Vấn đề kinh tế trong tuần:

Sốc toàn tập vụ đổi 100 USD; tranh cãi gay gắt về đề nghị Grab bồi thường

(Dân trí) - UBND TP.Cần Thơ xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với anh thợ điện Nguyễn Cà Rê vì hành vi đổi 100 USD không đúng nơi quy định – thông tin này trở thành tâm điểm chú ý trong tuần qua. Ngoài ra, những tranh cãi gay gắt quanh vụ kiện giữa Vinasun với Grab; thông tin mỗi người Việt gánh 34 triệu đồng nợ công và thảo luận của các đại biểu trên nghị trường cũng được quan tâm.

Tranh cãi gay gắt quanh việc “đề nghị Grab bồi thường Vinasun 41 tỷ đồng”

Viện kiểm sát đã đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường một lần gần 42 tỷ đồng mà nguyên đơn thiệt hại. Đề nghị này ngay sau đó đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều...

nhiều ý kiến cho rằng việc Vinasun khởi kiện Grab là không có cơ sở. Lý do được đưa ra là Grab ứng dụng công nghệ nên rẻ hơn, chất lượng tốt hơn nên thu hút được khách hàng. Thậm chí nhiều ý kiến ví von, nếu Vinasun thắng kiện trong vụ việc này thì "báo giấy cũng có thể khởi kiện báo điện tử" hay mọi nền tảng online đều có thể bị kiện vì chắc chắn nó sẽ "lấy bớt miếng bánh của mảng offline".

Phát quyết của HĐXX trong vụ Vinasun kiện Grab đang được nhiều người chờ đợi theo dõi
Phát quyết của HĐXX trong vụ Vinasun kiện Grab đang được nhiều người chờ đợi theo dõi

Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Lương Hoài Nam - một chuyên gia trong lĩnh vực vận tải hàng không, du lịch cho rằng: Nếu tòa xử cho Vinasun thắng kiện Grab thì đó sẽ là một cái tát vào mặt môi trường kinh doanh và chủ trương phát triển công nghệ 4.0 của Việt Nam.

“Một doanh nghiệp kém cỏi có thể chết, nhưng không thể vì nó mà giết chết một môi trường kinh doanh, một môi trường kiến tạo phát triển”, ông Lương Hoài Nam nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Minh Đức (Ban pháp chế VCCI) lại cho rằng vụ việc có nhiều điểm đáng bàn và “chưa chắc như bề ngoài”. Chi phí tuân thủ pháp luật của Grab thấp hơn Vinasun, điều này có thể nhìn thấy rất rõ khi đọc các quy định quản lý taxi. Việc Grab có cạnh tranh không lành mạnh hoặc lạm dụng vị trí thống lĩnh hay không cũng cần phải soi xét kỹ.

Taxi truyền thống giục Bộ Công Thương sớm kết luận vụ Grab "thâu tóm" Uber

Mới đây Hiệp hội taxi Hà Nội, Hiệp hội taxi TP.HCM và Hiệp hội taxi Đà Nẵng đã cùng ký văn bản gửi tới Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương về việc xem xét trách nhiệm của Uber, Grab trong thương vụ sáp nhập diễn ra hồi tháng 3.

Theo đại diện hiệp hội taxi 3 miền, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã chính thức mở cuộc điều tra thương vụ Grab “thâu tóm” Uber hôm 18/5/2018.

Kể từ thời điểm đó đến nay, Cục và các cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra nhưng vẫn chưa thấy kết quả. Do vậy, đại diện Hiệp hội taxi 3 miền mong muốn cơ quan quản lý cạnh tranh nhanh chóng xem xét, xác minh đưa ra kết luận điều tra để sớm có hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm về cạnh tranh của thị trường kinh doanh vận tải tại Việt Nam.

Sốc toàn tập khi hay tin đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng

UBND TP.Cần Thơ vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh Nguyễn Cà Rê (sinh năm 1980, ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) số tiền 90 triệu đồng về hành vi “Mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ ”.

Quyết định xử phạt gây sốc của công an TP Cần Thơ
Quyết định xử phạt gây "sốc" của công an TP Cần Thơ

UBND TP. Cần Thơ cũng ra quyết định xử phạt cơ sở thu mua 100 USD của anh Rê với số tiền 180 triệu đồng. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng tịch thu tang vật là 100 USD cùng số tiền 2.260.000 đồng (được quy đổi từ 100 USD của anh Rê)...

Nhiều người dân đã không khỏi sốc với thông tin này. Khi được hỏi, họ đều tỏ ra... mù tịt về Nghị định 96. Hầu như ai cũng nói, việc đổi USD ở tiệm vàng là bình thường, và là chuyện diễn ra như cơm bữa. Và trước giờ, họ cũng chưa thấy ai bị xử lý gì.

Trong khi đó, theo lãnh đạo TP Cần Thơ: “Do Nghị định 96/2014/NĐ-CP không xác định mức phạt theo giá trị tang vật như một số Nghị định khác (Ví dụ như Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định nhiều mức phạt cho một hành vi nếu giá trị tang vật khác nhau) nên hành vi “Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ” chỉ có duy nhất một khung phạt là “Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng.Vì vậy, UBND Cần Thơ phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong khung mà pháp luật quy định nêu trên theo đề nghị của Công an thành phố Cần Thơ.”

