Sự thật về cuộc sống tại nơi ô nhiễm nhất thế giới

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Vereeniging, trung tâm công nghiệp của Nam Phi, hiện có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới. Điều này gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho người dân và quá trình chuyển đổi xanh của nước này.

Vereeniging, thị trấn trong khu công nghiệp Vaal Triangle, là địa điểm phát hiện ra than đá từ năm 1878. Các doanh nghiệp đã nhanh chóng tận dụng nguồn tài nguyên này để thành lập khu vực công nghiệp tập trung nhất Nam Phi. 

Kể từ đó, Vereeniging thường xuyên ghi nhận chỉ số bụi mịn PM2.5 cao nhất thế giới. PM2.5 là những hạt bụi siêu nhỏ có thể thâm nhập sâu vào phổi, dẫn đến ung thư và các vấn đề tim mạch. 

Những hạt bụi này được thải ra từ các nhà máy công nghiệp nên chứa kim loại nặng và các độc tố khác có hại hơn nhiều so với bụi thông thường, theo Ranajit Sahu, nhà nghiên cứu chất lượng không khí tại Nam Phi.

Nguồn phát thải chính đến từ 3 nhà máy công nghiệp lớn là nhà máy điện than Lethabo, nhà máy luyện thép Vanderbijlpark và nhà máy hóa dầu Sasol. Các nhà máy này sẽ sử dụng than đá, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên để sản xuất năng lượng và nguyên liệu.

Các nhà máy công nghiệp cũ này cũng thiếu các thiết bị kiểm soát ô nhiễm. Công ty điện lực Eskom Holdings và công ty hóa dầu Sasol cho biết rằng họ không đủ khả năng hay không gian để lắp đặt các thiết bị theo quy định pháp luật để giảm thiểu ô nhiễm.

Sự thật về cuộc sống tại nơi ô nhiễm nhất thế giới - 1

Vanderbijlpark, nhà máy thép lớn nhất Châu Phi (Ảnh: Bloomberg).

Trong khi đó, Chính phủ lại chưa thực hiện được các biện pháp hiệu quả để giảm thiểu ô nhiễm không khí. Đồng thời, tình trạng bất ổn của các khu tự quản khiến việc thu gom rác thải bị đình trệ, buộc người dân phải tự đốt rác thải sinh hoạt khiến tình trạng ô nhiễm trở nên tệ hơn.

Ô nhiễm không khí tại Vaal Triangle làm gia tăng các bệnh về đường hô hấp và khiến hàng trăm người tử vong mỗi năm. Cư dân địa phương, đặc biệt là trẻ em và người già phải chịu đựng hàng loạt vấn đề sức khỏe như ho, khó thở, hen suyễn và các bệnh tim mạch.

Trước tình hình đó, cộng đồng quốc tế đang gia tăng áp lực buộc các công ty Nam Phi phải cải thiện hoạt động sản xuất. Chính phủ Nam Phi tuyên bố đã đạt được tiến bộ về chất lượng không khí, với một số công ty lớn đã thực hiện các bước để giảm thiểu khí thải. 

Nhà máy hóa dầu Sasol thông báo đã cắt giảm 75% lượng khí thải bụi mịn kể từ năm 2000. Trong khi đó, công ty điện lực Eskom Holdings đang cân nhắc một chương trình tương tự để bù đắp lượng khí thải.

Mặc dù có những nỗ lực cải thiện, nhưng người dân địa phương vẫn đang phải gánh chịu hậu quả của ô nhiễm không khí. Họ kêu gọi các công ty chịu trách nhiệm và bồi thường cho những thiệt hại về sức khỏe và môi trường.

Chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn, ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch là thách thức lớn đặt ra với khu công nghiệp trọng điểm Vaal Triangle. Quá trình chuyển đổi có thể làm tăng tỷ lệ thất nghiệp trong ngắn hạn do nhiều lao động phụ thuộc vào nền kinh tế cũ.

Trước tình hình đó, một số quốc gia dự kiến sẽ tài trợ khoảng 9,3 tỷ USD để giúp Nam Phi chuyển đổi từ than sang năng lượng tái tạo.

Theo Bloomberg