Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM:

Sớm phát triển bền vững sẽ giúp doanh nghiệp Việt tăng doanh thu, thị phần

Nhật Quang

(Dân trí) - Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA, cho rằng việc sớm chuyển đổi công nghiệp, hướng đến phát triển bền vững giúp các doanh nghiệp tăng thị phần, doanh thu, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Sáng 12/9, UBND TPHCM tổ chức họp báo thông tin về Diễn đàn Kinh tế TPHCM (HEF) năm 2024.

Tại họp báo, thay mặt lãnh đạo UBND thành phố, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), cho biết, HEF 2024 sẽ được tổ chức với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TPHCM". Diễn đàn dự kiến diễn ra từ ngày 24/9 đến ngày 27/9. 

Theo ông Hòa, trong bối cảnh thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thời cơ và thách thức lớn, đòi hỏi doanh nghiệp phải tích cực, chủ động, chớp lấy thời cơ và khắc phục những khó khăn, thách thức để vươn lên.

Sớm phát triển bền vững sẽ giúp doanh nghiệp Việt tăng doanh thu, thị phần - 1

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (Ảnh: BTC).

Đặc biệt, khi nhu cầu của người tiêu dùng thế giới với các sản phẩm, dịch vụ xanh ngày càng cao, việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), ESG (tiêu chuẩn về Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp)… đã và đang trở thành điều kiện để Việt Nam xuất khẩu hàng hóa ra thế giới, đồng thời nâng tầm thị trường nội địa.

Thực tế cũng cho thấy, quá trình chuyển đổi công nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp. Cụ thể, việc sớm chuyển đổi giúp các doanh nghiệp thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh, và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, tăng thị phần, doanh thu, hướng đến phát triển bền vững, đạt cả mục tiêu kinh tế - xã hội lẫn môi trường", ông Hòa nhấn mạnh.

Cũng tại họp báo, ông Phạm Bình An - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho biết chuyển đổi công nghiệp là quá trình thay đổi có tính chất nền tảng các ngành công nghiệp, do ứng dụng tiến bộ công nghệ, thay đổi mô hình kinh doanh nhằm hướng tới phát triển bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Ở cấp độ doanh nghiệp, chuyển đổi công nghiệp là quá trình đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và chủ động thích ứng với yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Trong đó, xu hướng chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là một trong những nội dung chính của chuyển đổi công nghiệp thành phố.

Để quá trình chuyển đổi công nghiệp thành công, thành phố cần hình thành và phát triển doanh nghiệp có quy mô lớn, có sức ảnh hưởng - hay còn gọi là doanh nghiệp "sếu đầu đàn", để dẫn dắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, ông An nhận định. 

Theo ông Hòa, HEF năm nay được tổ chức nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế số và bền vững, trong đó đề cao vai trò của quá trình chuyển đổi công nghiệp và các tác động tích cực đối với các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

TPHCM là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước và tập trung các hoạt động kinh tế trọng điểm. Do đó, thành phố thấu hiểu các khó khăn của các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi và mong muốn hỗ trợ các giải pháp kịp thời cho doanh nghiệp.

Vì vậy, HEF được kỳ vọng sẽ đem đến các bài học kinh nghiệm đa dạng từ các chuyên gia có thâm niên trong lĩnh vực này, nhằm tạo điều kiện phát triển và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi. 

Diễn đàn dự kiến sẽ có một phiên toàn thể với 6 báo cáo liên quan đến các chủ đề như chuyển đổi công nghiệp thành phố, xu thế chủ đạo về chuyển đổi công nghiệp, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp...

Ngoài ra, diễn đàn còn có các phiên thảo luận song song, xoay quanh quá trình chuyển đổi công nghiệp, bao gồm vai trò Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại TPHCM, vai trò của doanh nghiệp và các bên liên quan trong chuyển đổi công nghiệp.