1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

"Sức khỏe" nền kinh tế nhìn từ mùa bánh Trung thu

(Dân trí) - Không khí đìu hiu, ế ẩm bao trùm thị trường bánh trung thu năm nay như một phần của bức tranh nền kinh tế chưa thoát khỏi khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu trong khi các doanh nghiệp giảm lương, bớt việc.

Một sạp bánh trung thu vắng khách tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Một sạp bánh trung thu vắng khách tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Dịp lễ trung thu đã bước sang ngày cuối cùng với không khí đìu hiu, ế ẩm bao trùm khắp thị trường. Hãng tin Bloomberg (Mỹ) trong bài báo đăng tải sáng nay, đúng dịp 15/8 âm lịch, đã mô tả lại khá chi tiết về không khí thị trường bánh trung thu năm nay. 

Đó là buổi trưa trong một ngày gần đây, khi phóng viên tờ báo tới thăm một ki-ốt bánh trung thu bày bán bên vỉa hè tại một con phố đông đúc ở Hà Nội, thậm chí, ki-ốt này chưa hề bán được một chiếc bánh nào. 

Chị nhân viên đứng quầy Nguyễn Thị Hạnh than thở, “Tôi sợ là bánh trái ế ẩm thế này, tiền thưởng cũng bị giảm”. Mặc dù, một chiếc bánh nướng nhân đậu xanh ở đây chỉ có giá 36.000 đồng (khoảng 1,7 USD) nhưng doanh số bán đến ngày 3/9 của ki-ốt mới chỉ bằng phân nửa so với năm ngoái. “Nếu tình hình cứ tiếp diễn này, tôi nghĩ chắc không thể nào mà đáp ứng được định mức công ty giao”, chị Hạnh nói.

Theo nhận định của Bloomberg, sự ế ẩm của mặt hàng này ngay trong những ngày sôi động nhất của mùa lễ trung thu phần nào cho thấy bức tranh tiêu dùng của nền kinh tế Việt Nam.

Theo đó, tăng trưởng doanh thu bán lẻ 8 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ các năm trước đã xuống mức thấp nhất kể từ 2004 do xu hướng cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ của người dân từ những mặt hàng xa xỉ như xe hơi, tivi màn hình phẳng cho đến những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm.

Nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với một thực trạng chung là hàng tồn kho của doanh nghiệp chất đống trong khi nợ xấu vẫn gia tăng, thị trường bất động sản khó khăn và tình trạng thua lỗ trở nên phổ biến.

Doanh thu bán lẻ chiếm 60% GDP

Đánh giá về tình hình này, ông Alan Phạm, Kinh tế trưởng tại VinaCapital – công ty quản lý quỹ lớn nhất nước cho rằng, “Nếu mọi người không mua sắm thì cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp không tiêu thụ được hàng hóa, doanh thu sụt giảm trong khi chi phí lãi vay vẫn tiếp tục phát sinh”. Ông Alan cho rằng, sự sụt giảm của doanh thu bán lẻ chính là “một nguy cơ đối với nền kinh tế” và “tăng trưởng GDP sẽ không thể phục hồi nếu ngành bánh lẻ gặp khó khăn”.

Theo ước tính của ông Alan, phần đóng góp của doanh thu bán lẻ chiếm khoảng 60% trong cơ cấu GDP Việt Nam.

Trong nửa đầu năm nay, tăng trưởng GDP cả nước chỉ đạt 4,9% so với cùng kỳ và theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đây sẽ lần đầu tiên Việt Nam có 3 năm liên tiếp tăng trưởng dưới 6% kể từ 1988.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng tiêu dùng tư nhân tại Việt Nam trong năm 2012 đã giảm xuống còn 3,5% từ mức 4,7% của năm 2011. Trong khi đó, tại Malaysia, tỷ lệ này là 7,7% và Indonesia là 5,3% trong năm 2012.

Bloomberg cho rằng, một phần nguyên nhân khiến người dân “thắt lưng buộc bụng” là do quan ngại về lạm phát. Trong tháng 8, lạm phát đã tăng trở lại với mức 7,5% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ tháng 5/2012.

Theo Tổng cục Thống kê, nếu bao gồm yếu tố giá, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 8 tháng đầu năm tăng 12,3% so với cùng kỳ - thấp nhất trong vòng ít nhất 9 năm trở lại đây. 

