Sơn mỹ thuật và cuộc đua chạy theo thị hiếu
(Dân trí) - Xây dựng bắt đầu ồ ạt vào mùa. Cuộc cạnh tranh của các loại sơn tường lại bước vào một chặng đua nước rút. Thị trường sơn thời gian gần đây ngày càng sôi động vì không chỉ đơn thuần là cái áo màu với những tính năng đắc dụng mà sơn còn tạo ra hiệu quả mỹ thuật bất ngờ cho ngôi nhà.
Thị hiếu thay đổi từng ngày
Trên thị trường Hà Nội hiện nay có thể gọi tên tới hơn 20 hãng sơn khác nhau. Dọc theo các phố bán vật liệu xây dựng như Trường Chinh, Nguyễn Khuyến, Cát Linh... nhan nhản các cửa hàng bán sơn và vật liệu sơn.
Đủ mọi nhãn hiệu: Maxilite, My Kolor, Nippon, Jota, Dulux Weathershield, Expo, Jotatough, Strax, Majestic... Mỗi loại lại có những chiêu thức quảng cáo và tiếp thị riêng, nhấn mạnh ưu thế của mình như Nippon với màu sắc tươi tắn, Dulux chống bám bẩn, độ bền màu cao, Spec chống nấm mốc...
Loại sơn nào cũng có bảng màu căn bản gồm khoảng vài chục màu từ đậm tới nhạt, theo từng phong cách cổ điển, lãng mạn hoặc hiện đại, có phân riêng sơn trong nhà và sơn ngoài trời.
Không chỉ dừng lại ở những mảng màu đơn điệu, những bức tường trơn phẳng giản dị, sản phẩm sơn tường đang biến đổi rất nhanh chóng. Hàng chục mẫu mã mới ra đời. Cách đây một hai năm, sơn hoa văn, sơn sần, sơn gấm, với những quả lô nhập khẩu kỳ quái khiến không ít thợ phải trầm trồ, thì nay chuyện đó đã thành “chuyện vặt”. Hiện sơn mỹ thuật đang ngày càng phổ biến: Sơn cách âm, sơn sần, sơn giả đá, giả gỗ, giả granito, sơn hạt, sơn gai, sơn gấm, sơn hoa văn... ồ ạt xuất hiện, đổi ngôi, thế chỗ nhau trên thị trường.
Thị hiếu năm nay là các loại sơn mỹ thuật có thể tạo nhiều hiệu quả độc đáo. Sơn giả đá tạo cho bề mặt công trình cảm quan đá Granite, có thể thi công trên các mặt cong, phù điêu, gờ chỉ. Sơn hạt, sơn gai vừa có tác dụng chống dội âm, khi phối hợp với những chất liệu khác như vách gỗ, ô kính, rèm cửa lại tạo được những mảng màu phá cách, những điểm nhấn ấn tượng.
Mùa xây dựng năm nay cũng phản ánh nhu cầu lớn về các loại sơn pha màu giả vân gỗ, đá cho những phần kiến trúc như cột, vách ngăn, gác lửng…
Đồ ngoại đánh bại đồ nội?
Giá cả của các loại sơn cũng rất khác nhau. "Kiêu" nhất là sơn của Dulux (khoảng 300 nghìn đồng/thùng 5 lít); Kova (loại tốt) hơn 40 nghìn đồng/kg, và tuỳ thuộc mã màu, mầu càng sậm càng đắt. Sơn ngoài Kova màu đậm, loại đắt nhất hơn 1 triệu đồng/thùng 18 lít, trung bình cũng phải 550 - 700 nghìn đồng/thùng 18 lít.
Tiền nào của đấy, loại sơn cao cấp có lượng caosu trong sơn nhiều, màu không bị phai, bạc, người dùng có thể lau rửa thoải mái bằng nước hoặc xà phòng mà nước sơn vẫn bóng đẹp, rất thích hợp để sơn ngoài hoặc sơn ở nơi ẩm ướt, ít ánh sáng.
Thấp hơn một chút là các loại Nippon Maxillia, Levis... giá 340 - 360 nghìn đồng/thùng 18 lít. Dòng Dulux, Kova cũng có một số loại sơn giá tầm trung tương đương loại sơn chất lượng khá trên thị trường này (giá khoảng 15 nghìn đồng/kg).
Sơn tầm trung có ưu điểm là chất lượng khá tốt, màu sắc phong phú, thời trang, được đa số khách hàng ưa chuộng, dùng để sơn trong nhà, tông màu phong phú từ đậm đến nhạt như tím lãng mạn, xanh lá trẻ trung, hồng ấm áp... rất ăn khách.
Còn với các loại sơn dầu thì song hành cùng với những công ty sơn đã có từ lâu đời như Công ty sơn tổng hợp Hà Nội, Thanh Xuân, Đại Bàng... là sự cạnh tranh mạnh mẽ của các hãng sơn ngoại. Cũng với cùng màu sơn, nhưng nếu như sơn dầu của Tổng hợp Hà Nội là 65.000đ/kg thì Dulux Gloss hay Gardex... lại có mức giá cao hơn từ vài nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng cho một kg tương tự.
Sự khác nhau về giá cả chủ yếu nằm ở chất lượng sơn và mằu sắc. Sơn nhập ngoại hoặc liên doanh bao giờ cũng có giá cao hơn hàng nội. Giá tiền sơn một mét vuông tường bao gồm cả sơn, bả và nguyên vật liệu dao động rất lớn, rẻ chỉ khoảng 8.000 đồng/m2, đắt lại có thể lên đến 200 nghìn đồng/m2.
P.T