TS Bùi Thanh Minh:

Quản trị theo ESG vừa là thuốc chữa bệnh, vừa là thuốc bổ cho doanh nghiệp

Vĩ Quang

(Dân trí) - TS Bùi Thanh Minh cho biết để thực thi ESG, các doanh nghiệp cần "liệu cơm gắp mắm", có nguồn lực ở mức độ nào thì thực hành ESG ở mức độ đó miễn là không nói quá phần mình làm được.

Sáng 29/8, Hội thảo "Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG - Làm gì, từ đâu?" diễn ra tại TPHCM. Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện của Diễn đàn ESG Việt Nam 2024 do báo Dân trí tổ chức. 

Quản trị doanh nghiệp theo ESG là con đường phải đi

Tại phiên thảo luận, Tiến sĩ Bùi Thanh Minh, Phó giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, đối với doanh nghiệp, luôn có sự đánh đổi giữa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong hoạt động của mình.

Chi phí quản trị doanh nghiệp ban đầu không phải là khoản chi phí mất đi mà đó là khoản đầu tư dài hạn, đầu tư cho rủi ro. Khi dành tất cả mục tiêu là lợi nhuận, có thể doanh nghiệp đi nhanh hơn nhưng không bền vững, đặc biệt là trong thế giới có nhiều biến động như hiện nay.

Quản trị theo ESG vừa là thuốc chữa bệnh, vừa là thuốc bổ cho doanh nghiệp - 1

Tiến sĩ Bùi Thanh Minh tại hội thảo (Ảnh: Hữu Long).

Sở dĩ chúng ta có tâm lý như vậy là vì năng lực của doanh nghiệp Việt hiện tại vẫn còn hạn chế, đặc biệt là về quản trị. Nhìn vào nền kinh tế, chúng ta thấy có 2 đặc trưng rất nổi bật là 94% doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vì vậy nguồn vốn và nội lực yếu, mô hình quản trị không chuyên nghiệp.

Thứ hai là tính chất nền kinh tế vẫn dựa trên thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên. Do đó, bất cứ sự đầu tư nào cũng gây mất nguồn lực đáng kể của doanh nghiệp. Nền tảng quản trị tốt rất quan trọng đối với hoạt động của mỗi đơn vị. Trong bối cảnh thông thường, doanh nghiệp FDI thường có kết quả sản xuất kinh doanh tốt hơn và khi rủi ro như Covid-19, họ vượt qua và trở lại nhanh hơn, tất cả là nhờ vào năng lực quản trị, trong đó có quản trị rủi ro. 

Vị chuyên gia nhận định phát triển bền vững là xu hướng phát triển không thể đảo ngược của thế giới do đó, bài toán quản trị doanh nghiệp cũng phải thay đổi để thích nghi.

Trong bối cảnh năng lực quản trị yếu, chúng ta hiện nay lại còn phải thích nghi, tích hợp yếu tố bền vững.

Nhưng đó là con đường chúng ta phải đi qua nếu chúng ta muốn doanh nghiệp của mình lớn mạnh, đặc biệt là khi có khát vọng vươn ra toàn cầu. Việc quản trị doanh nghiệp theo định hướng bền vững sẽ giúp doanh nghiệp đạt được 2 mục tiêu quan trọng phát triển và bền vững.

Những hình ảnh tại hội thảo về quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG (Video: Cao Bách).

Phát triển mà không bền vững thì có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, bền vững mãi mà không phát triển thì cứ ốm yếu, dặt dẹo mãi thì cũng còn là bền vững. Hiện nay, doanh nghiệp có cả áp lực và động lực để quản trị theo hướng ESG.

Về áp lực thì có thể thấy, thứ nhất, các tiêu chuẩn về môi trường như phát thải khí nhà kính, các tiêu chuẩn về mặt xã hội là hàng rào kỹ thuật quan trọng đang được xây dựng tại các thị trường lớn. Thứ hai, việc tuân thủ đòi hỏi chi phí sẽ làm cho sản phẩm đắt đỏ hơn từ đó cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Thứ ba là áp lực chuyển đổi từ các nhà mua quốc tế, các doanh nghiệp đầu chuỗi.

Việc thực hành ESG sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu được chi phí, tiết kiệm năng lượng, cắt giảm chi phí vận hành, nắm bắt được xu hướng chuyển đổi và sản phẩm sinh thái.