Còn nếu trừ đi yếu tố giá thì tỉ lệ này chỉ còn 5,1%, giảm mạnh so với con số 6,8% của cùng kỳ 2012. Vừa rồi, chỉ số Nhà quản trị mua hàng của Việt Nam do HSBC và Markit Economics công bố vẫn dưới ngưỡng 50, cho thấy điều kiện sản xuất của Việt Nam vẫn xấu hơn so tháng trước và là tháng thứ 4 liên tiếp chỉ số này dưới mức trung bình.

Thu nhập giảm, thắt chi tiêu

Dẫn nhận định của chuyên gia kinh tế Trinh Nguyen tại ngân hàng HSBC, Bloomberg cho biết, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thu nhập của người lao động tại Việt Nam đang thu hẹp lại giữa lúc sức mua yếu, nhu cầu về hàng hóa, đặc biệt là đối với hàng chế tạo giảm tốc mạnh.

So với những công ty cùng ngành nghề khác trong khu vực, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các công ty hàng tiêu dùng ở Việt Nam lép vế hơn. Nếu như tăng trưởng lợi nhuận trung bình của các doanh nghiệp Việt Nam là 11% thì con số này của các doanh nghiệp Thái Lan là 16% và Indonesia là 15%. Chẳng hạn, nếu tăng trưởng của Tập đoàn Masan Group đạt 4% thì một doanh nghiệp mỳ ăn liền ở Thái Lan President Rice Products là 18%.

Trong khi ông Trần Kim Thành, Chủ tịch hãng bánh Kinh Đô dự đoán hoạt động bán hàng trong mùa Trung thu này sẽ đạt khả quan thì chuyên gia phân tích tại CTCK Saigon lại cho rằng, triển vọng cho ngành công nghiệp tiêu dùng là “không tích cực” do doanh số bán hàng tiêu dùng nói đang chậm lại và lực cầu yếu ớt.

Giữa bối cảnh này, các doanh nghiệp trong nước đã phải gia tăng việc cắt giảm việc làm và tiền lương nhân viên. Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam tại thời điểm cuối tháng 6/2013 đã lên mức 2,3%, tăng so với mức 1,96% hồi đầu năm. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động trong nửa đầu năm đã tăng 12% so với cùng kỳ.

“Bây giờ, hầu như mặt hàng nào người ta cũng mua ít hơn trước”, chị Lê Thị Hảo, 46 tuổi, một tiểu thương bán trái cây ở lề đường nói. Chị Hảo cũng là một trong những nhân viên tạp vụ thuộc diện cắt giảm của một nhà máy sản xuất thực phẩm hồi năm ngoái.

Theo một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu TNS đối với 500 hộ gia đình sinh sống tại thành thị (thực hiện hồi năm ngoái) thì người dân đã thực hiện cắt giảm dần cả những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và thậm chí là giấy vệ sinh.

79% những người tham gia khảo sát cho biết, trong năm 2013 này, họ sẽ giảm chi tiêu hoặc sẽ giữ nguyên mức chi tiêu bằng năm ngoái đối với những sản phẩm gia dụng, trong 25% cho biết sẽ cắt giảm chi tiêu cho dịch vụ.

Chị Trần Thị Hồng Mai hiện đang là một nhân viên kế toán cho biết, hồi cuối năm ngoái, chị đã bị giảm lương tới 40% và do đó, việc chi tiêu buộc phải có những điều chỉnh khá lớn. Chị chia sẻ, thay vì những món hàng ngoại nhập đắt tiền trước đây, chị đã chuyển qua mua những mặt hàng sản xuất trong nước. Đồng thời, hàng ngày, chị còn mang hộp cơm từ nhà lên văn phòng cho bữa trưa.

Dịp lễ trung thu năm nay, chị Mai cũng chỉ mua bánh tại các ki-ốt bên đường chứ không phải đặt bánh tại các khách sạn như trước đó. “Lạm phát thì cao mà lương lại giảm, chúng tôi chỉ còn cách chi tiêu dè xẻn hơn mà thôi”, chị Mai vừa nói vừa cầm lên một hộp bánh trung thu có giá 140.000 đồng. “Những ngày này, tôi chỉ tập trung chi tiêu cho những mặt hàng cần thiết hơn như sữa và sách vở cho con cái mà thôi”.

Mai Chi
Theo Bloomberg