Bình Định:
Sửa chữa tàu vỏ thép tiếp tục trễ, ngư dân yêu cầu doanh nghiệp bồi thường
(Dân trí) - Ngày 30/10 là hạn cuối để 2 công ty khắc phục xong sự cố tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67 hư hỏng tại Bình Định. Nhưng đến nay, nhiều tàu vẫn chưa được sửa chữa xong khiến ngư dân khốn đốn vì tàu nằm bờ quá lâu.
Theo Sở NN&PTNT Bình Định, sau khi bàn giao 7 tàu cá cho ngư dân, Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã lên đà tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan 4 tàu cá của các ngư dân: Trần Đình Sơn (huyện Phù Mỹ); Thái Văn Duyệt, Nguyễn Công Quý, Trần Minh Vương (huyện Phù Cát) để sửa chữa. Đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật cùng với các ngư dân: Trần Văn Hạo, Trương Hoài Khánh (TP Quy Nhơn); Đinh Công Khánh, Lê Văn Thãi (huyện Phù Cát) đưa 4 tàu cá vào Cam Ranh (Khánh Hòa) để sửa chữa.
Nhiều tháng qua, ngư dân Lê Văn Thãi, chủ tàu vỏ thép BĐ 99016 TS (đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu) phải gác tất cả mọi việc gia đình, lo chạy đôn chạy đáo, yêu cầu doanh nghiệp nhanh chóng sửa chữa tàu đúng thời hạn (ngày 30/10).
Ông Thãi lo lắng cho biết: “Tàu đã được đưa vào Cam Ranh (Khánh Hòa), nhưng chưa thể lên đà sửa chữa. Cứ tình trạng này, tôi sợ đến năm 2018 mới hoàn thành việc sửa chữa. Tổng thiệt hại của gia đình tôi đã hơn 2 tỷ đồng, tôi yêu cầu công ty phải bồi thường cho chúng tôi vì đây là lỗi của công ty”.
Cùng chung cảnh ngộ, ngư dân Đinh Công Khánh (trú xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99086 TS (đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu) vẫn bị chôn chân vì tàu hư hỏng. “Đến nay, tổng thiệt hại nằm tàu bờ gần 3 tỷ đồng nhưng ai sẽ đền cho chúng tôi. Ngân hàng thì liên tục đòi nợ, trong khi phía Công ty đóng tàu chưa nói gì. Tôi sẽ làm đơn gửi ra Trung ương, nhờ can thiệp giải quyết cho ngư dân”- ông Khánh chia sẻ.
Ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Nam Triệu cho biết: “Với 4 tàu cá sửa chữa tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan, chúng tôi đang tiến hành đại tu, thay thế các thiết bị phụ tùng máy thủy chính hiệu Doosan. Còn 4 tàu cá sửa tại Cam Ranh, Công ty cũng sẽ thay 4 máy thủy chính hiệu Mitsubishi 940 CV và sửa chữa, sơn lại phần vỏ tàu. Tuy nhiên, do thời gian gần đây mưa nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ sửa chữa, nhất là đối với công đoạn sơn vỏ tàu cá, nên rất khó hoàn thành bàn giao 8 tàu này cho ngư dân trước ngày 30/10 như kế hoạch đã đề ra”.
Về việc ngư dân yêu cầu bồi thường thiệt hại trong thời gian tàu nằm bờ, ông Hùng nói: “Chúng tôi đang tập trung khắc phục, sửa chữa tàu cho dứt điểm nên việc đền bù sẽ chờ báo cáo sau”.
Trong khi đó, 5 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương thì đến nay mới sơn sửa xong và bàn giao 1 tàu cho ông Võ Tuân (ở xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ), còn 4 tàu cá khác vẫn còn dở dang.
Nhiều tháng nay, tàu vỏ thép BĐ 99567 TS bị hư hỏng được đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) của ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (58 tuổi, trú huyện Phù Mỹ, Bình Định) vẫn chưa được khắc phục xong.
Để sở hữu con tàu này, ông Mạnh phải vay ngân hàng hơn 15 tỷ đồng. Thế nhưng, sau khi nhận bàn giao được một thời gian thì liên tiếp xảy ra sự cố, hư hỏng. “Tôi mệt mỏi quá rồi. Cả đời đi biển, đối mặt với sóng dữ, tôi chẳng ngán, nhưng giờ tàu hỏng, ngư dân nằm bờ trong khi còn quá nhiều nỗi lo. Lo khoản nợ ngân hàng không trả nổi, tôi nghĩ đến viễn cảnh trả lại tàu đi tù cho xong” - ông Mạnh buồn bã nói.
Liên quan đến vấn đề trên, tại rất nhiều cuộc họp giải quyết tình trạng tàu vỏ thép 67 hư hỏng, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định liên tục đưa ra quan điểm yêu cầu 2 doanh nghiệp đóng tàu là Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu cần nhanh chóng khắc phục sự cố và đền bù thiệt hại, tổn thất cho ngư dân nằm bờ. Đồng thời, kiến nghị Bộ công an vào cuộc và sớm có kết quả điều tra, xử lý sai phạm để lấy lại niềm tin cho ngư dân.
Doãn Công