Ngoài ra, việc thực hành giúp quản trị rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội, quản trị. Động lực còn đến từ việc được mở rộng thị trường cho sản phẩm, phát triển thương hiệu và việc chuẩn bị sẵn cho tuân thủ khi các quy định về môi trường, xã hội trở thành bắt buộc.

Như vậy, cả dài hạn và ngắn hạn, quản trị doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững đều đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. "Vừa khắc phục hạn chế trong năng lực quản trị vốn là vấn đề hiện hữu của doanh nghiệp hiện nay. vừa có khuôn khổ hiện đại, bắt kịp xu hướng toàn cầu", ông Minh nhấn mạnh.

Doanh nghiệp cần "liệu cơm gắp mắm"

Khác với xu hướng ESG quốc tế khi chữ E được quan tâm nhiều hơn thì ở Việt Nam, các doanh nghiệp quan tâm đến chữ G, "quản trị" nhiều hơn. Lý do là do quản trị là một điểm yếu của doanh nghiệp hiện nay. Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân lỗ khoảng trên dưới 50% trong những năm vừa qua cho thấy sự yếu kém đó.

Nếu lỗ thật thì yếu kém thật; nếu lãi mà báo lỗ thì đánh đổi lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích dài hạn. Do đó, với nền tảng quản trị yếu kém, lại phải thích nghi với xu hướng ESG toàn cầu, doanh nghiệp cần bắt đầu từ quản trị.

Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG vừa giúp đơn vị giải quyết điểm yếu vốn có về quản trị, lại tận dụng được cơ hội từ xu hướng ESG. Do đó, quản trị tích hợp ESG vừa là thuốc chữa bệnh vừa là thuốc bổ cho doanh nghiệp. Điểm quan trọng là lựa chọn liều lượng phù hợp để có doanh nghiệp khỏe mạnh, nhiều sức chiến đấu.

Quản trị theo ESG vừa là thuốc chữa bệnh, vừa là thuốc bổ cho doanh nghiệp - 2

Tiến sĩ Bùi Thanh Minh (ngoài cùng bên phải) chia sẻ tại phiên thảo luận sáng 29/8 (Ảnh: Hải Long).

Vị chuyên gia này cho rằng nếu thực hành ESG để mở rộng thị trường, các đơn vị cần học hỏi từ các doanh nghiệp tiên phong.

"Mình có thể nghiên cứu trước xem doanh nghiệp tiên phong làm như thế nào. Trong bản báo cáo phải thể hiện làm sao cho nhà đầu tư, nhà mua, khách hàng, cổ đông… được thuyết phục về số liệu, đó là những điểm doanh nghiệp cần học hỏi, ông Minh lưu ý.

Hầu hết các doanh nghiệp Việt vẫn đang áp dụng phương pháp quản trị "AC" nghĩa là áng chừng. Nên khi xảy ra vấn đề không biết nằm ở khâu nào. Thực hành ESG phải là "data (dữ liệu) kể chuyện". Doanh nghiệp muốn chứng minh doanh nghiệp quan tâm đến người lao động thì phải xây dựng dữ liệu để thống kê.

Doanh nghiệp Việt vẫn còn nhiều khó khăn nên khi chi ra 1 đồng thì phải tính toán, ông Minh nhấn mạnh. Các doanh nghiệp cần "liệu cơm gắp mắm", có nguồn lực ở mức độ nào thì thực hành ESG ở mức độ đó miễn là không nói quá phần mình làm được.

Hội thảo "Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG - Làm gì, từ đâu?" là sự kiện vệ tinh, nằm trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn ESG Việt Nam do báo Dân trí tổ chức từ năm 2024. Sự kiện có sự đồng hành của một số đối tác, doanh nghiệp như HDBank, Sunshine Group, Nam A Bank... 

Diễn đàn ESG Việt Nam có nhiều hoạt động trong năm nhằm thúc đẩy và phát triển chuẩn mực ESG, gồm các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn kết hợp lễ vinh danh, cuộc thi viết Sáng kiến ESG vì một Việt Nam phát triển bền vững.

Ban tổ chức kỳ vọng với sự quan tâm của cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam cũng như các địa phương quan tâm tới phát triển bền vững, Diễn đàn sẽ được tổ chức thường niên, nhằm đồng hành cùng cơ quan quản lý, cộng đồng, doanh nghiệp nhân rộng mô hình phát triển bền vững, mang lại giá trị tích cực cho môi trường, xã hội, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước.