1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Cơn sốt" hàng điện tử hạ giá:

“Sóng ngầm” trong chương trình siêu khuyến mãi

Bằng việc tung ra các chương trình siêu khuyến mãi (giảm giá đến trên 50%), các siêu thị, trung tâm thương mại TPHCM đã thu hút một lượng khách khổng lồ đến tìm mua. Tuy nhiên đi sâu vào tìm hiểu vấn đề mới thấy những cơn “sóng ngầm” đang hình thành và chực chờ bùng phát ngay từ bên trong khuyến mãi…

Sẽ có kiện tụng, tẩy chay LG?

Không phải ngẫu nhiên mà sản phẩm của LG (một mặt hàng phổ thông, có mức giá bình dân, phù hợp với đại đa số người tiêu dùng) lại trở thành tâm điểm của đợt siêu khuyến mãi này (trong khi các đại gia được đánh giá là hàng hiệu, cao cấp như Sony, Samsung… chỉ tham gia giảm giá ở mức độ vừa phải).

Thực tế thị trường hàng điện tử cho thấy, việc một sản phẩm phổ thông như LG giảm giá mạnh vào dịp cuối năm không phải là điều khó hiểu, thế nhưng vì sao Nguyễn Kim lại là trung tâm điện máy đầu tiên “khởi xướng” chương trình này?

Để rồi ngay sau ngày đầu tiên, khi mà người tiêu dùng chỉ tập trung đổ xô đến Nguyễn Kim mua tivi LCD giá rẻ của LG, thì người ta phát hiện ra, các trung tâm điện máy khác như Thiên Hòa, Chợ Lớn, Lộc Lê… cũng thay bảng niêm yết giá bán mới cho ti vi LG, điều đáng ngạc nhiên là mức giá ở đây còn thấp hơn ở Nguyễn Kim đến 100.000đ/cái.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện một trung tâm điện máy tỏ ra bức xúc, họ cho rằng LG đã quá ưu ái, “bật đèn xanh” cho Nguyễn Kim đại hạ giá, lôi kéo hết khách hàng của họ. Vì vậy, họ buộc phải giảm giá thấp hơn để giữ khách hàng và “việc giảm giá quá thấp như thế này sẽ dẫn đến thiệt hại về lợi nhuận, thế nhưng chúng tôi sẽ buộc LG phải đền bù, nếu không đền bù, chúng tôi sẽ tẩy chay không bán sản phẩm này, đồng thời sẽ khởi kiện LG vì họ áp dụng chính sách đại lý không nhất quán, không theo đúng cam kết, gây thiệt hại cho chúng tôi” - vị đại diện này nhấn mạnh.

Sự thật có đúng là LG ưu ái cho Nguyễn Kim không? Một nguồn tin không chính thức từ LG khẳng định không phải như vậy. Trên thực tế, LG chỉ có một số rất ít hàng tồn kho và họ đã cho phép Nguyễn Kim dùng các sản phẩm này làm giải thưởng cho các chương trình khuyến mãi dịp cuối năm.

Tuy nhiên, nhân cơ hội này, Nguyễn Kim đã đẩy lên thành một chương trình khuyến mãi rầm rộ như mọi người đã thấy. Điều đó cũng đã lý giải vì sao mà chỉ có rất ít người mua được hàng khuyến mãi giá thấp như báo chí đã đưa tin.

Thế nhưng khi người tiêu dùng đổ xô đến Nguyễn Kim thì cái lợi mà Nguyễn Kim thu được không phải là ít. Tốn biết bao công sức từ Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang… đến TPHCM để mua hàng lẽ nào lại về không, nhiều người tiêu dùng đành nghe theo lời “tư vấn” của các nhân viên chọn mua các sản phẩm có mức giảm giá ít hơn đang bày bán trong siêu thị.

Mua hàng mà không thấy sản phẩm - Hậu quả khó lường

Anh Hữu Thái ở 432 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM, xếp hàng từ sáng sớm sau khi chen lấn, mệt “bở hơi tai” mới mua được chiếc ti vi LCD 26 inches của LG ra về bức xúc: “Lần đầu tiên tôi mới chứng kiến kiểu mua hàng lạ đời đến vậy. Nộp gần chục triệu bạc để nhận một tờ giấy nhỏ xíu, rồi phải tự mình đi nhận hàng, tự mang về nhà, tự mày mò lắp ráp. Hú hồn chiếc ti vi của tôi sử dụng được, nếu không thì khổ…”.

Anh Hữu Thái dùng từ “hú hồn” không phải là quá. Bởi lẽ, việc mua hàng mà không thấy sản phẩm như thế sẽ dẫn đến những hậu quả thật khó lường. Thông thường trước khi quyết định mua một món hàng thì người mua cần phải xem xét, phải thử sản phẩm trước, xem sản phẩm có đầy đủ tính năng, có bị hư hỏng gì không rồi mới “tiền trao, cháo múc”.

Đằng này trong suốt thời gian khuyến mãi vừa qua, hầu hết người tiêu dùng đã không được thực hiện cái việc cần thiết này, ngay cả ở những mặt hàng kỹ thuật số, công nghệ cao như ti vi LCD có giá trị cả chục triệu đồng cũng vậy.

Cách đây không lâu, từ nguồn tin của các văn phòng khiếu nại người tiêu dùng, chúng tôi đã có bài viết cảnh báo về tình trạng mua hàng kỹ thuật số, công nghệ cao theo kiểu “trả tiền rồi nhận phiếu xuất kho”, dẫn đến các tranh chấp, khiếu nại kéo dài ở các cửa hàng kinh doanh máy tính.

Nay tình trạng này lại xuất hiện ở thị trường hàng điện tử. Một chuyên gia có kinh nghiệm trong giải quyết khiếu nại tiêu dùng khi đề cập đến hiện tượng này đã nhận định: “Cơn sóng ngầm của các đợt khiếu nại đã hình thành từ chính kiểu mua bán xô bồ, giành giật như thế này. Không lâu nữa nó sẽ bùng phát”.

Bởi lẽ, mặc dù có phiếu bảo hành hẳn hoi, nhưng việc phải thường xuyên tốn thời gian, công sức đi lại tới lui để sửa chữa sản phẩm cũng đủ khiến người tiêu dùng mệt mỏi, trong khi “hàng mua rồi thì không thể đổi, trả lại”.

Đó là chưa kể, hàng được giảm giá mạnh trong đợt khuyến mãi vừa qua đa số là hàng tồn kho, lỗi mốt, hàng dùng để trưng bày, hàng bị trầy xước, bị va đập trong quá trình vận chuyển… nên chắc chắn xác suất bị trục trặc trong quá trình sử dụng là rất lớn.

Vì vậy, người tiêu dùng cần phải hết sức cẩn trọng khi mua hàng khuyến mãi, đặc biệt là với các mặt hàng kỹ thuật số, công nghệ cao.

Theo Nguyễn Thu Tuyết
Báo SGGP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm