Tái canh cây cà phê được rót vốn ưu đãi, dài hơi

(Dân trí) - Hiện Việt Nam là nước đứng thứ 2 trên thế giới về sản xuất cà phê và là nước xuất khẩu cà phê Robusta (cà phê vối) lớn nhất thế giới, trong đó Tây Nguyên là “thủ phủ“ của cây cà phê với sản lượng chiếm khoảng 92% sản lượng cà phê của cả nước.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành văn bản hướng dẫn triển khai chính sách cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và UBND 5 tỉnh Tây nguyên đề nghị phối hợp với ngành ngân hàng trong việc triển khai chương trình cho vay tái canh.

Chương trình được triển khai trên địa bàn 05 tỉnh Tây Nguyên là: Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai và Kon Tum dành cho các phương thức: tái canh theo phương pháp trồng tái canh, hoặc ghép cải tạo cà phê, trên cơ sở quy hoạch tái canh cà phê các địa phương khu vực Tây Nguyên từ nay đến năm 2020 đã được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) có mạng lưới hoạt động rộng khắp trên địa bàn Tây Nguyên, được lựa chọn là ngân hàng tham gia cho vay chương trình này. Nguồn vốn cho vay tái canh được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thông qua hình thức tái cấp vốn.

Tái canh cây cà phê được rót vốn ưu đãi, dài hơi.
Tái canh cây cà phê được rót vốn ưu đãi, dài hơi.

Cũng theo văn bản này, đối tượng được vay vốn là các tổ chức, cá nhân thực hiện tái canh cà phê tại địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Điều kiện vay vốn gồm tổ chức và cá nhân có tên trong danh sách thực hiện tái canh cà phê trên địa bàn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với Đề án tái canh cà phê tại các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời có giấy đề nghị vay vốn đính kèm phương án vay vốn và được ngân hàng thẩm định, quyết định cho vay theo quy định.

Theo đó, mức cho vay do khách hàng và ngân hàng thỏa thuận nhưng đối với phương pháp trồng tái canh cà phê mức vay tối đa là 150 triệu đồng/ha, thời hạn cho vay tối đa 08 năm, trong đó thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi là 4 năm tính từ thời điểm khách hàng và ngân hàng ký hợp đồng vay vốn. Đối với phương pháp ghép cải tạo cà phê mức vay tối đa là 80 triệu đồng/ha, thời hạn cho vay tối đa là 4 năm, trong đó thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi là 2 năm tính từ thời điểm khách hàng và ngân hàng ký hợp đồng vay vốn.

Một trong những điểm đáng chú ý mà văn bản nêu là lãi suất. Lãi suất cho vay trong thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi do NHNN công bố nhưng không vượt quá 7%/năm (trong năm 2015 mức lãi suất này là 7%/năm). Lãi suất cho vay sau thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi do NHNN công bố hằng năm trên cơ sở lãi suất lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng cho vay cộng biên độ 2,5%/năm.

Hiện Việt Nam là nước đứng thứ 2 trên thế giới về sản xuất cà phê và là nước xuất khẩu cà phê Robusta (cà phê vối) lớn nhất thế giới, trong đó Tây Nguyên là “thủ phủ“ của cây cà phê với sản lượng chiếm khoảng 92% sản lượng cà phê của cả nước. Trong năm 2014, sản lượng cà phê xuất khẩu ước đạt 1,73 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,62 tỷ USD. Cà phê đã thực sự trở thành cây trồng chủ lực, cây xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu đối với đồng bào các dân tộc Tây nguyên.

Tuy nhiên, cây cà phê Tây nguyên đang đối mặt với thách thức là tỷ lệ diện tích cà phê già cỗi cho năng suất, chất lượng thấp chiếm tỷ lệ khá cao và ảnh hưởng đến phát triển bền vững của cây cà phê Tây Nguyên.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cà phê già cỗi cần phải tái canh ở khu vực Tây Nguyên từ nay đến năm 2020 là khoảng 120 nghìn ha. Mặc dù vậy, việc tái canh các vườn cà phê già cỗi thời gian qua gặp khó khăn, bởi hai lý do: khi thực hiện tái canh thì hộ nông dân không có thu nhập trong khoảng thời gian từ khi bắt đầu tái canh đến khi thu hoạch (04 - 05 năm đối với phương pháp trồng tái canh và 01 - 02 năm đối với phương pháp ghép cải tạo).

Ngoài ra, chi phí cho việc tái canh cà phê khá lớn so với thu nhập của hộ nông dân, nếu vay theo cơ chế thương mại thông thường để tái canh với thời gian dài thì chi phí lãi vay người dân phải trả khá lớn trong khi thời gian này không có nguồn thu để bù đắp.

Nắm bắt được khó khăn của người trồng cà phê trong việc tái canh các vườn cà phê già cỗi của mình, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động phối hợp với các Bộ Ngành có liên quan xây dựng phương án tái canh cây cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây nguyên và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nguyễn Hiền


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”