"Sóng ngầm" cho vay theo kiểu... tín chấp

Thời gian gần đây, loại hình dịch vụ cho vay theo kiểu “tín chấp” – người vay không phải cầm cố tài sản đang rất nở rộ. Chủ loại hình dịch vụ này “hút” người có nhu cầu bằng cách sử dụng tờ rơi quảng cáo.

Dạo quanh các tuyến phố thuộc khu vực nội thành Hà Nội như: Lạc Long Quân, Đội Cấn, Giang Văn Minh, Hoàng Quốc Việt… dễ dàng bắt gặp những cây cột điện, bờ tường, tủ chứa dây cáp bị các tờ rơi quảng cáo dịch vụ cho vay theo kiểu “tín chấp” với nội dung đại loại: “cho vay không thế chấp”, “cho vay tín chấp”, “cấp vốn chỉ cần có giấy tờ ôtô, xe máy”...

Sáng 18/10, có mặt tại nút giao thông Đội Cấn – Giang Văn Minh (quận Ba Đình), chúng tôi thấy tủ chứa dây cáp ở đây dán gần chục tờ rơi quảng cáo rao vặt có nội dung: “hỗ trợ tài chính – cho vay trả góp”. Chủ nhân dịch vụ có số điện thoại: 0934.6970xx này cho biết, nếu ai có nhu cầu vay tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng thì chỉ cần mang bản gốc sổ hộ khẩu và chứng minh thư đến “công ty” của anh ta ở Cầu Giấy (Hà Nội).

Theo như lời quảng cáo của anh chủ này, thủ tục vay theo kiểu “tín chấp” hết sức đơn giản. Trên tuyến phố Hoàng Quốc Việt – gần nút giao với đường Bưởi, chúng tôi chứng kiến cảnh một nam thanh niên tuổi khoảng 30 tuổi sau khi đọc xong nội dung tờ rơi quảng cáo dịch vụ cho vay “tín chấp” đã vội vàng nhấc máy, gọi cho chủ dịch vụ. Chưa đầy 2 phút thống nhất về cách thức vay cũng như khoản tiền lãi đi kèm, nam thanh niên này tỏ ra khá hồ hởi khi sắp được vay số tiền 10 triệu đồng từ một ông chủ dịch vụ ở phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy (Hà Nội).

Để hiểu rõ hơn về loại hình dịch vụ này, liên hệ qua số điện thoại in trên một tờ rơi quảng cáo vỉa hè nút giao Đội Cấn – Đốc Ngữ, chúng tôi đã tiếp xúc với M. “trâu” – chủ một cơ sở cho vay theo kiểu “tín chấp” ở phố Thụy Khuê. Cơ sở của M. thực chất là một gian phòng được thuê lại. Không nhân viên, không biển hiệu công ty.

 

Tràn lan tờ rơi quảng cáo dịch vụ cho vay theo kiểu “tín chấp” trên phố ở Hà Nội.

Tràn lan tờ rơi quảng cáo dịch vụ cho vay theo kiểu “tín chấp” trên phố ở Hà Nội.

Thay vào đó, nơi đây luôn túc trực 3-4 thanh niên mặt mũi trông khá bặm trợn. Thấy tôi có nhu cầu vay số tiền 10 triệu đồng, M. hồ hởi cho biết, chỉ cần cung cấp bản gốc sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân, tiền sẽ có ngay. Tuy nhiên, theo lời M., thay vì trả lãi hàng ngày, tôi bị “cắt phế” một khoản tiền tương ứng. Mà ở đây, để vay 10 triệu đồng, tôi chỉ được nhận 8 triệu đồng.

Trong khi đó, hằng ngày tôi phải đóng 200 ngàn đồng trong thời hạn 50 ngày theo kiểu “đóng họ”. Nhìn vào cách thức “đóng họ” như trên, có thể thấy rằng, người vay phải trả số tiền lãi tương đối cao dao động từ 3 ngàn đồng – 5 ngàn đồng/triệu đồng.

