Tâm điểm kinh tế tuần qua:
“Sốt ruột” vụ Asanzo: Quá thời hạn Thủ tướng giao, doanh nghiệp đóng cửa vẫn chưa ra kết luận
(Dân trí) - Vụ ồn ào liên quan tới nghi vấn công ty Asanzo “treo đầu dê bán thịt chó” tới nay vẫn chưa ngã ngũ khi mà thời hạn báo cáo lên Thủ tướng là 30/8 (đã được gia hạn) nhưng đến nay các cơ quan vẫn chưa có kết luận, xác minh chính thức gửi Thủ tướng.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch: Có doanh nghiệp nước ngoài núp bóng mua cổ phần, đất đai Việt Nam
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, mới đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50 về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), việc này là cần thiết để cơ cấu lại chính sách, gạn đục khơi trong luồng vốn và xử lý các vấn đề phát sinh.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch nêu: "Hiện nay, pháp luật đầu tư ngày càng thông thoáng, nên chuyện người nước ngoài núp bóng người Việt Nam để mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp Việt là có, việc rà soát an ninh quốc phòng là điều bình thường".
Theo ông Thắng, việc rà soát, cấm cấp phép, thậm chí rút dự án có ảnh hưởng an ninh quốc phòng được nhiều nước làm, trong đó có các nước như Mỹ, EU.
"Một loạt công ty công nghệ cũng đang bị hạn chế tiếp cận thị trường các nước phát triển Mỹ và EU vì lo ngại vấn đề an ninh", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch nói.
Ông Thắng cho biết, sau 30 năm thu hút FDI, cơ chế ưu đãi đầu tư thực sự có những cái hơi lạc hậu, tập trung theo chiều rộng, chứ không theo chiều sâu. Thời gian tới, cần thay đổi cách tiếp cận, chỉ ưu đãi phần giá trị gia tăng làm trên đất nước Việt Nam, ưu tiên kết nối với doanh nghiệp trong nước....
Đại dự án nhà máy nước 5.000 tỷ đồng: Chủ đầu tư trần tình nguyên nhân đầu tư đắt đỏ
Nếu dự án FDI có những rủi ro như trên thì một dự án “nội” mới đây cũng gây xôn xao vì… đắt đỏ đó là Nhà máy nước mặt Sông Đuống vừa khánh thành giai đoạn 1 vào ngày 5/9.
Đáng lưu ý, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng (225 triệu USD), dự án này “đắt” hơn khá nhiều so với vốn đầu tư ban đầu của các nhà máy khác. Đơn cử như nhà máy nước Sông Đà được đầu tư 10 năm trước với vốn đầu tư chỉ khoảng 1.500 tỷ đồng, công suất 300.000m3/ngày đêm.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty nước mặt Sông Đuống, bà Đỗ Liên cho biết, dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống việc phải lắp đặt hệ thống truyền dẫn qua 3 con sông cũng thách thức lớn khiến suất đầu tư cao.
Trong đó, sông nhỏ nhất là sông Bắc Hưng Hải, tới sông Đuống với chiều rộng hơn 200m, chiều sâu khoảng 15-20m, lòng sông Hồng dù chỉ sâu 10m nhưng rộng 0,5 km là thách thức kỹ thuật khiến các nhà đầu tư trước đây “nản lòng”.
Vụ Asanzo, Bộ Công an chưa nhận được hồ sơ, tài liệu từ các bộ, ngành!?
Asanzo bị tố nhập hàng Trung Quốc về dán nhãn Made in Vietnam
Trong khi đó, vụ ồn ào liên quan tới nghi vấn công ty Asanzo “treo đầu dê bán thịt chó” tới nay vẫn chưa ngã ngũ.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, cơ quan này vừa có văn bản kiến nghị gửi 3 bộ, 2 cơ quan ngang bộ yêu cầu nhanh chóng cung cấp các hồ sơ, tài liệu theo chỉ đạo về phía cơ quan Cục Cảnh sát điều tra, Bộ Công an.
Tuy nhiên, đến nay C03 vẫn chưa nhận được sự phối hợp khẩn trương, trách nhiệm của các cơ quan Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Cục sở hữu trí tuệ, và các cơ quan ban ngành của TP.HCM.
C03 đề nghị Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo các cơ quan bộ, ngành cung cấp tài liệu, hồ sơ có liên quan, báo cáo kết quả kiểm tra về C03 trước ngày 30/8/2019.
Mọi sự ảnh hưởng, chậm trễ sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ điều tra, xác minh và các bộ, cơ quan sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.
Vụ Asanzo, quá thời hạn Thủ tướng giao, doanh nghiệp đóng cửa: Vẫn chưa ra kết luận
Cũng liên quan đến nội dung trên, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua, đại diện Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đều khẳng định vẫn đang xác minh. Theo ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính): Vụ việc Asanzo hiện vẫn chưa có kết luận của các cơ quan quản lý dù thời hạn công bố đã qua.
Ông Thi nói: Ngay sau vụ việc xảy ra, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng Tài chính làm đầu mối, phối hợp cùng các bộ ngành xác minh vụ việc. "Hiện nay Bộ Tài chính thực hiện đầy đủ nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng", Vụ trưởng Thi nói.
Còn ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công Thương cho biết, hiện Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo 389 thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, chức trách được giao.
Trước đó, Thủ tướng có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan vào cuộc xác minh đúng sai về vụ việc doanh nghiệp Asanzo bị báo Tuổi Trẻ tố nhập hàng Trung Quốc để gắn mác Việt Nam.
Thời hạn yêu cầu hoàn tất báo cáo lên Thủ tướng là 30/7/2019, nhưng sau đó các cơ quan liên quan xin hoãn đến ngày 30/8. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan vẫn chưa có kết luận, xác minh chính thức gửi Thủ tướng.
14 công ty nhập khẩu cho Asanzo đã bỏ trốn
Trong một diễn biến liên quan đến Asanzo, theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, 14 công ty nhập khẩu hàng cho Công ty Asanzo đã bỏ trốn, 4 công ty đăng ký kinh doanh nhưng không tồn tại địa chỉ trên thực tế; 7 công ty ngừng hoạt động, 1 công ty không hoạt động đúng địa điểm đăng ký và 32 doanh nghiệp đang hoạt động.
Qua kiểm tra hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu của Công ty CP Tập đoàn Asanzo, từ 20/10/2016 đến 30/6/2019, Công ty Asanzo đã làm 26 tờ khai hải quan nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu 171 triệu đồng.
Cơ quan hải quan cho biết: "Mặt hàng nhập khẩu để làm hàng mẫu (không thanh toán) gồm bảng mạch điện tử lắp ráp ti vi, cáp tín hiệu, lo go bằng kim loại, tấm LCD mẫu, bo mạch điện tử xử lý tín hiệu ti vi;…Trên tờ khai hải quan khai hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc".
Công ty không phát sinh hoạt động bán hàng hóa ra nước ngoài mà chỉ phát sinh 01 tờ khai hải quan xuất trả “bộ đầu thu khuyếch đại âm thanh nhãn hiệu Asanzo” cho đối tác tại Hồng Kông, Trung Quốc, số lượng 05 chiếc, trị giá 5.825.000 đồng.
Qua kiểm tra các đơn vị liên quan hoặc nghi vấn có liên quan đến hoạt động kinh doanh, đứng tên của của Asanzo trên thị trưởng, Tổng cục Hải quan cho biết: 58 công ty có hoạt động mua bán linh kiện, hàng hóa với Công ty CP Tập đoàn Asanzo.
Mai Chi (tổng hợp)