1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đồng Nai:

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Hàng ngàn trang trại nguy cơ bị “vạ lây”!

(Dân trí) - Kết quả kiểm tra với 14/48 mẫu dương tính với chất cấm thuộc nhóm Benta – Agonist (chất tạo nạc) khiến hàng ngàn trang trại nuôi heo tại Đồng Nai đứng trước nguy cơ bị “vạ lây” khi người tiêu dùng dè chừng, “ngoảnh mặt” với sản phẩm này.

“Điểm mặt” trang trại nuôi heo sử dụng chất cấm

heo2-f4dad
Hàng ngàn trang trại nuôi heo tại Đồng Nai có nguy cơ bị vạ lây vì một vài trang trại bị phát hiện sử dụng chất cấm

Chất tạo nạc đã bị cấm từ lâu, không được sử dụng trong chăn nuôi vì gây nguy hại cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, vì lợi nhuận nhiều trang trại tại Đồng Nai vẫn lén lút sử dụng.

Mới đây nhất trong lần kiểm tra đợt 2 (năm 2015), Chi cục thú y Đồng Nai đã phát hiện có 14/48 mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol, thuộc nhóm Benta - Agonist . Như vậy so với cả năm 2014, chỉ trong lần kiểm tra đợt 2 này số mẫu dương tính với chất tạo nạc đã tăng gấp đôi. Bởi trong năm 2014, qua kiểm tra hai đợt với tổng số 52 mẫu, thì cơ quan chức năng cũng có 6 mẫu phát hiện dương tính với chất cấm.

14 trang trại bị phát hiện sử dụng chất cấm thuộc nhóm Benta – Agonist trong lần kiểm tra đợt 2 năm 2015 tại Đồng Nai gồm: 5 trang trại của các hộ nuôi tại huyện Vĩnh Cửu là Trần Thanh Nghị, Bùi Thị Sáu, Nguyễn Thành An, Nguyễn Khoa Hồ, Trịnh Minh Tâm (đều ngụ thị trấn Vĩnh An); huyện Trảng Bom có 5 trang trại gồm Phạm Trà, Phan Thanh Canh (xã Tây Hòa), Trần Thanh Phong, Phạm Mai Trang, Nguyễn Hữu Trung (xã Đông Hòa); huyện Xuân Lộc có 3 trang trại gồm Phạm Đình Trúc, Huỳnh Thanh Sơn (xã Suối Cao), Nguyễn Đức Minh (xã Xuân Định); huyện Long Thành có 1 trang trại của hộ Trần Thanh Liêm (xã Bàu Cạn).

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú ý Đồng Nai, hiện tượng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhất là chất tạo nạc cho heo đang có xu hướng diễn biến phức tạp. Nghiêm trọng hơn, việc sử dụng chất cấm diễn ra ở hầu hết các trang trại lớn với quy mô hàng trăm con heo trở lên.

“Các mẫu xét nghiệm được lấy ngẫu nhiên và phát hiện dương tính với chất tạo nạc trong thời gian qua được lấy từ các đàn heo của một số trang trại lớn với quy mô hàng trăm con trở lên. Qua kiểm tra hầu hết chất cấm đều được các trang trại lén lút sử dụng trong quá trình phối trộn thức ăn ngay tại mỗi trang trại”, ông Quang khẳng định.

Cũng theo ông Quang, chất cấm được các trang trại sử dụng chủ yếu do các thương lái cung cấp cho người nuôi với mục đích làm cho heo đẹp hơn để bán với giá cao. “Đối với heo sử dụng chất tạo nạc thường có giá bán cao hơn heo bình thường khoảng 2.000 đồng/kg, các trang trại lớn với quy mô hàng trăm con thì nguồn lợi nhuận thu lại là không hề nhỏ. Do đó, nhiều chủ trang trại dù biết sử dụng chất cấm là vi phạm pháp luật, nhưng vì lợi nhuận trước mắt mà họ bất chấp, vẫn sử dung” - Ông Quang chia sẻ.

Chế tài xử lý chất cấm trong chăn nuôi còn quá nhẹ?

heo-01239
Việc các hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng

Đồng Nai là địa phương có đàn heo lớn nhất trong cả nước với số lượng khoảng 1,4 triệu con. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, nhiều trang trại lén lút sử dụng chất cấm có nguy cơ khiến cho hàng ngàn trang trại và người nuôi heo chân chính bị “vạ lây”.

Bài học 3 năm về trước đối với nhiều người nuôi heo vẫn còn đó. Năm 2012, khi thông tin một số người nuôi heo sử dụng chất tạo nạc đã khiến người tiêu dùng bất an, quay lưng với thịt heo khiến giá heo rớt thê thảm. Kéo theo đó, hàng chục trang trại đã phải “treo chuồng” vì thua lỗ. Sau một thời gian bình lặng, thị trường thịt heo vừa lấy lại “cân bằng” thì việc liên tiếp phát hiện nhiều trang trại sử dụng chất cấm khiến nguy cơ người tiêu dùng tẩy chay thịt heo Đồng Nai là rất lớn.

“Người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phấm, nếu sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe thì họ sẵn sàng tẩy chay” - Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai bày tỏ lo ngại.

Cũng theo ông Công việc xử lý vi phạm đối với các hộ chăn nuôi bị phát hiện sử dụng chất cấm hiện nay là chưa đủ mạnh và chưa đủ sức răn đe. Với số tiền xử phạt tối đa 15 triệu đồng/hộ, đồng thời tạm giữ đàn heo giao cho địa phương quản lý. Sau đó tiếp tục lấy mẫu đưa đi xét nghiệm tiếp, nếu không còn chất cấm thì cho đưa ra thị trường tiêu thụ.

“Với mức phạt này so với nguồn lợi nhuận mà việc sử dụng chất cấm mang lại thì chẳng thấm thía vào đâu. Qua đó có thể nhận thất, chế tài cho hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi còn quá nhẹ, chưa thể đủ sức răn đe. Việc lén lút sử dụng chất cấm chính là việc người chăn nuôi đang tự làm hại người chăn nuôi” - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai nhìn nhận.

Ông Công cũng kiến nghị: “Để bảo vệ quyền lợi của người chăn nuôi chân chính, theo tôi, đối với những hộ bị phát hiện sư dụng chất cấm trong chăn nuôi ngoài việc phạt tiền theo quy định của Nhà nước, cơ quan chức năng cần có những biện pháp quyết liệt hơn như đối với những trang trại khi bị phát hiện sử dụng chất cấm cơ quan thú ý cần tạm ngưng việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch xuất chuồng đối với đàn heo của trang trại đó trong vòng 2 tháng”.

Số hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm để thu lợi là không nhiều. Theo thống kê, chỉ có khoảng 3% thịt heo là có sử dụng chất cấm, trong khi 97% lượng thịt là an toàn với người tiêu dùng. Nhưng khi người tiêu dùng mất niềm tin họ sẽ quay lưng với sản phẩm thịt heo. Lúc đó, giá heo sẽ tụt dốc và tất cả người chăn nuôi sẽ phải nhận hậu quả.

Vĩnh Thủy

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Hàng ngàn trang trại nguy cơ bị “vạ lây”! - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm