1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

“Suối vàng trắng” ở Mộc Châu

(Dân trí) - Tại Việt Nam, Mộc Châu là vùng đất có thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp nhất để phát triển chăn nuôi bò sữa. Mộc Châu Milk là một trong số ít mô hình thành công vượt bậc trong hợp tác liên kết “4 nhà”, tạo sự phát triển bền vững.

Ở đây, doanh nghiệp làm “đầu tàu” thiết lập chuỗi liên kết sản xuất từ chăn nuôi hộ, kết hợp với các trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn để tạo ra sản phẩm sữa đạt chất lượng cao nhất, sạch nhất.

Dòng sữa mát lành giữa thảo nguyên

Vừa qua, chúng tôi có chuyến điền dã vùng chăn nuôi bò sữa Mộc Châu. Ông Đinh Công Đạo ở Tiểu khu Vườn Đào sở hữu trang trại chăn nuôi hơn 100 con bò sữa cho biết, trung bình mỗi ngày, thu về khoảng 10 tạ sữa tươi. Toàn bộ sữa tươi đạt chất lượng được Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) thu mua hết với giá ổn định 12.000 đồng/kg. Lợi nhuận mỗi năm của gia đình ông đạt ngót 1 tỷ đồng.

Không chỉ thu tiền tỷ từ bán sữa, nhiều chủ trang trại đã đầu tư hệ thống xử lý phân, vừa giúp đảm bảo khâu vệ sinh môi trường, vừa tạo ra khoản thu rất lớn. Ông Đạo cho hay, từ năm 2017, ông đầu tư gần 200 triệu đồng lắp đặt dây chuyền xử lý phân bò tự động thành sản phẩm phân ép khô. Mỗi ngày, trang trại sản xuất được 6 tạ phân bò khô, đóng bao bán với giá khoảng 2.000 đồng/kg. Riêng tiền bán phân bò cũng đem lại cho ông một khoản lợi nhuận không nhỏ mỗi năm.

Đến bất cứ trang trại chăn nuôi bò sữa nào ở Mộc Châu, chúng tôi cũng được chứng kiến những nàng bò khỏe mạnh xếp thành từng hàng đẹp đẽ trong chuồng. Các trang trại đều nằm giữa những thảo nguyên trồng cỏ rộng lớn,tạo ra không gian thoáng mát cho bò có thể sinh trưởng tốt nhất mà không bị dịch bệnh. Điền dã Mộc Châu, bất cứ ai cũng sẽ cảm nhận đượcnơi đây như một “Thiên đường Bò sữa trên đất Việt”. Ngoài sự ưu ái của thiên nhiên với điều kiện khí hậu tuyệt vời, đàn bò nơi đây còn nhận được sự quan tâm chăm sóc đặc biệt từ những người nông dân hiền hậu, giúp chúng tạo ra những giá trị có ích cho cuộc sống. Nhờ đó, mỗi ngày của đàn bò đều trôi qua bình yên, hạnh phúc như đang sống trên thiên đường.

“Suối vàng trắng” ở Mộc Châu - 1
Trang trại được đầu tư tiền tỷ cùng sự chăm sóc tận tình từ người nông dân giúp các nàng bò sống thoải mái nhất.

Ông Đặng Văn Thắm, chủ một trang trại ở Tiểu khu Vườn Đào 1, thị trấn Nông trường Mộc Châu cho hay, mỗi buổi sáng sớm và chiều muộn, ngay sau 2 ca vắt sữa bò, sữa được vận chuyển đến trạm thu mua gần đó. Từng trang trại phải chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng sữa của nhà mình. Công ty luôn tiến hành lấy mẫu xét nghiệm từng lô sữa thu mua, nếu phát hiện gia trại nào có sữa không đảm bảo tiêu chuẩn thì chủ trang trại đó sẽ bị phạt tiền, đền cả téc sữa 3-4 tấn.

Điển hình liên kết doanh nghiệp – nông dân

Ông Trần Công Chiến - Tổng Giám đốc Mộc Châu Milk cho biết, mô hình hoạt động của Công ty là liên kết chặt chẽ doanh nghiệp – nông dân theo chuỗi sản xuất khép kín, từ chăn nuôi, sản xuất sữa tươi; đến nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ các sản phẩm sữa. “Tôi từng đi đến nhiều nước trên thế giới để tìm hiểu mô hình chăn nuôi bò sữa. Mỗi nơi có một phương pháp khác nhau nhưng mô hình nông trại vẫn có nhiều lợi thế hơn. Khi người dân được sở hữu đàn bò, làm chủ trang trại, họ sẽ dốc lòng xây dựng và phát triển những tài sản đó. Chưa kể, chăn nuôi bò sữa cũng là công việc đòi hỏi nhiều kiến thức, bắt buộc những người chăn nuôi bò sữa cũng phải là những công nhân bậc cao”, ông Chiến nói.

