Sự quyết liệt của bác Đỗ Mười với công trình đường dây 500kV
Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết: bác Đỗ Mười là người tạo động lực mạnh mẽ cho thành công của công trình đường dây 500kV Bắc – Nam. Ấn tượng nhớ nhất của ông là được đón bác Đỗ Mười trên công trường vào năm 1993.
Ông Trần Viết Ngãi chia sẻ, ông là người may mắn được tiếp xúc nhiều lần với bác Đỗ Mười, từ khi bác làm Bộ trưởng, rồi làm Thủ tướng, Tổng Bí thư và đến lúc về hưu. Trong đó, những kỷ niệm mà ông Ngãi còn nhớ là khi gặp bác Mười chỉ đạo xây dựng công trình thủy điện ở Hà Tĩnh từ những năm 1964 - 1965. Khi đó, Nghệ An đã có thủy điện Bến Thủy nhưng nếu bác Mười không quyết liệt thì Hà Tĩnh khi đó cũng chưa có điện.
Năm 1991, ông Ngãi tham dự Đại hội Đảng toàn quốc cũng là Đại hội ông Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư (Ảnh: TVN)
“Năm 1991, tôi là đại biểu của tỉnh Quảng Ngãi được cử đi dự Đại hội Đảng toàn quốc, khi đó cũng là thời điểm bác Mười được bầu làm Tổng Bí thư nên tôi vẫn nhớ như in những ngày đi dự Đại hội này và đến nay, tôi vẫn còn giữ được thẻ dự Đại hội”, ông Ngãi chia sẻ.
Ông Ngãi cho rằng lần gặp bác Mười khiến ông ấn tượng nhất trong cuộc đời chính là thời điểm ông Ngãi đang giữ chức vụ Phó Tổng chỉ huy xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam, kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty xây lắp điện 3, trực thuộc Bộ Năng lượng.
“Tôi còn nhớ, khi đó là vào tháng 5 năm 1993, bác Mười vào thăm công trường xây dựng tại Cầu Đỏ huyện Hòa Vang TP. Đà Nẵng. Đây là công trình số 1 của Việt Nam, từ xưa đến nay chưa từng có. Khi đó, được sự động viên khích lệ tinh thần của bác, các anh em tham gia vào xây dựng công trình thế kỷ này đã có thêm động lực để vượt qua những khó khăn, thách thức đưa tiến độ của công trình về đích”, ông Ngãi nói.
Lần gặp bác Đỗ Mười khiến ông Trần Viết Ngãi ấn tượng nhất chính là vào năm 1993 khi ông Ngãi đang chỉ huy tại công trường xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam (Ảnh: TVN)
Cũng theo ông Ngãi, nhờ sự ủng hộ và quan tâm cổ vũ động viên của Bác Mười, các anh em đã nỗ lực triển khai nên công trình này đã hoàn thành trong vòng 2 năm với chiều dài hơn 1.500 km. Cá nhân ông Ngãi sau khi hoàn thành công trình cũng đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Nhất.
Ông Ngãi cho biết, bác Mười là người tâm huyết, có tư tưởng lớn với ngành công nghiệp Việt Nam, trong đó có điện lực, khai thác than, dầu khí, công nghiệp nặng... Đặc biệt ngành cơ khí được bác Mười hết sức quan tâm, do đó, những năm 70 – 80 của thế kỷ trước, ngành cơ khí của Việt Nam phát triển rất mạnh. Cơ khí được đưa vào Nghị quyết TƯ Đảng khóa VII phát triển ngành công nghiệp nói chung và cơ khí nói riêng.
Đến những năm 89 – 90 của thế kỷ trước thì ngành cơ khí phát triển rất thịnh vượng, Cơ khí Hà Nội, Cơ Khí Trần Hưng Đạo… một loạt nhà máy làm ăn rất tốt. Thời điểm đó, Việt Nam đã chế tạo được các máy công cụ như máy phay, máy bào, máy tiện…và hàng loạt các máy phục vụ cho nông nghiệp như máy xay xát, gặt đập…
Ông Ngãi cũng cho biết, ở thời kỳ đó ông may mắn được đi cùng bác Mười tham quan nhiều nơi, nhiều nhà máy để từ đó đưa ra các phản biện, thiết kế các dự án. Chính vì thế, sau này đã có hàng loạt các nhà máy ra đời và đưa vào hoạt động đem lại hiệu quả kinh tế rất tốt.
“Trong lĩnh vực công nghiệp ở nước ta, vai trò của bác Đỗ Mười rất lớn, tư tưởng lớn, ý chí lớn có tầm nhìn xa trông rộng và tư duy sáng tạo, đổi mới…”, ông Ngãi nói.
Không chỉ quyết liệt trong công việc, bác Đỗ Mười còn là người rất gần gũi với người lao động. Ở thời kỳ đó, bác Đỗ Mười đã xuống tận nơi xem anh em ngành than vất vả, khó khăn, khổ sở với cường độ lao động trong hầm lò như thế nào; chế độ ăn uống và ăn giữa ca có đảm bảo đủ dinh dưỡng để tái tạo sức lao động không,…
“Có thể nói, vai trò của bác Mười rất quan trọng trong việc đưa lĩnh vực công nghiệp phát triển lên tầm cao mới, kể cả ngay từ thời làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng, sau đó lên Phó Thủ tướng và đặc biệt là khi làm Tổng Bí thư”, ông Ngãi nhắc lại.
“Thời điểm chuẩn bị quyết định chủ trương đầu tư xây dựng đường dây 500 kV Bắc – Nam cũng có những quan điểm trái chiều ở các cấp lãnh đạo quản lý và cả những nhà khoa học. Tuy nhiên, bác Đỗ Mười lại rất ủng hộ nên đã tạo động lực cho bác Võ Văn Kiệt có những quyết định táo bạo, mạnh mẽ để xây dựng công trình đường dây 500kV được coi là công trình “thế kỷ” của Việt Nam và thậm chí là cả thế giới”, ông Ngãi nói.
Theo Thanh Xuân
Dân Việt