Mỗi người Việt gánh hơn 34 triệu đồng nợ công năm 2018

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, dư nợ công ước thực hiện năm 2017 là 3.128 nghìn tỷ đồng; ước năm 2018 là 3.409 nghìn tỷ đồng. Với con số nợ công như vậy, bình quân mỗi người Việt có thể gánh hơn 34 triệu đồng nợ công năm nay, tăng gần 3 triệu đồng mỗi người so với năm 2017 (mức 31,28 triệu đồng).

Trong khi đó, vay để trả nợ gốc hàng năm có xu hướng tăng nhanh. Nợ chính phủ ước thực hiện năm 2017 là 2.590 nghìn tỷ đồng, ước năm 2018 là 2.892 nghìn tỷ đồng. Vay để trả nợ gốc năm 2017 là 150,7 nghìn tỷ đồng; năm 2018 là 157,13 nghìn tỷ đồng; năm 2019 là 201,21 nghìn tỷ đồng.

Samsung thay đổi kế hoạch: Rủi ro lớn cho kinh tế Việt Nam?

Theo đánh giá của SSI Research, trong quý 1 năm 2017 và quý 2 năm 2018, ngành công nghiệp chế biến chế tạo cùng gặp một khó khăn, đó là sự giảm sút của công nghiệp điện tử mà nguyên nhân chính là sản lượng điện thoại của Samsung.

Samsung đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước
Samsung đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước

“Với giá trị sản xuất rất lớn, chiếm tới 20% GDP, điện thoại và công nghiệp điện tử có ảnh hưởng trọng yếu đến kinh tế Việt Nam” – báo cáo này nhận xét.

Sau sự cố Galaxy Note 7 vào cuối năm 2016, thành công của Galaxy S8 và Note 8 đã mang lại kết quả rất tích cực cho nửa cuối năm 2017. Tuy vậy ngay cả khi Galaxy S9 đã ra đời, sản xuất điện thoại trong năm 2018 vẫn giảm sút do Samsung thay đổi kế hoạch sản xuất.

Theo SSI, đây là một thay đổi tương đối bất ngờ và tạo ra rủi ro lớn cho kinh tế Việt Nam nếu không có được những động lực tăng trưởng mới.

Nhà thầu bị Mỹ cấm vận, dự án nhiệt điện 1,2 tỷ USD của Việt Nam “lao đao"

Báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vừa gửi lên Bộ Công Thương cho biết, dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc Chính phủ Mỹ áp dụng cấm vận đối với nhà thầu của dự án là Power Machines (PM - Nga).

Theo quy định của Hợp đồng EPC, nhà thầu PM có trách nhiệm hỗ trợ chủ đầu tư làm việc với ngân hàng để thu xếp vay vốn hợp đồng tín dụng xuất khẩu (ECA) là 740 triệu USD và phần còn lại của hợp đồng EPC bằng vay thương mại.

Tuy nhiên, đến nay việc vay vốn cho dự án từ các nguồn vốn vay của Đức, Ý, Hàn Quốc không còn khả thi do ảnh hưởng của lệnh cấm vận của Chính phủ Mỹ đối với PM.

Hiện PVN, Ban Quản lý dự án, Tư vấn PVCombank đã cung cấp hồ sơ để VEB thẩm định khoản vay cho dự án, dự kiến sẽ triển khai đàm phán chi tiết với các ngân hàng Nga trong thời gian tới. Tuy nhiên, phần thiếu của dự án lên tới khoảng 700 triệu USD được PVN đánh giá là “rất lớn và chưa xác định được nguồn vay”.

Đại biểu bức xúc cao tốc 34.000 tỷ đồng hỏng sau vài cơn mưa, đường sắt đội vốn

Phát biểu thảo luận sáng ngày 26/10, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho biết: "Nếu như đầu nhiệm kỳ các đại biểu Quốc hội lên tiếng phản ứng gay gắt về 12 dự án thất thoát lãng phí hàng nghìn tỷ của Bộ Công Thương, bây giờ lại phát sinh nhiều dự án thất thoát lãng phí của Bộ Giao thông Vận tải quản lý".

Ông dẫn chứng: "Điển hình như dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ đồng, mới đưa vào sử dụng nhưng chỉ sau vài cơn mưa đã hỏng”. Tính toán của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, có 27/42 dự án phải điều chỉnh tăng thêm vốn.

"Cứ điều chỉnh vốn, chậm đưa vào sử dụng thì sẽ thất thoát, lãng phí là nhiều vô kể. Đề nghị Quốc hội cần xử lý nghiêm việc này, nhất là khi Bộ này chuẩn bị làm các dự án lớn như Cao tốc và sân bay Long Thành, với số vốn hàng triệu tỷ đồng, thì thất thoát lãng phí là điều khó tránh khỏi", ông Cầu nhấn mạnh.

Bích Diệp (tổng hợp)

Sốc toàn tập vụ đổi 100 USD; tranh cãi gay gắt về đề nghị Grab bồi thường - 4