“Suối vàng trắng” ở Mộc Châu - 2
Thảo nguyên Mộc Châu với điều kiện khí hậu mát mẻ, những đồng cỏ bao la là môi trường sinh trưởng tốt cho đàn bò sữa

Mộc Châu Milk hiện có khoảng 25.500 con bò sữa được nuôi tại 548 nông hộ. Bình quân mỗi trang trại hộ nông dân nuôi 42 con, hộ nuôi nhiều nhất trên 200 con bò sữa. Tất cả các hộ chăn nuôi bò sữa đều ký kết hợp đồng với Mộc Châu Milk, được công ty bao tiêu toàn bộ sữa đạt chất lượng, cung cấp thức ăn tinh, thức ăn TMR, hỗ trợ về kỹ thuật, thú y, an toàn dịch bệnh...

Theo đó, công ty cam kết thu mua hết sữa các hộ sản xuất ra đạt tiêu chuẩn chất lượng. Hợp đồng mua bán sữa nêu rõ các chỉ tiêu về tiêu chuẩn chất lượng sữa. Đồng thời, công ty xây dựng hệ thống quản lý đàn bò, đảm bảo chặt chẽ về nguồn gốc giống, lý lịch và khả năng sản xuất. Mỗi đơn vị chăn nuôi luôn có đội ngũ kỹ thuật theo dõi sát sao, sẵn sàng hỗ trợ các hộ nông dân khi cần, đảm bảo sữa luôn đạt chất lượng công ty đề ra.

Nhằm đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi, Công ty liên kết với các xã, bản của huyện Mộc Châu và huyện Vân Hồ trong việc cung cấp thức ăn thô xanh cho đàn bò.Hàng năm, công ty mua 185.000 tấn ngô cây làm thức ăn ủ chua, hàng chục nghìn tấn ngô hạt khô để chế biến thức ăn hỗn hợp, với tổng giá trị trên 300 tỷ đồng/năm.

Đồng thời, chăn nuoi bò sữa ngày càng phát triển đã tạo công ăn việc làm cho 3.000 – 4.000 lao động là người dân tộc ở địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc H’Mông, Dao, Thái, Mường có thu nhập ổn định. Nhiều bà con dân tộc đã nắm bắt được quy trình chăn nuôi, vận hành thành thạo máy móc công cụ, máy vắt sữa. Với các hoạt động trên đã góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo cho người dân ở các vùng lân cận, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số.

Nhờ liên kết và quản lý chặt chẽ chất lượng sữa, nông dân nuôi bò sữa luôn được tiếp cận với nền chăn nuôi tiên tiến, có nhiều kinh nghiệm nên đàn bò sữa của Mộc Châu Milk tăng nhanh và phát triển bền vững trong những năm qua. Ngành chăn nuôi bò sữa được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Sơn La và huyện Mộc Châu.

Mô hình phát triển của Công ty với chuỗi liên kết sản xuất từ chăn nuôi hộ, kết hợp với các trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn, gắn với nhà máy chế biến và công tác thị trường là hoàn toàn đúng đắn và bền vững. Trong điều kiện Việt Nam không phải là đất nước có điều kiện tối ưu về nuôi bò, qua câu chuyện của Công ty sữa Mộc Châu – doanh nghiệp đi tiên phong trong chăn nuôi bò sữa, Việt Nam đã chứng minh rằng chúng ta không chỉ làm tốt ngành sữa mà tới đây, sẽ là một trong những cường quốc trong khu vực về sữa.

Mô hình phát triển của Mộc Châu Milk được đánh giá trên nhiều khía cạnh: Đột phá trong ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng hệ quy trình chăn nuôi bò sữa, từ đó đạt được kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội… Theo đó, Mộc Châu là vùng đất có thời tiết đẹp nhất Việt Nam, phù hợp nhất để chăn nuôi bò sữa, đất đai phì nhiều màu mỡ, lại có bề dày kinh nghiệm, do đó phải tiếp tục phát triển năng suất bò sữa. “Nhắc đến cao nguyên Mộc Châu, đến Sơn La là nhắc đến sản vật sữa tươi quý giá mang tầm khu vực, quốc tế.

Chu Khôi