Cũng theo M. “trâu” tiết lộ thì loại hình này chỉ cung cấp cho khách hàng có sổ hộ khẩu ở Hà Nội. Bởi qua đó sẽ hạn chế được các vụ “tai nạn” – người vay không đến trả cả gốc lẫn lãi. Đối với những ông chủ như M. thì thông qua sổ hộ khẩu, M. sẽ biết được nơi ở của người vay tiền. Để rồi khi người vay tiền không trả, chủ dịch vụ sẽ cử nhân viên đến nhà người vay tiền để “ép nợ”. Chưa hết, không chỉ cầm sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, nhiều chủ dịch vụ cho vay theo kiểu “tín chấp” còn cung cấp thêm dịch vụ cầm cố đăng ký xe. Đây là loại hình cho vay tiền thông qua việc “cầm cố” đăng ký xe máy, ôtô.

Thông thường, mỗi giấy đăng ký xe máy cầm được với giá 5-7 triệu đồng. Thậm chí lên đến cả chục triệu đồng đối với dòng xe máy đắt tiền, hoặc vài trăm triệu đồng đối với ôtô. Để “né” lực lượng chức năng, chủ dịch vụ thường đưa ra 3 loại “hợp đồng” để người vay tiền ký xác nhận (bản hợp đồng vay tiền, giấy bán xe và hợp đồng cho thuê xe). Điều này cũng đồng nghĩa với việc sau khi cầm giấy tờ xe, chủ phương tiện đã tạm thời nhượng lại xe cho người khác.

Ngoài ra, chủ dịch vụ cho vay theo kiểu “tín chấp” còn sử dụng các diễn đàn, trang mạng xã hội để quảng cáo. Có một thực tế đi kèm với loại hình này là hàng loạt nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến ANTT. Đơn cử khi người vay tiền không trả lãi theo giao ước, chủ dịch vụ sẽ “xiết” tài sản, sử dụng nhân viên đe dọa, “khủng bố” tinh thần bằng nhiều cách… gây mất ANTT.

Điển hình cách đây không lâu, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã bắt quả tang các đối tượng Lê Văn Hưng (26 tuổi), ở Thanh Hóa; Trần Văn Hùng (28 tuổi), ở Ninh Bình và Nguyễn Duy Hoàn (23 tuổi), ở quận Hà Đông – Hà Nội đang có hành vi ném chất thải vào nhà ông N.Đ.T. ở quận Cầu Giấy. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận trước đó đã thực hiện nhiều vụ ném chất thải vào nhà người dân nhằm khủng bố tinh thần, đòi khoản tiền nợ trước đó.

Trao đổi với PV, Luật sư Quản Văn Minh, Giám đốc Công ty Luật số 5 – Quốc gia cũng cho rằng, người dân cần nhận thức rõ hệ lụy đi kèm với dịch vụ cho vay theo kiểu “tín chấp”. Vì khi “lãi mẹ đẻ lãi con”, người vay tiền không có khả năng chi trả, chủ dịch vụ sẽ không ngần ngại sử dụng các quái chiêu để uy hiếp, đe dọa.

Đáng bàn, trong trường hợp người vay tiền đem thế chấp bản gốc sổ hộ khẩu, chứng minh thư để giao ước vay một khoản tiền, nếu xảy ra sự kiện pháp lý như: tranh chấp quyền thừa kế, quyền sở hữu nhà ở v.v.., người cầm cố giấy tờ rất dễ gặp những rủi ro không mong muốn. Đối với chủ các dịch vụ cho vay theo kiểu “tín chấp” nếu lấy lãi suất cao, quá mức quy định của pháp luật, rồi nếu đòi nợ theo kiểu xã hội đen cũng khó tránh khỏi sự trừng phạt của pháp luật.

Theo Trần Huy
Công an Nhân dân

 

"Sóng ngầm" cho vay theo kiểu... tín chấp - 2