhất mà NCB đạt được là huy động và cho vay tăng lần lượt 29,89% và 35,74% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt 59 tỷ đồng, đặc biệt tỷ lệ nợ xấu giảm trên 58%.
Tập trung vào sản phẩm chiến lược
Một bước quan trọng nằm trong kế hoạch tái cơ cấu của NCB là mạnh dạn đầu tư xây dựng chiến lược bài bản thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu và đẩy mạnh lĩnh vực bán lẻ. Đây là một trong những “điểm cộng” của ngân hàng này và được thị trường và giới chuyên môn đánh giá khá cao.
Theo lý giải của đại diện NCB, nhận diện thương hiệu mới của Ngân hàng tập trung vào màu xanh dương của sự an toàn, tin cậy và thân thiện và màu đỏ năng động, sáng tạo và linh hoạt cho logo thương hiệu của mình.
2 điểm giao dịch đầu tiên áp dụng hình ảnh mới mang màu xanh NCB là Phòng giao dịch số 1 của Chi nhánh Hà Nội và Sở giao dịch HCM. Ấn tượng ban đầu của khách hàng về hình ảnh mới của NCB rất tích cực, không gian giao dịch hiện đại, chuyên nghiệp và đẹp đẽ. Thiết kế nội thất đơn giản nhưng hiện đại với tông màu chủ đạo là màu xanh dương, tạo cảm giác an toàn, tin cậy và thân thiện.
Hình ảnh thương hiệu mới đánh dấu sự bắt đầu của một bước chuyển mình quan trọng tạo nên một hình ảnh NCB thống nhất, năng động. Đây là hình ảnh mà ngân hàng này đang tập trung nhằm hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hiệu quả nhất, lách vào những phân khúc, ngách thị trường để tìm đường đi riêng.
Từ một ngân hàng chủ yếu huy động vốn, hầu như không có sản phẩm nổi bật, NCB đã xây dựng được hệ thống sản phẩm tín dụng, tiết kiệm, thanh toán, ngân hàng điện tử đồng bộ và hiện đại, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu NCB, đặc biệt tập trung vào các sản phẩm chiến lược là cho vay mua nhà và xe. Hiện NCB triển khai chương trình “Vay nhanh – Lãi thấp” dành cho khách hàng cá nhân với 3 sản phẩm: Vay mua ô tô – Vay mua nhà – Vay hộ kinh doanh. Khách hàng được linh hoạt lựa chọn mức lãi suất ưu đãi đặc biệt chỉ từ 6%/năm cho 3 tháng đầu tiên hoặc 9%/năm cho 12 tháng.
Điểm đặc biệt là Ngân hàng này còn cam kết duy trì mức lãi suất hấp dẫn ngay cả sau thời gian ưu đãi, lãi suất vay bằng lãi tiết kiệm cộng biên độ thấp.
Chặng đường tái cơ cấu của NCB vẫn tiếp tục, nhưng có thể nhìn thấy những bước đi quyết liệt của lãnh đạo và nhân viên Ngân hàng này. Và những nỗ lực ấy đã được ghi nhận khi Ngân hàng nhận Bằng khen do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trao tặng vì có thành tích xuất sắc góp phần hoàn thành nhiệm vụ Ngân hàng năm 2014.
Tái cơ cấu ngân hàng đang bước vào giai đoạn nước rút và thời điểm cuối 2015 sẽ là lúc thích hợp nhất để nhìn nhận kết quả tái cơ cấu của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận sự quyết liệt của NHNN và quyết tâm của các Ngân hàng trong giai đoạn nước rút này.
Thu Lan