Tái cấu trúc nền kinh tế: Cần đạt sự bứt phá về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Trường Thịnh

(Dân trí) - Phát triển lực lượng doanh nghiệp; thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2025.

Diễn đàn "Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp" được Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức tại Hà Nội từ 13h30 - 17h00 ngày 14/12. Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS).

Tái cấu trúc nền kinh tế: Cần đạt sự bứt phá về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp - 1

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều dấu ấn tích cực trong tái cơ cấu nền kinh tế từ thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; đẩy mạnh công tác quy hoạch, cơ cấu lại ngành và vùng kinh tế, bước đầu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế…

Tuy nhiên theo ông Hoàng Quang Phòng, mặc dù đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, song việc triển khai cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 ở nước ta vẫn còn một số hạn chế. 

Mô hình tăng trưởng có thay đổi nhưng còn chậm. Tốc độ tăng năng suất lao động nội ngành chưa cao; đóng góp của tiến bộ khoa học công nghệ vào tăng năng suất lao động còn hạn chế. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành chưa rõ nét, chưa bền vững. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp. Các ngành công nghiệp chủ đạo như dệt may, da giày, điện tử Việt Nam có tỷ lệ nhập khẩu còn khá cao...

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương nhận định, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2026 là sự tiếp nối Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả, tạo ra nhiều thay đổi trong mô hình tăng trưởng, tăng năng suất, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV cuối năm 2020, Quốc hội sau khi thảo luận đã quyết định kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế sẽ tiếp tục được thực hiện trong giai đoạn mới, để kế thừa phát triển những thành tựu đã đạt được; cũng như giải quyết những thách thức bất cập của giai đoạn 2021-2025, đặc biệt khi Việt nam phải đương đầu với những khó khăn trong nội tại nền kinh tế; cũng như những khó khăn từ các cú sốc bên ngoài.

Theo bà Minh, về quan điểm chủ đạo, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm khác so với giai đoạn trước. Đáng chú ý, bà Minh chỉ ra, kế hoạch lần này đã thống nhất quan điểm cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để đảm bảo ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam thực hiện cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 với nhiều đột phá liên quan đến khoa học công nghệ.

"Ở góc độ cơ quan tham mưu, chúng tôi đã nhấn mạnh quan điểm Việt Nam cần phát triển nền kinh tế và sức cạnh tranh dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là một điểm hoàn toàn mới so với các văn bản trước khi góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt trong bối cảnh đối diện với đại dịch Covid-19", bà Minh cho biết thêm.

Tái cấu trúc nền kinh tế: Cần đạt sự bứt phá về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp - 2

TS Trần Thị Hồng Minh phát biểu tại Diễn đàn.

Theo TS Trần Thị Hồng Minh, một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch 2021-2021 là tạo ra khuôn khổ thể chế và môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển lực lượng doanh nghiệp. Bà Minh cho biết, bên cạnh những hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ thể chế cho doanh nghiệp là hỗ trợ quan trọng nhất.

"Khi tạo ra thể chế đúng, thể chế thuận lợi sẽ tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển vươn lên trong bối cảnh hiện nay", bà Minh nhấn mạnh. 

Trong thời gian tới, bà Minh cho rằng, phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị- nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; Cơ cấu lại các ngành theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế cùng cần là những mục tiêu cần phải nhấn mạnh hơn nữa để hướng nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững hơn trong tương lai. 

Tại hội nghị, TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp khẳng định: Việc tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam gắn liền với phục hồi và phát triển bền vững, do vậy bên cạnh việc thúc đẩy tiến độ bao phủ vắc xin để khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh thì cần tập trung vào các trụ cột quan trọng của phục hồi kinh tế là: Đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn; triển khai các chương trình đầu tư quy mô lớn, có tác động lan tỏa; nâng cao chất lượng thể chế chính sách, môi trường đầu tư; hỗ trợ phát triển thị trường lao động và đẩy nhanh đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề.

Tái cấu trúc nền kinh tế: Cần đạt sự bứt phá về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp - 3

"Về dài hạn, doanh nghiệp cần có chiến lược và lộ trình phát triển nhân lực thích ứng với bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; gắn kết, đồng hành với hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo bồi dưỡng nhân lực có kỹ năng nghề. Đồng thời, xây dựng cơ chế hợp tác trên cơ sở hài hòa lợi ích, cùng có trách nhiệm xây dựng mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp để thúc đẩy người sử dụng lao động phát triển nhân lực có kỹ năng, thích ứng với yêu cầu của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế", TS Trương Anh Dũng khuyến nghị.